Không có Mỹ, Nhật vẫn thúc đẩy TPP

(Kinhdoanhnet) - Chính phủ Nhật Bản đang đặt trọng tâm vào thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực cho dù Mỹ đã rút khỏi hiệp định này.

Lo ngại Trung Quốc

Theo hãng tin Kyodo, hiện nay, chính phủ Nhật Bản tích cực thúc đẩy TPP không có Mỹ là do lo ngại Trung Quốc chiếm lấy vai trò chủ đạo trong khuôn khổ tự do hóa thương mại châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nhằm ngăn chặn hiệp định có chất lượng cao này bị bỏ đi.

Không có Mỹ, Nhật vẫn thúc đẩy TPP - Ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp tại bang Florida, Mỹ từ ngày 6 - 7/4/2017. Ảnh: Reuters

Do lo ngại TPP bị phá sản, nội bộ chính phủ Nhật Bản cho rằng cần thay đổi thái độ thận trọng. Ngày càng có nhiều ý kiến muốn thúc đẩy TPP có hiệu lực, cho dù không có sự tham gia của Mỹ.

Để TPP với 11 nước thành viên có hiệu lực sẽ có độ khó rất lớn, hiện còn đang thảo luận việc các nước đạt được thỏa thuận ngoài hiệp định tiến hành ký kết nghị định thư để áp dụng phương án của TPP, tức là chỉ để những nước muốn tham gia tạm thời khởi động TPP. 

Hiệp định chung về thuế quan và thương mại đa phương cũng được khởi động bằng phương thức này. Hiệp định này suýt bị bỏ lỡ vì chưa đáp ứng được điều kiện có hiệu lực.

TPP có hiệu lực cần nhận được ít nhất 6 trong số 12 thành viên phê chuẩn, đồng thời tổng GDP của họ phải chiếm 85% tổng GDP của 12 nước thành viên. Hiện nay, hiệp định không thể có hiệu lực sau khi Mỹ rút đi, vì vậy cần sửa đổi hiệp định.

Không muốn có một FTA với Mỹ nếu TPP "chết"

Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Nhật Taro Aso cho biết, trong TPP, Nhật Bản có thể nhượng bộ nhiều hơn các yêu cầu của Mỹ, bởi Nhật có thể bù đắp cho những thiệt hại đó thông qua thỏa thuận với các quốc gia khác. Tuy nhiên, trong một thỏa thuận song phương thì không thể như vậy. "Không thể bù đắp lại những thiệt hại do nhượng bộ với Mỹ”, ông Aso nói.

Không có Mỹ, Nhật vẫn thúc đẩy TPP - Ảnh 2
Phó thủ tướng Nhật Taro Aso

Nhật Bản lo ngại một thỏa thuận song phương sẽ khiến nước này phải đối mặt với sức ép lớn từ Mỹ về mở cửa những thị trường có độ nhạy cảm cao về chính trị ở Nhật như nông sản và thịt bò.

Tuyên bố của Phó thủ tướng Nhật cho thấy Tokyo không muốn có một FTA song phương với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ TPP

Có vẻ như ông Aso đang hất một gáo nước lạnh vào phương thức tiếp cận song phương trong thương mại mà Tổng thống Trump ưa thích.

Thảo luận TPP không Mỹ

Ông Aso cho biết, các thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, trừ Mỹ, sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc thực hiện thỏa thuận này vào tháng 5 tới.

Ông Aso cho biết 11 nước thành viên còn lại của TPP sẽ bắt đầu đàm phán "để thỏa thuận có hiệu lực, mà không có nền kinh tế lớn nhất thế giới, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 5". 

Ông Aso nói rằng các đàm phán đa phương như TPP sẽ giúp "Nhật Bản nhận được nhiều lợi ích từ các nước khác, dù có phải thua thiệt so với một số nước nhất định, như Mỹ".

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục