Fed tăng dự trữ thanh khoản để đối phó khủng hoảng tài chính

(Kinhdoanhnet) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) yêu cầu các ngân hàng lớn tăng cường dự trữ thanh khoản để có thể đủ sức chống đỡ một cuộc khủng hoảng tài chính. Đây được xem là bước "chạy đà" cho việc áp dụng chuẩn Basel III.

Ngày 3/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông qua các quy định bảo đảm an toàn mới cho hệ thống ngân hàng nước này. Cụ thể Fed yêu cầu các ngân hàng lớn tăng cường dự trữ thanh khoản để có thể chống đỡ một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như năm 2008.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 

Fed yêu cầu các ngân hàng lớn nhất tại Mỹ phải đảm bảo một tỷ lệ thanh khoản tối thiểu đối với các khoản cho vay ngắn hạn, bằng cách thiết lập một quỹ dự trữ tài sản dễ dàng bán ra (có tính thanh khoản cao) nhằm giúp cho các ngân hàng tiếp tục hoạt động trong vòng 30 ngày ngay cả trong tình huống khủng hoảng tài chính và đóng băng trên thị trường liên ngân hàng.

Fed cảnh báo các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang thiếu hụt 100 tỷ USD thanh khoản. Theo đó, các tài sản để được công nhận như một khoản dự trữ có tính thanh khoản cao bao gồm: tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại Fed và các công cụ nợ được phát hành bởi Chính phủ Mỹ.

Quy định mới ban hành là một trong những công cụ quan trọng trong khuôn khổ các tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp ước Basel III về vốn và tính thanh khoản để tăng cường sức chịu đựng các cú sốc cho hệ thống ngân hàng đồng thời, nâng cao kỹ năng quản lý rủi ro và đẩy mạnh tính minh bạch của khối ngân hàng.

Basel III là một bộ quy tắc chuẩn quốc tế với những quy định nghiêm ngặt hơn dành cho các ngân hàng được Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel ban hành ngày 12/9/2010.

Basel III đưa ra nhiều đề xuất mới về vốn, đòn bẩy và các tiêu chuẩn về tính thanh khoản để củng cố các quy định, giám sát và quản lý rủi ro của lĩnh vực ngân hàng. Các tiêu chuẩn vốn và vùng đệm vốn mới sẽ đòi hỏi các ngân hàng phải giữ vốn nhiều hơn và chất lượng vốn cao hơn so với quy định của Basel II. Yêu cầu về vốn tối thiểu sẽ cao hơn thông qua quy định về đòn bẩy và tỷ lệ tính thanh khoản mới, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động cho cơ sở tài chính trong trường hợp xảy ra cú sốc tài chính.

Theo quy định mới, Basel III yêu cầu vốn chủ sở hữu (vốn cấp 1) của các ngân hàng phải nâng từ 4% lên 6%. Trong 6% vốn cấp 1 đó, 4,5% phải là vốn của các cổ đông phổ thông. Thời hạn để thực hiện riêng quy định này là ngày 1/1/2015.

Fed cho biết sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quy định trên một cách đầy đủ đối với tất cả các ngân hàng của Mỹ bắt đầu từ ngày 1/1/2017, tức 2 năm trước khi áp dụng chuẩn của Hiệp ước Basel III.

Thỏa thuận Basel III được xem là viên gạch nền móng của nỗ lực từ các nhà điều hành quốc tế theo sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhằm đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ vững chắc hơn.

N.T (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục