"Đại gia" thép Nhật Bản thừa nhận làm ăn gian dối

(Kinhdoanhnet) - Hãng thép lớn thứ 3 tại Nhật Bản Kobe Steel thừa nhận đã làm giả mạo dữ liệu về chất lượng đối với hơn 20.000 tấn sản phẩm kim loại được cung cấp cho khoảng 200 khách hàng.

Tập đoàn Kobe Steel của Nhật Bản đã khiến dư luận nước này rúng động sau khi thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong máy bay, xe hơi, và thậm chí cả tên lửa vũ trụ.

Theo CNN, ngay sau khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu của Kobe Steel đã giảm 22% xuống 1.068 yen (khoảng 9,5 USD) một cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 10/10 tại Tokyo. Giá trị thị trường của tập đoàn sản xuất thép lớn thứ ba Nhật Bản “bốc hơi” gần 1 tỷ USD.

"Đại gia" thép Nhật Bản thừa nhận làm ăn gian dối - Ảnh 1
Lãnh đạo Kobe Steel cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo tuần trước. Ảnh: Reuters

Kết quả của cuộc điều tra đến nay cho thấy, trong số hàng ngàn tấn kim loại không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, có khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm và 2.200 tấn sản phẩm đồng. Các sản phẩm này đã được bán cho nhiều công ty lớn như Toyota, Nissan, Mitsubishi, Honda, Boeing… để sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ chế tạo cửa ô tô cho tới sản xuất khung cửa sổ cho máy bay.

Trong một tuyên bố Kobe Steel cho biết công ty đã bắt đầu liên lạc với khách hàng để giải thích rằng các sản phẩm kim loại được chuyển đến cho họ đã không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng kỹ thuật như đã thỏa thuận.

Vụ việc này là đòn giáng mạnh vào danh tiếng của các công ty Nhật Bản. Nó cũng khiến các khách hàng của Kobe Steel, từ Toyota Motor đến Subaru phải cấp tốc kiểm tra liệu họ có sử dụng số vật liệu bị nghi vấn hay không.

“Đây là một vụ việc nghiêm trọng”, nhà phân tích Takeshi Irisawa thuộc công ty chứng khoán Tachibana Securities Co. phát biểu. “Vào thời điểm hiện tại, ảnh hưởng còn chưa rõ ràng. Nhưng nếu sự việc này dẫn tới các vụ triệu hồi thì tổn thất sẽ rất lớn. Có khả năng công ty sẽ phải gánh chi phí triệu hồi bên cạnh chi phí thay thế”.

Alexander Robert Medd - Giám đốc Bucephalus Research Partnership nhận xét: “Nếu nhìn vào các sự việc trước đó, bạn sẽ thấy các công ty ban đầu thường nói đây chỉ là trường hợp cá biệt. Nhưng rồi nó sẽ lan ra nhiều mảng kinh doanh nữa”.

JPMorgan Securities Japan ước tính chi phí thay thế các bộ phận bằng nhôm và đồng có thể lên tới 15 tỷ yen (133 triệu USD) với Kobe Steel. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó lên công ty hơn một trăm năm tuổi này - cả về danh tiếng và pháp lý - có thể còn lớn hơn nhiều.

Vụ bê bối này là minh chứng cho những bất cập trong quản lý và kiểm soát chất lượng của các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản, qua đó làm giảm sút danh tiếng của đất nước châu Á về sản phẩm chất lượng cao.

Vụ việc diễn ra sau bê bối hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới Takata nói dối các hãng xe về độ an toàn của sản phẩm túi khí của hãng. Mới tuần trước, hãng xe Nissan phải công bố một đợt triệu hồi xe quy mô lớn sau khi bị nhà chức trách phát hiện sử dụng nhân viên kiểm soát chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình kiểm tra chất lượng xe.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục