IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

(Kinhdoanhnet) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã quyết định giữ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới không đổi là 3,1 % trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017 như báo cáo hồi tháng Bảy.

Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới", IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong năm nay 0,2 điểm phần trăm xuống 1,6%, cho rằng toàn cảnh kinh tế của các quốc gia giàu có không mấy sáng sủa.

IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới - Ảnh 1
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Ảnh minh họa

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lại có triển vọng khả quan hơn với dự báo tăng trưởng được nâng từ 4,1% lên 4,2%. 

IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, từ 2,2% xuống còn 1,6% năm 2016 và nhận định năm 2017 cũng chỉ đạt mức tăng trưởng là 1,8%, cho rằng kinh tế Mỹ đã để mất phần nào động lực có được trong vài năm qua, khi ngành dầu mỏ giảm sút, đầu tư doanh nghiệp yếu và dự trữ hàng của doanh nghiệp trong tình trạng dư kéo dài. 

Bất chấp những chỉ số ấn tượng về thị trường việc làm và chi tiêu tiêu dùng, song hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng từ đồng USD mạnh, đầu tư doanh nghiệp yếu ớt và năng suất sụt giảm trong 3 quý liên tiếp là những yếu tố khiến IMF cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của Mỹ.

IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 6,6% trong năm 2016 và giảm xuống còn 6,2% trong năm sau. IMF quan ngại rằng nợ công kèm theo những lo ngại về năng lực quản lý doanh nghiệp nhà nước sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế này trong dài hạn.

Ngoài ra, đối với các nền kinh tế mới nổi khác như Nga và Brazil, báo cáo của IMF nhận định kinh tế hai nước này sẽ ổn định trở lại trong năm 2017 sau thời gian dài giảm sút.

Nhật Bản nổi lên như những điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu trong báo cáo của IMF. Thể chế tài chính này đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Nhật Bản lên 0,5% trong năm nay và 0,6% trong năm tiếp theo, so với con số dự báo trước là 0,3% và 0,1%, nhờ các biện pháp kích thích mạnh của chính phủ.

Tuy nhiên, IMF cho rằng Nhật Bản cần phải cẩn trọng trước nguy cơ giảm phát do chỉ số giá tiêu dùng thấp kèm theo việc đồng yen mạnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. 

Phương Anh (Tổng hợp)

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục