Những gam màu tối trong bức tranh kinh tế Nhật Bản

(Kinhdoanhnet) - Kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi nợ chính phủ lớn gấp đôi GDP, tăng trưởng lương chậm, kinh doanh thiếu năng động cùng hàng loạt vụ bê bối trong ngành công nghiệp.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thành công khi đặt cược rằng nền kinh tế Nhật đang ở trong trạng thái đủ tốt để giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/10 vừa qua. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào bức tranh kinh tế này thì vẫn có những gam màu tối. 

Những gam màu tối trong bức tranh kinh tế Nhật Bản - Ảnh 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 

CNN đã chỉ ra 4 thách thức mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phải đối mặt.

Núi nợ khổng lồ

Nhật Bản là nước giàu có nợ nần nặng nề nhất thế giới, với nợ chính phủ lớn gấp đôi GDP. Chính phủ nước này phải huy động tiền để giảm số nợ này xuống, nhưng Nhật Bản cũng cần rất nhiều tiền mặt để chi cho an sinh xã hội, chăm sóc cho dân số đang già hóa rất nhanh.

Theo quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, tập trung tăng trưởng kinh tế sẽ làm cho việc giảm nợ trở nên dễ dàng hơn, vì nó có thể mang lại nhiều khoản thu thuế hơn cho chính phủ. Tuy nhiên, ông Stephen Nagy, Giáo sư Đại học Christian ở Tokyo lại cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế chỉ là cách giải quyết vấn đề tài chính trong ngắn hạn”.

Tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản ở mức khá thấp so với các nền kinh tế phát triển khác như Pháp, Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền lương ở Nhật Bản rất chậm, khiến người dân không hào hứng chi tiêu, dẫn đến lạm phát không thể tăng và hiện còn cách rất xa so với mức mục tiêu 2% mà NHTW Nhật Bản đề ra.

Giá cả đình trệ hoặc giảm giá hàng hóa thường được coi là tin xấu đối với nền kinh tế. Người tiêu dùng bỏ qua việc mua sắm khiến các công ty khó tăng lợi nhuận, dẫn đến tình trạng không có tiền để đầu tư vào sản phẩm mới hoặc tăng lương cho nhân viên.

Hàng loạt bê bối nghiêm trọng

Trong vài năm trở lại đây, ở Nhật Bản liên tiếp nổ ra những vụ bê bối lớn tại các doanh nghiệp hàng đầu. Điển hình phải kể đến là việc tập đoàn thép hàng đầu nước Nhật Kobe Steel thừa nhận làm giả số liệu về các sản phẩm mà hãng cung cấp cho nhiều tập đoàn nổi tiếng như Toyota hay Boeing. Trong khi đó Nissan tuyên bố ngừng sản xuất ô tô cho thị trường nội địa vì các vấn đề liên quan đến quy trình kiểm tra an toàn.

Trước đó, danh sách này cũng đã dày đặc bởi lỗi túi khí gây chết người của Takata, trường hợp kinh doanh điện hạt nhân thua lỗ của Toshiba, gian lận số liệu kinh tế của Mitsubishi và vụ tham nhũng của Olympus.

Theo giáo sư Thomas Clarke của UTS Business School (Sydney, Úc), khả năng cạnh tranh và tiêu chuẩn của các tập đoàn Nhật Bản đang giảm sút.

Kinh doanh kém năng động

Theo Capital Economics, năng suất của người lao động Nhật Bản thấp hơn 1/3 so với lao động Mỹ. Và lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật rất khiêm tốn so với tại các nước phát triển khác.

Ngoài ra, hơn một 1/4 người dân nước này đã trên 65 tuổi, khiến tình hình lao động có phần trì trệ của Nhật Bản khó được cải thiện.

Chuyên gia kinh tế Marcel Thielient cho rằng Chính phủ của ông Abe cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn nền kinh tế hụt hơi trong vài năm nữa.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục