Hàng loạt bê bối khiến thương hiệu "Made in Japan" bị lung lay

(Kinhdoanhnet) - Theo Bloomberg, tác động lớn nhất của vụ bê bối Kobe Steel là hình ảnh thương hiệu Nhật. Chúng gửi một thông điệp đến thị trường rằng sản phẩm Nhật có thể không hoàn toàn hoàn hảo.

Mấy ngày qua, hình ảnh ông Hiroaki Honjo -Tổng Giám đốc công ty xăng Idemitsu Q8 (IQ8) đội mưa cúi chào khách mỗi khi ra vào đổ xăng tại trạm xăng trong khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) đã đã lan truyền mạnh mẽ trên các mạng xã hội, nhiều lời khen tặng đã được dành cho văn hoá kinh doanh của Nhật Bản, thậm chí đã tạo nên một "cơn sốt" ở Việt Nam.

Hàng loạt bê bối khiến thương hiệu "Made in Japan" bị lung lay - Ảnh 1
Hình ảnh ông Hiroaki Honjo -Tổng Giám đốc công ty xăng Idemitsu Q8 (IQ8) đội mưa cúi chào khách hàng. Ảnh: Infonet

Ví dụ trên để thấy rằng, thái độ phục vụ là rất quan trọng. Doanh nghiệp Nhật Bản mang cách tiếp cận mới, mang sắc thái mới trong văn hóa kinh doanh. Mặc dù giá sản phẩm có thể như nhau nhưng chắc chắn người tiêu dùng sẽ quay sang ủng hộ doanh nghiệp làm tốt hơn.

Tuy nhiên, thái độ phục vụ tốt chưa phải là tất cả. Đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là chất lượng trong từng sản phẩm. 

Bấy lâu nay, "chất lượng Nhật Bản" hay "Made in Japan" luôn chiếm được niềm tin và thiện cảm của nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Tuy nhiên, hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến vấn đề quản lý và kiểm soát chất lượng xảy ra tại các doanh nghiệp lớn Nhật Bản đã ảnh hưởng đến danh tiếng chất lượng sản phẩm của nước này.

Hàng loạt bê bối liên tiếp

Vụ bê bối đình đám nhất mấy ngày qua chính là của Tập đoàn Kobe Steel, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản. "Ông lớn" ngành thép này đã thừa nhận làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm.  Trong đó một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong máy bay, xe hơi, và thậm chí cả tên lửa vũ trụ. 

Hàng loạt bê bối khiến thương hiệu "Made in Japan" bị lung lay - Ảnh 2
Lãnh đạo Kobe Steel cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo tuần trước. Ảnh: Reuters

Hàng loạt các nhân vật "tai to mặt lớn" như Toyota, Nissan, Honda, Mitsubishi Motor, Subaru và Mazda cùng các công tty hàng không và các nhà thầu quốc phòng như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI đều sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của nhà sản xuất sắt thép lớn mạnh này.

Vụ bê bối ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp tại Nhật khi ngày càng nhiều nhà sản xuất cho biết họ đã sử dụng các sản phẩm của Kobe Steel trong sản xuất ô-tô, tàu cao tốc, và thậm chí thiết bị quốc phòng. Theo công ty kỹ thuật Hitachi, hệ thống tàu cao tốc Shinkansen nổi tiếng của Nhật Bản và các đoàn tàu cao tốc ở Anh cũng sử dụng nhôm của Kobe Steel.

Hồi năm 2016, Shinko  Wire, một công ty con của Kobe Steel, cho biết một bộ phận đã thổi phồng dữ liệu về độ bền chắc của sản phẩm dây thép không rỉ.

Theo Bloomberg, tác động lớn nhất của vụ việc trên là hình ảnh thương hiệu Nhật. Chúng gửi một thông điệp đến thị trường rằng sản phẩm Nhật có thể không hoàn toàn hoàn hảo.

Những năm gần đây, nhiều vụ việc gây chấn động thế giới về chất lượng của Nhật đã gia tăng. Trước Kobe Steel, Takata Corp đã rơi vào tình trạng phá sản sau vụ bê bối túi khí khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, đồng thời gây ra những đợt triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Tập đoàn Toshiba danh tiếng một thời hiện cũng đang đứng bên bờ vực phá sản do những yếu kém, sai phạm trong quản lý, trong đó đáng chú ý nhất là vụ bê bối kế toán gây chấn động thế giới năm 2015.

Năm ngoái, Mitsubishi Motors cũng thừa nhận đã gian lận kết quả mức độ tiêu hao năng lượng xe.

Tháng 3/2017, hãng lốp xe Toyo Tire & Rubber thừa nhận làm giả dữ liệu về cao su dùng trong các tòa nhà có khả năng chịu động đất. 

Hay chỉ tuần trước, hãng xe Nissan cũng phải thu về hơn 1 triệu phương tiện vì sai phạm trong quá trình kiểm soát chất lượng.

Niềm tin bị lung lay

Dường như uy tín xây dựng trong nhiều thập kỷ đang bị suy giảm, niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản đang lung lay.

Hàng loạt bê bối khiến thương hiệu "Made in Japan" bị lung lay - Ảnh 3
Niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản đang lung lay. Ảnh minh họa

"Ngày càng có nhiều vụ sai phạm được dư luận biết đến. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tiền của họ được đầu tư vào những công ty được quản lý tốt và tuân thủ các quy định", ông Keita Kubota - Nhà quản lý đầu tư công ty Aberdeen Asset Management cho biết.

Theo các chuyên gia, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã đẩy mạnh việc cải cách quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên trọng tâm chủ yếu lại nhằm vào việc nâng cao lợi nhuận hơn là ngăn chặn các sai phạm. Hệ quả là trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp không ngừng tăng lên, số vụ bê bối bị phát hiện đối với các công ty được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán cũng đã tăng gấp đôi.

Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ bởi tính kỷ luật và cạnh tranh cao độ, từ cuộc cách mạng công nghệ trong sản xuất đến văn hóa làm việc nghiêm túc của tập thể lãnh đạo công nhân viên. 

Có ý kiến cho rằng những vụ việc về tiêu chuẩn chất lượng trên là điều bình thường với các công ty trên thế giới và việc truyền thông nhấn mạnh những sai phạm ở Nhật Bản là hành vi thiếu công bằng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng nếu việc xây dựng danh tiếng cần tốn rất nhiều thời gian thì phá hủy chúng thì chỉ trong 1 nốt nhạc. Nếu không sớm được khắc phục thực tế trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của những thương hiệu Made in Japan.

Trâm Anh



KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục