Các ngân hàng toàn cầu lạc quan về triển vọng thỏa thuận Brexit

Hai ngân hàng JP Morgan và UBS Wealth Management đưa ra nhận định rằng khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận rõ ràng đang giảm.

Khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận giảm, nhờ đó các nguy cơ mà kinh tế “Xứ sở sương mù” phải đối mặt cũng dịu bớt, đồng thời lòng tin của giới doanh nghiệp và đầu tư được củng cố.

Ngân hàng đầu tư JP Morgan của Mỹ đã hạ dự báo về khả năng không có thỏa thuận chuyển tiếp hậu Brexit từ 25% xuống 15%, trong bối cảnh nước Anh và Brussels bước vào giai đoạn hai của tiến trình đàm phán Brexit, trong đó thỏa thuận về thương mại là một trong những nội dung của cuộc đàm phán này.

Theo nhà phân tích Malcolm Barr thuộc JP Morgan, một yếu tố nữa có lợi cho tiến trình đàm phán Brexit là khả năng Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tiếp tục tại vị, ít nhất cho đến khi nước này chính thức nói lời chia tay vào tháng 3/2019. Thêm vào đó, ít có khả năng các nghị sĩ Quốc hội theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu sẽ gây cản trở cho việc đạt được một thỏa thuận.

Xét về mặt thương mại hàng hóa, các doanh nghiệp Anh sẽ không gặp khó khăn gì trong việc chứng thực rằng hàng hóa của họ đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu của EU.

Trong khi đó, một thỏa thuận Brexit sẽ mang lại cho nước Anh sự tự chủ về pháp chế, sự linh hoạt và tự do trong việc ký các thỏa thuận thương mại bên ngoài EU. Điều quan trọng là các nước thành viên EU sẽ giữ quan điểm như thế nào về mối quan hệ với nước Anh từ nay cho tới tháng 3/2018, khi hai bên cùng đưa ra các đường hướng đàm phán.

Theo ông Barr, cho đến thời điểm này, nhìn chung các nước EU cho thấy sự thống nhất cao trong các cuộc đàm phán. Những khác biệt về lợi ích của các nước có lẽ sẽ bộc lộ rõ ràng hơn trong giai đoạn hai đàm phán Brexit.

Trong khi đó, nước Anh vẫn tin tưởng rằng các nước thành viên EU sẽ hướng tới sự linh hoạt hơn trong việc định hình mối quan hệ thương mại hậu Brexit so với các đề xuất của ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU.

Theo đánh giá của ngân hàng UBS Wealth Management của Thụy Sĩ, những tiến bộ trong tiến trình đàm phán Brexit giữa Anh và EU có thể sẽ làm giảm bớt những khó khăn cho các doanh nghiệp xét trên khía cạnh đầu tư hay tuyển nhân viên, vào thời điểm có các dấu hiệu cho thấy Anh có thể tiến tới một thỏa thuận chuyển tiếp giai đoạn hậu Brexit. Nếu hai bên đi tới thỏa thuận nói trên, hoạt động của các công ty sẽ ít có sự thay đổi hay xáo trộn.

Theo kế hoạch, trong tháng 1/2018, Hội đồng châu Âu sẽ hoàn tất các điều khoản cho một thỏa thuận chuyển tiếp để hai bên có thể bắt đầu các cuộc đàm phán về mối quan hệ trong tương lai cũng như một thỏa thuận chuyển tiếp.

Nhà kinh tế Dean Turner thuộc UBS Wealth Management tin tưởng rằng trong bối cảnh nguy cơ không đạt được thỏa thuận nào đang lùi dần, những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế đang giảm bớt và triển vọng của kinh tế Anh cũng trở nên thuận lợi hơn.

Ông Turner cho rằng sự thiếu chắc chắn về triển vọng đạt được thỏa thuận Brexit cuối cùng vẫn tồn tại, vì thế hiện vẫn còn quá sớm để nói đến chuyện phục hồi về đầu tư của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguy cơ kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại một cách đột ngột trong ngắn hạn có lẽ giảm đáng kể và nền kinh tế này có thể duy trì đà phục hồi nhanh chóng trước đây.

Bất chấp những mối quan ngại về nguy cơ lao dốc, kinh tế Anh đã “vững vàng” trước những bất ổn liên quan đến Brexit và đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2016 và ước khoảng 1,8% trong năm 2017. JP Morgan đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Anh lên 1,8% năm 2018 và lên mức 1,9% trong năm 2019.


Như Mai (P/v TTXVN tại London)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục