Nguy cơ nợ nần xuất phát từ sáng kiến BRI

Theo IMF, những dự án nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) có thể dẫn đến việc gia tăng tình trạng nợ nần và có khả năng làm hạn chế các chi tiêu khác của Trung Quốc.

Nguy cơ nợ nần xuất phát từ sáng kiến BRI - Ảnh 1
IMF cảnh báo nguy cơ nợ nần xuất phát từ sáng kiến BRI. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời báo Tài chính mới đây đưa tin trong chuyến thăm Trung Quốc nhân dịp khai trương Trung tâm đào tạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)-Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 12/4, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde lên tiếng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về việc cần thận trọng đối với "những dự án không cần thiết và không bền vững" tại một số nước vì sẽ gây ra những gánh nặng nợ nần chồng chất sau này.

Phát biểu tại hội nghị ở Bắc Kinh, bà Lagarde cho rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc có thể tạo ra những cơ sở hạ tầng cần thiết. Tuy nhiên, những dự án nằm trong sáng kiến này cũng có thể dẫn đến việc gia tăng tình trạng nợ nần, có khả năng làm hạn chế các chi tiêu khác khi nợ dịch vụ tăng và khiến việc cân đối thu chi khó khăn hơn.

IMF cho thấy họ đã nỗ lực ủng hộ sáng kiến trên. Bà Lagarde tuyên bố mở Trung tâm Phát triển Năng lực Trung Quốc- IMF nhằm giúp đào tạo các quan chức làm việc trong lĩnh vực phát triển khi họ thực hiện các dự án tại nước ngoài. Mục tiêu của dự án đào tạo này là nhằm giúp cho BRI.

Mặc dù được IMF khích lệ, song một số nước ở phương Tây lại tỏ ra ngờ vực ý đồ của Trung Quốc, chẳng hạn Mỹ đặt ra câu hỏi liệu nỗ lực phát triển các dự án quốc tế của Trung Quốc có che đậy việc Trung Quốc muốn giành ảnh hưởng tại khu vực Á-Âu và châu Phi hay không.

Vấn đề nợ cũng gây ra tranh cãi nan giải trong giới kinh tế về việc làm sao có thể xử lý tốt nhất việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại những nước có nền kinh tế non yếu, dễ đổ vỡ.

Theo báo cáo của Trung tâm Washington về Phát triển Toàn cầu, 8 nước trong cung đường của sáng kiến trên hiện đang có thể gặp phải vấn đề trả nợ do nợ quá nhiều từ Trung Quốc, trong đó một số nước được nhắc đến là Pakistan, Djibouti, Maldives và Lào.

Nghiên cứu cho thấy 23 nước hiện đang trong tình trạng "nợ nần nguy hiểm" do vay nợ từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong nước, đây là các dự án nằm trong sáng kiến BRI. Nhất trí với những chỉ trích này, bà Lagarde cho biết một số nước nợ công vốn đã cao nên việc quản lý thận trọng các điều khoản tài chính là vô cùng quan trọng.

Bà Lagarde cho biết một thách thức khác nữa đó là "đảm bảo để BRI chỉ đi đến những nơi cần thiết" - ám chỉ đến những vấn đề liên quan tới việc lựa chọn bỏ thầu. Bà Lagarde cho rằng "chi phí lớn đôi lúc dẫn đến những hành vi lợi dụng trong việc lựa chọn và tiến trình đấu thầu".

Các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực để giành được sự ủng hộ của IMF và các tổ chức lớn khác đối với sáng kiến trên. Phát biểu tại lễ đón tiếp bà Lagarde tại Bắc Kinh, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương cho rằng "đảm bảo nợ bền vững là điều rất quan trọng".

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng việc cân nhắc "phát triển mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước như thế nào và làm sao để cải thiện được đầu tư công trong khi tận dụng được hết các nguồn lực từ bên ngoài" cũng rất quan trọng.

Mặc dù một số nước phương Tây nghi ngại sáng kiến trên, song các nước đang phát triển lại hoan nghênh cách tiếp cận của Trung Quốc. Họ cho rằng họ thường bị làm khó với những điều kiện chặt chẽ của IMF về quản lý nợ. Điều đó có nghĩa là việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết bị trì hoãn.

Trung Quốc đã đồng ý đóng góp 50 triệu USD trong 5 năm để IMF giúp đào tạo một số quan chức của Trung Quốc. Tại lễ tuyên bố mở Trung tâm đào tạo IMF-Trung Quốc, bà Lagarde đã hoan nghênh nỗ lực nhằm đặt các quyết định về sáng kiến BRI dưới sự giám sát của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế mới được thành lập. Cơ quan này chịu trách nhiệm về những hỗ trợ quốc tế của Trung Quốc.

Theo TTXVN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục