Mối quan ngại đặc biệt của Australia tại khu vực Nam Thái Bình Dương

Bài viết của tác giả Grey Sheridan và Cameron Stewart trên tờ The Australian mới đây cho rằng Australia đang có mối quan ngại lớn về gia tăng ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc vào khu vực.

Bài viết của tác giả Grey Sheridan và Cameron Stewart trên tờ The Australian mới đây cho rằng Australia đang có mối quan ngại lớn về gia tăng ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc vào khu vực.

Mối quan ngại đặc biệt của Australia tại khu vực Nam Thái Bình Dương - Ảnh 1
Cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết của tác giả Grey Sheridan và Cameron Stewart đăng trên tờ The Australian mới đây cho rằng Australia đang có mối quan ngại lớn về sự gia tăng ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc vào khu vực này.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương được thúc đẩy từ một cảnh báo của cựu lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) - cơ quan tình báo lớn nhất của Mỹ, rằng Trung Quốc đã tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền lực nhằm giành ưu thế trên khắp Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn The Australian, Nguyên soái Mike Rogers – từng là lãnh đạo cơ quan tình báo cấp cao nhất – nói rằng quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa Australia và Papua New Guinea kể cả khả năng thiết lập một căn cứ quân sự chung trên đảo Manus, có thể là giải pháp “cùng thắng”.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Australia) công bố tháng 8/2018, tổng mức đầu tư viện trợ của Trung Quốc vào Papua New Guinea đang ngày càng gia tăng. Năm 2016, Trung Quốc viện trợ 20,83 triệu USD cho Papua New Guinea, so với 375,96 triệu AUD (tương đương 263,17 triệu USD) của Australia.

Tới năm 2017, Trung Quốc tiếp tục đầu tư thêm 62,97 triệu USD cho Papua New Guinea, tăng gấp ba lần giá trị viện trợ so với năm trước, trong khi Australia không ghi nhận bất kỳ sự gia tăng viện trợ nào.

Thông tin cho biết cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trước đó đã có các cuộc thảo luận với phía Papua New Guinea về việc thiết lập một căn cứ hải quân chung tại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea. Căn cứ này trước đây từng được hải quân Mỹ và Australia sử dụng.

Mới đây, Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã nhấn mạnh chương trình nâng cấp cầu cảng và hạ tầng căn cứ trên đảo Manus. Mặc dù cả Thủ tướng Morrison và Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne đều không xác nhận việc đàm phán này, song được biết Chính phủ đã thương thuyết hợp đồng nâng cấp căn cứ Hải quân Lombrum ở đảo Manus của Papua New Guinea do Công ty Fletcher Morobe Constructions thực hiện.

Một căn cứ Hải quân chung ở Manus có thể mang lại cho Hải quân Australia vị trí hàng đầu trong việc phòng thủ và bảo vệ các tuyến đường biển trọng yếu chuyên chở hàng hoá vào khu vực.

Nguyên soái Rogers miêu tả động thái này là tích cực. Ông nói: “Việc làm này tốt cho sự ổn định, tốt cho việc mở rộng khả năng, giúp cả hai nước, là giải pháp cùng thắng”. Theo Nguyên soái Rogers, Trung Quốc “rõ ràng đang nỗ lực tạo quan hệ có thể mang lại thuận lợi cho mình” và “đây là một chiến lược tỉnh táo”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pyne cho biết việc nâng cấp căn cứ Hải quân trên đảo Manus được thiết kế để hỗ trợ bảo đảm an toàn và an ninh cho 4 tàu tuần tra mới lớp Guardian của Papua New Guinea cập bến.

Nguồn tin cho biết tổng chương trình chi tiêu quốc phòng của Australia ở Nam Thái Bình Dương có thể là 120 triệu đôla Australia (AUD) trong năm nay, tăng 250% so với năm 2013 khi Liên đảng Tự do-Quốc gia bắt đầu nắm quyền.

Chi tiêu này không bao gồm giá trị tàu tặng cho các nước trong khu vực. Phát biểu trên kênh truyền hình Seven, Thủ tướng Morrison nói rằng Thái Bình Dương là một khu vực ưu tiên rất cao trong lợi ích an ninh quốc gia.

Trong thời gian Rogers là lãnh đạo NSA, cơ quan này đã tăng cường tập trung vào các hoạt động của Trung Quốc, đối phó với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác và giải quyết vụ việc của Snowden.

Ông nói rằng Trung Quốc hiện đầu tư lớn vào khả năng mạng và tình báo. Trung Quốc cũng đặt ra thách thức chưa từng có với tình báo phương Tây vì họ tìm cách đánh cắp bí mật từ phương Tây và chuyển giao cho các công ty Trung Quốc theo cách chưa bao giờ xảy ra ở phương Tây.

Ông cho rằng cách tiếp cận này của Australia và Mỹ tại Thái Bình Dương là một cách xây dựng quan hệ lâu dài và hấp dẫn hơn mô hình do Trung Quốc đề xuất. Đây là một mô hình tạo ra sự khác biệt giữa Mỹ, Australia, phương Tây và Trung Quốc khi các đối tác làm việc cùng nhau. Đây không phải là mô hình của Trung Quốc, Trung Quốc không có đồng minh và đối tác.

Australia hiện đang tiến hành nhiều chương trình hỗ trợ và an ninh ở Nam Thái Bình Dương theo hình thức xây dựng khả năng trong khu vực và tăng cường khả năng phục hồi, song cũng để ngăn chặn Trung Quốc tham gia các hoạt động an ninh trong khu vực.

Hiện Australia đặt và chia nhóm máy bay ở Samoa và Vanuatu để tiến hành các hoạt động giám sát dành cho các nước Nam Thái Bình Dương. Hoạt động này được thiết kế để theo dõi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và không được kiểm soát, buôn bán ma túy và buôn người; đồng thời có tác dụng xây dựng nhận thức quân sự trong khu vực và đẩy mạnh chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia.

Tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương ở Nauru diễn ra đầu tháng 9, Ngoại trưởng Marise Payne đã công bố thành lập Trung tâm hỗn hợp khu vực Nam Thái Bình Dương, theo đó phối hợp các hoạt động quân sự và thực thi luật pháp để tăng cường luật pháp và chủ quyền lãnh thổ. Dự kiến Trung tâm này sẽ chính thức hoạt động vào năm tới sau khi các nước tham vấn nhất trí về địa điểm đặt trụ sở.

Năm tới, Australia sẽ thành lập Trường An ninh Thái Bình Dương đào tạo quan chức cấp cao và đẩy mạnh phát triển chính sách chiến lược và mạng lưới chuyên gia trong khu vực. Hiện các cơ quan an ninh và tình báo của Australia đang hợp tác với Papua New Guinea để chuẩn bị cho Hội nghị APEC vào tháng 11 ở Papua New Guinea.

Theo báo cáo được ghi nhận vào đầu năm nay, sự ủng hộ của Canberra đối với việc Papua New Guinea đăng cai tổ chức APEC 2018 được xem là một phần của chiến lược ngăn chặn quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với APEC.

Australia đã tài trợ Papua New Guinea khoảng 100 triệu AUD (tương đương 70 triệu USD). Tuy nhiên, sự hỗ trợ hào phóng của Australia cũng không thể hạn chế được quyền tham gia của Trung Quốc.

Quốc gia lớn nhất châu Á này đã rộng rãi đầu tư cho Papua New Guinea một trung tâm hội nghị dành riêng cho APEC 2018 và nâng cấp đường sá quanh khu vực cảng Moresby, thậm chí, bao gồm cả sự đầu tư không cần thiết để mở rộng đường cao tốc Poreporena nối liền tỉnh Waigani và trung tâm thị trấn Cảng Moresby./.

TTXVN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục