EU đề nghị tẩy chay đồng rúp của Nga

(Kinhdoanhnet) - Sau các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, ngân hàng, phương Tây lại tiếp tục siết chặt trừng phạt nhằm gây sức ép buộc Nga “xuống nước” trong vấn đề Ukraine khi Nghị viện EU đề nghị cấm giao dịch bằng đồng rúp của Nga.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Ryszard Chernetzky tại quốc hội Ba Lan hôm 20/8: “Cần phải gạt đồng rúp Nga khỏi thị trường tài chính toàn cầu, biến ruble thành đồng tiền không có khả năng chuyển đổi”.

EU đề nghị tẩy chay đồng rúp của Nga - Ảnh 1
EU đề nghị cấm giao dịch bằng đồng rúp của Nga.

Ông Chernetzky cho rằng, việc các cường quốc trên thế giới từ chối giao dịch bằng đồng rúp phải trở thành một biện pháp "phòng ngừa xử phạt" đối với kinh tế Nga.

Ngoài kiến nghị hạn chế khả năng chuyển đổi của đồng rúp, ông Chernetzky cũng đề xuất giảm phụ thuộc của EU vào nguồn cung dầu và khí đốt Nga.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) đang tiến tới thả nổi đồng rúp vào cuối năm nay. Mặc dù trên các thị trường có những biến động mạnh do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, BoR đã nới rộng biên độ dao động của đồng rúp trong giao dịch tự do và sẽ không can thiệp để làm giảm sự biến động trong biên độ này.

Trước đó, ngân hàng cũng đã giảm lượng tiền dùng để can thiệp vào thị trường từ 1 tỷ USD xuống 350 triệu USD.

Tuy nhiên, mục tiêu thả nổi đồng rúp của BoR đang gây nhiều tranh cãi khi đồng tiền này đã giảm giá 12% so với đồng USD trong năm qua. Chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, BoR đã phải chi 22 tỷ USD để bảo vệ đồng nội tệ. Đồng rúp sau đó đã ổn định trở lại và BoR giảm dần sự can thiệp vào thị trường và không can thiệp trong tháng 7 vừa qua.

Tuy nhiên, thị trường lại mất ổn định vào cuối tháng 7 khi cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây ngày một căng thẳng. Trong khi đó, để ngăn chặn tình trạng rút vốn, hỗ trợ đồng rúp và hạn chế đà tăng giá cả, BoR đã từng bước nâng lãi suất kể từ tháng 3 năm nay và lần tăng gần đây nhất là vào cuối tháng 7, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, lên 8%.

Trừng phạt kinh tế trở thành công cụ để phương Tây gây sức ép với Nga và cũng là vũ khí để Nga trả đũa phương Tây. Hiện tại, các lệnh trừng phạt mới chỉ nhằm vào các ngành kinh tế cụ thể như nông nghiệp, năng lượng, trong khi các bên để ngỏ khả năng trừng phạt nhằm vào tiền tệ của nhau. Nga hồi tháng 4 cũng tiết lộ kế hoạch sẵn sàng loại USD khỏi dự trữ ngoại hối, chính quyền Mỹ cũng tìm cách gạt Nga khỏi hệ thống tài chính, cấm các doanh nghiệp Nga huy động vốn từ thị trường Mỹ và EU.

B.T (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục