Những cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng của VNCB

(Kinhdoanhnet) – Theo cáo trạng, toà đã triệu tập 156 cá nhân, tổ chức có liên quan tới vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây Dựng, trong số đó có một số cái tên doanh nhân cũng như doanh nghiệp đáng chú ý.

Nhóm Trần Ngọc Bích và số tiền 5.490 tỷ đồng mắc kẹt tại VNCB

Liên quan trực tiếp đến vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng (VNCB), đó là nhóm bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quý Thanh – Chủ tịch HĐQT Tân Hiệp Phát). Đại diện cho nhóm bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quý Thanh) đã lên tiếng về khoản tiền gửi 5.490 tỷ đồng đang mắc kẹt tại VNCB.

Theo đó, nhóm bà Trần Ngọc Bích bao gồm 17 người gửi sổ tiết kiệm vào VNCB (trong đó có bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương, ông Trần Quý Thanh….). Thời điểm nhóm bà Trần Ngọc Bích gửi số tiết kiệm là từ năm 2012, lúc đó VNCB có tên là Ngân hàng Đại Tín. Đầu năm 2013, nhóm bà Trần Ngọc Bích đã dùng các sổ tiết kiệm dài hạn tại VNCB thế chấp để vay ngắn hạn, trong thời gian vay ngân hàng, phía nhóm bà Trần Ngọc Bích luôn thực hiện việc trả lãi và trả gốc đầy đủ đúng hạn với ngân hàng, không hề vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng vay. Bà Phương cho biết hiện tại, phía nhóm bà Trần Ngọc Bích đang đề nghị phía ngân hàng dùng tiền gửi trên tài khoản của Trần Ngọc Bích để tất toán các khoản vay tại ngân hàng, nhưng ngân hàng không thực hiện được do tiền đã bị tự ý chuyển ra khỏi tài khoản (Phạm Công Danh lập các hồ sơ rút tiền giả và tự ý rút tiền khỏi tài khoản không có chữ ký của chủ tài khoản là bà Trần Ngọc Bích).

Trong phiên toà xét xử, khi được đề cập tới khoản tiền tiết kiệm của nhóm bà Trần Ngọc Bích, Phan Thành Mai – nguyên Tổng giám đốc VNCB cho biết việc ký biên bản đối với số tiền 5.490 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích thì Mai chỉ ký để hợp thức hoá hồ sơ, còn số tiền thì đã được giải ngân từ trước. Phạm Công Danh cũng khai nhận để có thể huy động được số tiền gửi của nhóm bà Trần Ngọc Bích, Phạm Công Danh đã phải trả thêm từ 2 - 4%/tháng cho nhóm bà Bích tuỳ từng thời điểm và đã chi tới 2.500 tỷ đồng lãi ngoài. Nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu thập được từ Tập đoàn Thiên Thanh một số chứng từ trả tiền cho nhóm bà Trần Ngọc Bích với giá trị trên 730,56 tỷ đồng, không tìm thấy chứng cứ rõ ràng thể hiện việc Phạm Công Danh chi lãi ngoài cho nhóm bà Trần Ngọc Bích. Về phía mình, bà Trần Uyên Phương khẳng định, mức lãi suất gửi tiền của nhóm bà Trần Ngọc Bích tại VNCB không cao hơn mức lãi suất trên thị trường là bao. Bà Phương cũng cho biết đã phải thế chấp bằng sổ tiết kiệm dài hạn tại chính VNCB để vay tiền ngắn hạn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai Nguyễn Quốc Cường

Hai trong số những cái tên được toà triệu tập để phục vụ vụ án đó là bà Nguyễn Thị Như Loan – chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai và con trai là Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai.

Theo bà Loan thì thực tế Công ty Quốc Cường Gia Lai không liên quan gì tới các khoản vay tại VNCB trong vụ án đang được xét xử. Công ty Quốc Cường Gia Lai đã bán hết cổ phần tại Công ty Nhà Quốc Cường vào tháng 4/2013 tức là trước gần 3 tháng khi giao dịch giữa Công ty Nhà Quốc Cường với VNCB diễn ra vào tháng 6/2013.

Theo vị nữ Chủ tịch này, liên quan tới vụ án tại VNCB là Công ty Nhà Quốc Cường chứ không phải Công ty Quốc Cường Gia Lai. Cơ quan điều cho biết, hai công ty có liên quan tới bà Nguyễn Thị Như Loan là Công ty Nhà Quốc Cường và Nhà Hưng Thịnh có hồ sơ vay 300 tỷ đồng tại VNCB. Số tiền 300 tỷ này nằm trong khoản vay 5.000 tỷ đồng có tài sản thế chấp cũng được vay vốn 4.700 tỷ tại BIDV. Ngoài 2 công ty liên quan tới bà Loan còn lại 12 công ty đều là thuộc Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Tuy 300 tỷ đồng vay của Nhà Hưng Thịnh đã được tất toán và không gây ra thiệt hại nhưng bà Nguyễn Thị Như Loan và ông Nguyễn Quốc Cường vẫn được toà triệu tập với tư cách là người có liên quan để làm rõ các tình tiết liên quan tới số tiền 300 tỷ.

Bà Loan cũng trả lời về câu hỏi tài sản được thế chấp 2 lần ở 2 ngân hàng. Bà Loan cho biết, theo nghiệp vụ ngân hàng thì luật pháp không hề quy định khi khách hàng giao dịch với ngân hàng thì phải biết tài sản ngân hàng nhận thế chấp sau đó mang đi thế chấp ở đâu.

Về việc công ty Nhà Quốc Cường có liên quan tới VNCB, ngày 28/6/2013 đại diện công ty này đã ký giấy đề nghị vay 450 tỷ đồng tại VNCB chi nhánh Sài Gòn dùng để kinh doanh bất động sản. Tới ngày 29/6/2013, VNCB đã giải ngân 300 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Nhà Quốc Cường. Số tiền này sau đó được chuyển đến Tập đoàn Thiên Thanh thông qua một công ty khác, và bị Phạm Công Danh rút ra chiếm đoạt. Khoản vay sau đó đã được công ty Nhà Quốc Cường chuyển toàn bộ nghĩa vụ trả nợ sang công ty Thành Thành Công. Hiện tại, VNCB không thể thu hồi số tiền này vì công ty Thành Thành Công không trả tiền dù đã quá hạn. Theo bà Loan giải thích khi nhận giải ngân 300 tỷ đồng, Công ty Nhà Quốc Cường đã chuyển vào tài khoản Công ty Thành Thành Công để thanh toán theo hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 2 bên. Nhưng việc mua bán không thành công, Công ty Thành Thành Công đã nhận nghĩa vụ trả nợ và được VNCB chấp nhận. Công ty Thành Thành Công đã có văn bản cam kết trả nợ và VNCB cũng đã có thông báo chấm dứt nghĩa vụ trả nợ đối với Công ty Nhà Quốc Cường vì tài sản thế chấp do công ty Thành Thành Công đứng tên chủ sở hữu.

Vì vậy việc bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai là ông Nguyễn Quốc Cường được toà triệu tập lên chỉ là để làm sáng rõ số tiền 300 tỷ tại VNCB chứ Công ty Quốc Cường Gia Lai không hề liên quan gì tới vụ án thất thoát 9.000 tỷ tại ngân hàng này.

Ngoài nhóm bà Trần Ngọc Bích và bà Nguyễn Thị Như Loan toà cũng đã triệu tập tổng cộng 156 cá nhân và tổ chức để làm rõ các tình tiết trong vụ án tại VNCB gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng nhưng trong ngày xét xử diễn ra thì chỉ có 98 cá nhân, tổ chức có mặt. Liên quan tới vụ án đang xét xử tại VNCB là hàng loạt những cái tên ngân hàng TMCP như Agribank, VietABank, VPBank. HDBank, KienLongBank, EximBank, MBB, VIB, ACB, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank…

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục