Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Ai sẽ là "ngư ông đắc lợi"?

(Kinhdoanhnet) - Đất nước Qatar nhỏ bé nhưng đầy quyền lực và hấp dẫn. Bởi thế, trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh này không ít quốc gia sẽ thành "ngư ông đắc lợi".

Mỹ châm ngòi nổ?

Đã một tuần trôi qua kể từ khi các nước Arab đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa biên giới đường bộ và không phận, rút cán bộ ngoại giao và yêu cầu công dân Qatar rời khỏi nước sở tại. 

Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Ai sẽ là "ngư ông đắc lợi"? - Ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud sau khi tới thủ đô Riyadh hôm 20/5. Ảnh: EPA.

Vụ khủng hoảng nổ ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi Trung Đông đã khiến cho dư luận, đặc biệt là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đều cho rằng Mỹ đã “thông qua kế hoạch”.

Giáo sư Bora Bayraktar tại Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Đối với Mỹ, việc cô lập Qatar có thể sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong ván cờ ở khu vực và họ sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đối với Qatar khi nước này bị cô lập. Một Qatar suy yếu có thể có lợi cho Mỹ. Mặt khác, việc lợi dụng tình hình hiện nay cũng có thể giúp Mỹ thao túng và điều khiển các nước vùng Vịnh”.

Cựu đại sứ Mỹ tại Doha còn nói rằng: “Cơ hội xuất hiện từ chuyến công du cũng như từ chính nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump”.

Không ít chuyên gia chính trị quốc tế có chung quan điểm này cho rằng cuộc khủng hoảng giữa các nước Arab do chính Mỹ tạo ra để phục vụ lợi ích của Mỹ tại khu vực Trung Đông nhiều giàu mỏ và mua lắm vũ khí này.

Ai là "ngư ông đắc lợi"?

Giới quan sát cho rằng các nước lớn đều có những toan tính khác nhau trong ván bài khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh. Nhưng việc cô lập Qatar, một nước có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực không những làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông mà còn vô tình mang lợi cho những “ngư ông” đang chờ “nước đục” để thả câu.

Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Ai sẽ là "ngư ông đắc lợi"? - Ảnh 2
Qatar vẫn là quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn bậc nhất trên thế giới.

Sputnik dẫn lời nhận định của Tiến sĩ Volkan Ozdemir – Chủ tịch Viện Chính sách và Thị trường Năng lượng EPPEN có trụ sở ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin Mỹ và Nga là hai nước có thể được hưởng lợi ích từ khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. Ông giải thích Qatar vẫn đang là một trong những nguồn cung khí hóa lỏng lớn nhất thế giới: “Cuộc khủng hoảng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường năng lượng và khiến giá cả các mặt hàng năng lượng tăng. Tuy nhiên, Mỹ và Nga có thể sẽ được hưởng lợi từ khủng hoảng”.

Qatar trở thành nhà máy khí đốt thiên nhiên lớn nhất trong khu vực, chỉ có Gazprom Nga có thể thách thức ảnh hưởng của Qatar.

Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Ai sẽ là "ngư ông đắc lợi"? - Ảnh 3
Nga được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

Các nhà phân tích cho rằng, vụ khủng hoảng Qatar dù xảy ra bất kỳ kết cục nào thì Nga vẫn hưởng lợi. Tất nhiên khi khí đốt tự nhiên đã trở nên quan trọng không kém gì dầu khí trong thế giới hiện đại thì các tinh hoa chính trị Nga sẽ biết kết hợp khí tự nhiên và chính trị ra sao.

Có ý kiến lại cho rằng, "ngư ông đắc lợi" nhất trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này chính là Iran. Không chần chừ, giữa lúc người dân Qatar đang thiếu khát lương thực do bị cô lập, phong tỏa, Tehran mở rộng không phận tăng số chuyến bay đến Qatar mỗi ngày lên khoảng 100 chuyến bay.

Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Ai sẽ là "ngư ông đắc lợi"? - Ảnh 4
Iran viện trợ lương thực, thực phẩm và cho phép mọi chuyến bay thương mại của Qatar được bay qua không phận

Nếu “dụ dỗ” được Qatar, Iran sẽ có thêm một đồng minh cực kỳ quan trọng phía bên kia bờ Vịnh để tạo điều kiện mở rộng tầm ảnh hưởng phục vụ tham vọng của mình. Ngay cả khi không lôi kéo được Qatar thì Iran vẫn sẽ là bên hưởng lợi khi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi thành lập.

Vị thế của Iran trong khu vực đang gia tăng đến nay lại gặp thêm thời cơ thuận lợi để nước này khẳng định vai trò khi đang đứng ra kêu gọi các nước láng giềng nối lại đối thoại để giải quyết bất đồng.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục