10 năm sau khủng hoảng tài chính, thế giới đã thay đổi thế nào?

(Kinhdoanhnet) - Tròn một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính, thế giới đã thay đổi rất nhiều: nhiều quy định nhà băng được đặt ra và cái nhìn với ngân hàng trung ương cũng thay đổi hoàn toàn.

Ngày 9/8/2007, cuộc khủng hoảng tài chính đã được châm ngòi khi ngân hàng BNP Paribas (Pháp) chặn hoạt động rút tiền của các quỹ đầu tư liên quan đến việc cho vay thế chấp dưới chuẩn trong lĩnh vực bất động sản Mỹ, khiến ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào một năm sau đó, và mở ra cuộc Đại suy thoái (Great Recession) trong giai đoạn 2007-2009.

10 năm sau khủng hoảng tài chính, thế giới đã thay đổi thế nào? - Ảnh 1
Năm 2008 ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và mở ra cuộc Đại suy thoái (Great Recession) trong giai đoạn 2007-2009. Ảnh: CNBC

Từ sự suy thoái của thị trường nhà đất Mỹ với nguyên nhân được người ta nhắc đến nhiều nhất sau này là "cho vay dưới chuẩn" (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất động sản không đủ đảm bảo trả nợ), cuộc khủng hoảng lan sang thị trường tài chính và rồi tới kinh tế toàn cầu.

Một thập kỉ sau thảm họa đó, rất nhiều thứ đã thay đổi:

Các ngân hàng trung ương phối hợp hành động

Lần đầu tiên trong lịch sử, từ năm 2008, các ngân hàng trung ương đã phối hợp bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách giảm lãi suất, tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, mua lại tài sản xấu và bơm thanh khoản vào nền kinh tế thông qua các chương trình mua lại trái phiếu.

Theo Stenfors - cựu nhân viên giao dịch tại Merrill Lynch, trước đó chưa bao giờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và các nước khác đã phối hợp cùng nhau chặt chẽ như vậy. Ông nói: "Chưa ai từng tưởng tượng rằng các ngân hàng trung ương có thể hoặc sẽ làm được những việc có quy mô lớn như vậy, và họ đã làm tiếp chuyện đó nhiều lần. Điều này hoàn toàn thay đổi nhận thức về các tổ chức này”.

Các chính phủ siết chặt quy định về ngân hàng

Rất nhiều quy định tài chính đã được ban hành kể từ sau cuộc khủng hoảng. Trong đó có đạo luật Dodd-Frank được ban hành năm 2010 tại Mỹ, buộc các ngân hàng phải nắm giữ nhiều vốn hơn để bù đắp các khoản lỗ tiềm tàng, hạn chế giao dịch đầu cơ, và bắt buộc các ngân hàng phải tách biệt hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán lẻ để giảm bớt khả năng sử dụng tiền gửi cho các giao dịch rủi ro. Hiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang muốn rút lại các quy định của Dodd-Frank.

Tại châu Âu, giới chức đã nỗ lực vực dậy ngành ngân hàng bằng cách tăng quyền lực của ECB trong việc giám sát. Các nhà băng sẽ phải trải qua bài kiểm tra áp lực định kỳ để ngăn các cuộc khủng hoảng trong tương lai và tăng tính minh bạch với các công cụ phái sinh phức tạp.

Lãi suất thấp kỷ lục

Vào tháng 8/2007, lãi suất chuẩn của Fed là 5,25%. Ngày nay, mặc dù Fed đã tăng lãi suất 4 lần kể từ ​​tháng 12/2015, nhưng mức lãi suất quỹ liên bang chỉ ở mức từ 1% đến 1,25%.

Tại Anh, lãi suất cũng thấp kỷ lục, với 0,25% so với 5,75% một thập kỷ trước. ECB còn ấn định con số này ở 0%, thấp hơn rất nhiều so với 4% năm 2007. Kể cả tại Trung Quốc, lãi suất cũng đi xuống, còn 4,3% từ 7,5% trước đây.

Các mức lãi suất siêu thấp này không chỉ phản ánh rằng đà hồi phục kinh tế toàn cầu là khá chậm chạp, mà còn cho thấy lạm phát đang thấp bất thường ngay cả khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Lãi suất thấp là điều tốt cho những người có khoản vay thế chấp và các khoản nợ khác, nhưng lại là vấn đề với người gửi tiết kiệm.

Triển vọng kinh tế lạc quan

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết triển vọng kinh tế của Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đang tăng lên. Cơ quan thống kê các nước eurozone - Eurostat dự báo tăng trưởng thường niên của khu vực này sẽ lên 2,1% năm nay - cao nhất một thập kỷ. Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha - một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng tài chính, cũng đã giảm lần đầu trong 8 năm.

Tại Mỹ, giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức kỷ lục, và báo cáo việc làm tháng 7 của Bộ Lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 16 nămlà 4,3%. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã lưu ý vào tháng 6 rằng triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế toàn cầu đang ở mức tích cực nhất trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, báo cáo của BIS cũng chỉ ra một số nguy cơ có thể đe dọa những triển vọng cải thiện, bao gồm lạm phát gia tăng, sức tiêu thụ và đầu tư yếu hơn, đồng thời bảo hộ thương mại gia tăng.

Trâm Anh


Tại Mỹ, giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức kỷ lục, và báo cáo việc làm tháng 7 của Bộ Lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 16 nămlà 4,3%. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã lưu ý vào tháng 6 rằng triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế toàn cầu đang ở mức tích cực nhất trong một thời gian dài.


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục