Bóng mây u ám bao phủ Uber

(Kinhdoanhnet) - Từ đầu năm đến nay, Uber liên tiếp vướng vào các vụ bê bối tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dường như bóng mây u ám phủ lên startup có giá trị lớn nhất thế giới này ngày càng dày đặc.

Năm 2017 được đánh giá là năm đầy sóng gió của Uber - công ty chuyên cung cấp dịch vụ taxi qua ứng dụng di động có trụ sở tại Mỹ với hàng loạt vụ bê bối ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Từ làn sóng tẩy chay trên mạng xã hội Twitter, nhân viên cũ tố bị quấy rối tình dục, vướng vào vụ kiện ăn cắp dữ liệu với mảng xe tự lái của Google cho đến việc nhà sáng lập Travis Kalanick buộc phải từ chức CEO, và gần đây nhất là nguy cơ ngừng hoạt động tại London.

Các CEO "rủ nhau" nghỉ việc

Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Âu của Uber, đồng thời phụ trách thị trường Anh là bà Jo Bertram vừa cho biết sẽ nghỉ việc. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền thành phố London đã tước giấy phép của Uber từ đầu tháng 10 này. Đây là một cú sốc lớn đối với gã khổng lồ trong ngành dịch vụ gọi xe và ảnh hưởng đến hơn 40.000 tài xế tại một trong những thành phố lớn nhất thế giới.

Bóng mây u ám bao phủ Uber - Ảnh 1
Các CEO của Uber vừa nghỉ việc: Jo Bertram, Emil Michael và Đặng Việt Dũng (từ trái sang phải)

Trước đó 1 ngày, Giám đốc điều hành Uber tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên - ông Đặng Việt Dũng cũng đã lên tiếng từ nhiệm.

Ngoài ra, Giám đốc phụ trách kinh doanh Uber ông Emil Michael cũng phải rời khỏi công ty sau một cuộc điều tra về cáo buộc quấy rối nhân viên và văn hóa doanh nghiệp tại đây.

Các CEO lần lượt ra đi, dù với bất kỳ lý do gì cũng là một tổn thất đáng kể với Uber trong giai đoạn nhìn đâu cũng thấy khủng hoảng này.

"Dính" cáo buộc hối lộ ở châu Á

Uber đang phải làm việc với hãng luật O’Melveny & Myers LLP để kiểm tra biên bản ghi lại các thanh toán ở nước ngoài và phỏng vấn các nhân viên liên quan. 

Bóng mây u ám bao phủ Uber - Ảnh 2
Uber liên tiếp vướng vào các vụ bê bối tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa

Các luật sư của O’Melveny & Myers LLP đang tập trung vào các hoạt động đáng nghi của Uber tại ít nhất 5 nước châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc. 

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, cuối năm ngoái, một nhân viên Uber ở Jakarta đã thanh toán những khoản tiền để "làm luật" với cảnh sát để Uber được phép tiếp tục hoạt động từ văn phòng nằm trong khu vực phi kinh doanh. Cáo buộc hối lộ tại Trung Quốc và Hàn Quốc của Uber cũng đang được điều tra.

Bị truy thu thuế 67 tỷ đồng ở Việt Nam

Gia nhập thị trường từ năm 2014 nhưng hiện Uber cũng đang phải đối mặt với không ít rắc rối. Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng tiền thuế sau khi tiến hành thanh tra công ty Uber B.V. Cụ thể phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, đồng thời truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng.

Khi câu chuyện truy thu thuế còn chưa hết nóng, Hiệp hội Taxi Hà Nội lại vừa gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị dừng “khẩn cấp” Uber, Grab. Theo Hiệp hội này, trong quá trình thực hiện kế hoạch thí điểm, Uber và Grab đã bộc lộ nhiều sai phạm và gây ra hệ luỵ bất ổn cho xã hội. Dẫn số liệu thu thập được, Hiệp hội Taxi Hà Nội ước tính mỗi năm Uber, Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục