Thành phố nào sẽ là trung tâm tài chính của châu Âu hậu Brexit?

(Kinhdoanhnet) - Khi Brexit đã bắt đầu và đang dần được hiện thực hóa thì một câu hỏi khiến không ít người quan tâm đó là thành phố nào tại châu Âu có thể thay thế vai trò trung tâm tài chính của London?

Theo hãng nghiên cứu bất động sản Savills, nhiều tổ chức dịch vụ tài chính tại London sẽ di chuyển văn phòng sau Brexit, tuy nhiên sẽ không tập trung vào một thành phố duy nhất của châu Âu. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính sẽ có các hình thức phân tán, hoặc phân chia các dịch vụ và chức năng khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của từng thành phố thuộc châu Âu.

Thành phố nào sẽ là trung tâm tài chính của châu Âu hậu Brexit? - Ảnh 1
Nhiều tổ chức dịch vụ tài chính tại London được cho là sẽ di chuyển văn phòng sau Brexit

“Mỗi thành phố đều có sức hút và điểm mạnh riêng nhưng không thành phố nào có thể mô phỏng hoàn toàn những gì mà Luân Đôn đã đem lại trong suốt gần ba thập kỉ qua”, Savills nhận định.

Savills cho rằng, các thành phố có mức độ tập trung cao có thể sẽ được nhiều ngân hàng và công ty lựa chọn, đặc biệt là khi họ có khả năng thu hút nguồn lực lao động khi cần.

Dựa trên cơ sở đó, có 5 ứng cử viên có thể thay thế London, gồm:

- Amsterdam – nhờ giá trị văn hóa và sự phổ biến của ngôn ngữ tiếng Anh

- Dublin – nhờ khung thuế doanh nghiệp và ngôn ngữ tiếng Anh

- Madrid – là một thành phố tầm cỡ thế giới với sức hút mạnh mẽ về văn hóa

- Frankfurt – là thành phố dịch vụ tài chính của Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)

- Paris – nhờ quy mô kinh tế và vị thế so với các thành phố khác trên thế giới

Để đánh giá sự phù hợp của những thành phố trên cho các công ty tài chính, Savills xem xét 3 yếu tố chính là: Khung pháp lý, chính sách thuế và mức độ thuận lợi để kinh doanh; tỷ lệ dân số nói tiếng Anh, điều rất quan trọng trong môi trường thương mại toàn cầu; sức hấp dẫn về văn hóa của thành phố để thu hút các nhân sự cao cấp của các tập đoàn ngân hàng toàn cầu.

Với cách đánh giá này, những thành phố nhỏ hơn như Amsterdam và đặc biệt là Dublin có thể được đánh giá cao hơn, đặc biệt khi so với Paris, nơi mức thuế doanh nghiệp cao hơn 50% so với mức trung bình của một thành phố châu Âu.

Những thành phố được đánh giá là có sự nới lỏng của chính quyền trong chính sách thuế cho cả doanh nghiệp và cá nhân, cũng như các luật định về lao động và kinh doanh nhiều khả năng dành được thiện cảm của các công ty trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục