Ấn Độ - cỗ máy tăng trưởng mới của châu Á

(Kinhdoanhnet) - Bloomberg dự báo Ấn Độ sẽ tiếp nối Nhật Bản và Trung Quốc làm cỗ máy tăng trưởng châu Á.

Dân số trẻ

Theo Bloomberg, Ấn Độ đang nổi lên là siêu cường kinh tế, một phần nhờ dân số trẻ, trong khi Trung Quốc và các con hổ châu Á ngày càng già.

Ấn Độ - cỗ máy tăng trưởng mới của châu Á - Ảnh 1
Ấn Độ đang nổi lên là siêu cường kinh tế.

Báo cáo vừa công bố của Deloitte cho biết, lực lượng lao động tại Ấn Độ được dự báo tăng từ 885 triệu người lên 1,08 tỷ người  trong 20 năm tới và sẽ duy trì trên mức đó trong 50 năm. Ấn Độ sẽ dẫn đầu làn sóng tăng trưởng thứ 3 tại châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên tại châu Á sẽ tăng từ 365 triệu hiện tại lên hơn 500 triệu người năm 2027.

Anis Chakravarty - nhà kinh tế học tại Deloitte Ấn Độ nhận xét: "Ấn Độ sẽ đóng góp hơn nửa sức tăng trưởng lực lượng lao động châu Á trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở nhiều nhân công hơn, mà số lao động này còn được đào tạo tốt hơn lao động hiện có tại đây. Tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ cũng sẽ cải thiện nhờ ngày càng nhiều phụ nữ đi làm, cũng như người lao động muốn làm việc lâu dài hơn. Tác động này lên các doanh nghiệp là rất lớn."

Tính cạnh tranh tăng cao

Theo bản Báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ấn Độ đã vươn từ hạng 55 của năm tài chính 2015-2016 lên hạng 39 của năm tài chính 2016-2017. 

Một trong những đặc điểm của kinh tế Ấn Độ thời kỳ này là rút bớt 86% số tiền ngân hàng phát hành ra khỏi lưu lượng tiền tệ trong nước, gây ra những cú sốc ngắn hạn trong tiêu thụ do tình trạng thiếu tiền mặt trong thanh toán. 

Ngoài ra, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp khác nhằm hạn chế tiêu cực và cải tiến sự minh bạch trong nền kinh tế, trong đó có việc phát hành thẻ Aadhar giúp dễ dàng cho việc thanh toán và hoàn thuế.

Sự gia tăng của giới trung lưu

Các nhà kinh tế dự báo trong thời gian tới, hai phần ba giới trung lưu toàn cầu sẽ đến từ vùng châu Á – Thái Bình Dương, đông gấp 2,5 lần dân số Ấn Độ hiện nay. Một lượng lớn những người trung lưu châu Á là người Ấn Độ và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sự đô thị hóa bền vững tạo ra sự chuyển hướng quan trọng trong thị trường lao động, từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ với GDP bình quân đầu người tăng từ 3.700 USD (năm 2007) lên 6.100 USD (năm 2016) dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2021.

 

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục