Tẩy chay thực phẩm phương Tây, Nga tìm đối tác mới

(Kinhdoanhnet) - Sau lệnh trả đũa cấm nhập khẩu gần như toàn bộ thực phẩm từ phương Tây, Nga bắt đầu đi tìm nguồn cung mới để đảm bảo nhu cầu trong nước. Trong số đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối tác quan trọng mà Nga đang hướng tới.

Ngày 10/9, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết Nga đang lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu thực phẩm từ Trung Quốc, đồng thời phát triển các dự án tập trung xuất khẩu một số thực phẩm khác sang nước này.

Tẩy chay thực phẩm phương Tây, Nga tìm đối tác mới
Tẩy chay thực phẩm phương Tây, Nga tìm đối tác mới

Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh số lượng các nhà cung cấp thực phẩm của Trung Quốc vào Nga sẽ dần tăng lên. Sau khi, Cơ quan giám sát nông nghiệp Nga "Rosselkhoznadzor" có đánh giá cụ thể về kết quả kiểm định chất lượng các loại thực phẩm thì thị trường thực phẩm Nga sẽ sớm mở cho nhiều công ty của Trung Quốc.

Không chỉ tăng cường nhập khẩu mà Moskva còn muốn tham gia tích cực trong việc xuất khẩu một số loại thực phẩm sang Trung Quốc, đặc biệt sẽ có các dự án lớn liên quan đến việc trồng đậu nành và các nông sản khác ở Siberia và vùng Viễn Đông để cung cấp sản phẩm cho thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Trước đó, hai nước cũng đã đạt được thỏa thuận để nối lại nguồn cung thịt lợn từ Trung Quốc sang Nga, vốn bị đình chỉ từ năm 2004.

Ngoài Trung Quốc, Rosselkhoznadzor cũng thông báo Nga đang xem xét khả năng nhập khẩu thịt trâu từ Ấn Độ bởi Ấn Độ là một trong những nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất và có thể tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường trên thế giới.

Đáp lại, Ấn Độ cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc xuất khẩu các sản phẩm sữa, bao gồm cả sữa bột và bơ sang thị trường Nga.

Trước đó, cơ quan giám sát nông nghiệp Rosselkhoznadzor của Nga cũng đã có kế hoạch tăng nhập khẩu từ Chile, bao gồm các loại rau, trái cây, cá, thịt và sữa.

Đầu tháng 8, Nga áp lệnh cấm nhập khẩu đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả nhập khẩu từ các nước Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ và Na Uy trong thời hạn một năm. Đây được xem như đòn trả đũa của Nga đáp lại những lệnh trừng phạt bổ sung từ phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Năm 2013, Nga đã chi 25,2 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng có trong danh sách cấm nhập trên, trong đó gần 1/3 là nhập từ các nước chịu ảnh hưởng của lệnh cấm này. Bộ Thương mại Nga này tin rằng các nhà sản xuất nội địa và các nhà cung cấp từ Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, các nước láng giềng trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) sẽ có đủ khả năng lấp đầy khoảng trống nói trên. Ngoài ra, Bộ Thương mại Nga cũng đã làm việc với hơn 40 nhà xuất khẩu từ các nước Mỹ Latinh đề nghị sớm tham gia thị trường Nga.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến nước này sẽ tăng gần gấp đôi lượng rau quả xuất khẩu sang Nga. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà xuất khẩu lương thực lớn thứ năm sang thị trường Nga với kim ngạch 1,68 tỷ USD năm 2013. Trong khi đó, Bộ Chính sách Nông nghiệp Brazil cho biết khoảng 90 nhà máy chế biến thịt mới ở nước này đã nhận được giấy phép xuất khẩu thịt bò, thịt gà và thịt lợn sang Nga.

Việc Nga tăng cường nhập khẩu thực phẩm từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác được coi là bước đi nhằm bổ sung lượng thiếu hụt các mặt hàng này trên thị trường Nga.

Trâm Anh (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục