Matthew Todd Miller gặp lại người thân.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với CNN, việc Triều Tiên thả tự do cho Kenneth Bae và Matthew Todd Miller hôm thứ 7 diễn ra ngay sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng của Giám đốc tình báo Mỹ James Clapper.
Quan chức này cho hay, Clapper được cử đến Triều Tiên với tư cách là một phái viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Kenneth Bae đoàn tụ với gia đình.
Clapper chuyển đến chính quyền Triều Tiên lá thư ông Obama viết cho lãnh đạo Kim Jong-un. Trong thư, ông Obama gọi ông Clapper là "đặc phái viên cá nhân của mình" để xúc tiến việc đưa công dân Mỹ về nước. Lá thư này "ngắn và đi thẳng vào vấn đề", một quan chức cho biết.
Các quan chức Mỹ cho biết không có cuộc thảo luận nào về chương trình hạt nhân trong chuyến đi của đặc phái viên Clapper. Đồng thời Mỹ cũng không thực hiện giao dịch nào để đối lấy tự do cho hai công dân này.
"Tôi tin rằng đó là một dấu hiệu tích cực", ông Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, người đã cố gắng đấu tranh giành tự do cho Bae trong chuyến thăm Triều Tiên hồi năm 2013, nói với CNN.
Với Triều Tiên, đã có rất nhiều "vết đen" trong hồ sơ nhân quyền tại Liên Hợp Quốc, Richardson cho rằng Bình Nhưỡng đang gửi một thông điệp đến quốc tế "chúng tôi đã sẵn sàng nói chuyện".
Theo CNN, có một số lý do giải thích cho động thái trên của Bình Nhưỡng.
Joel Wit, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng việc Triều Tiên thả hai công dân Mỹ đơn giản chỉ là nước này thực hiện luật pháp của mình. "Những người này bị giam giữ trong một thời gian bị phán xét, và bây giờ họ được thả tự do", ông nói.
Hoặc đây có thể là một thông điệp mà ông Kim muốn gửi đến Trung Quốc rằng "Bình Nhưỡng đang cố gắng hợp lý hóa các vấn đề, chứ không phải vì Mỹ".
Joel Wit cho biết cũng có thể đó là một nỗ lực của Triều Tiên làm giảm bớt đi chỉ trích gay gắt của Ủy ban Liên Hợp Quốc về vấn đề hạt nhân cũng như những cáo buộc về tội ác chống lại nhân loại của nước này.
Chính cá nhân ông Kim Jong Un, người nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối đất nước Triều Tiên sau cái chết của cha ông Kim Jong Il, là người yêu cầu thả tự do cho Bae và Miller.
Lúc đầu người ta hy vọng rằng nhà lãnh đạo trẻ này sẽ mở ra một mối quan hệ nồng ấm với phương Tây và giảm đi những khiêu khích, bao gồm các cuộc đe dạo tấn công hạt nhân phủ đầu. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, những việc làm của Kim Jong Un càng trở nên khó đoán và thậm chí nguy hiểm hơn cả cha ông.
Christopher Hill, người từng dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong cuộc đàm phán thất bại nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, cũng nghi ngờ việc thả tự do cho hai công dân Mỹ là một cử chỉ thiện ý.
Phương Anh (Theo CNN)