"Ngập" trong nợ nần, “ông trùm” ngành phụ tùng ô tô phá sản

(Kinhdoanhnet) - Công ty sản xuất túi khí ôtô Takata của Nhật Bản ngày 26/6 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đánh dấu vụ sụp đổ doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bloomberg cho biết, Takata phá sản do sức ép nợ nần quá lớn từ việc phải thu hồi hàng triệu túi khí ôtô sau khi túi khí do hãng sản xuất bị cho là có liên quan tới nhiều cái chết của người dùng ôtô.

"Ngập" trong nợ nần, “ông trùm” ngành phụ tùng ô tô phá sản - Ảnh 1
Công ty sản xuất túi khí ôtô Takata của Nhật Bản đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Takata đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở bang Delaware, Mỹ và ở Tokyo. Theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ, Takata có số nghĩa vụ nợ hơn 10 tỷ USD, bao gồm tiền bồi thường cho các hãng sản xuất ôtô Honda, Toyota, và người tiêu dùng thực hiện các vụ kiện tập thể đối với công ty.

Bằng cách phá sản, Takata sẽ được bán lại cho công ty sản xuất túi khí Key Safety Systems (KSS) của Mỹ. KSS nhất trí mua lại Takata với giá 1,6 tỷ USD. Sau vụ mua lại, KSS dự kiến sẽ giữ nguyên nhân viên của Takata trên toàn cầu và đưa công ty này hoàn tất quy trình phá sản vào cuối quý 1/2018.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo bắt đầu dừng giao dịch cổ phiếu Takata từ ngày 26/6 và cho biết cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 27/7.

Hiện giá trị của Takata trên thị trường chứng khoán tại phiên giao dịch gần nhất là 360 triệu USD trong khi công ty này đang nợ các hãng xe lớn trên thế giới số tiền 850 triệu USD và hạn chót 2018 phải trả hết số nợ này.

Khủng hoảng túi khí Takata có thể coi là lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi khi ảnh hưởng tới trên 100 triệu xe trên khắp thế giới do hãng cung ứng phụ tùng Nhật giành được hàng loạt hợp đồng cung cấp túi khí cho những hãng xe bán chạy, đặc biệt là Toyota và Honda. Nguyên nhân là do Takata sử dụng bơm túi khí dùng ammonium nitrate một hợp chất dễ biến chất, bay hơi khi tiếp xúc với điều kiện ẩm ướt khiến túi khí có thể nổ quá mạnh làm các mảnh kim loại vỡ từ máy bơm văng ra gây sát thương cho người ngồi trong xe thay vì bảo vệ họ.

Hồi tháng 1 năm nay, Takata thừa nhận đã che giấu rủi ro chết người từ việc túi khí của hãng bị nổ trong suốt 15 năm, đồng thời nhất trí nộp phạt 1 tỷ USD cho cơ quan chức năng, người tiêu dùng, và các hãng xe Mỹ.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục