Hệ thống ngân hàng (NH) đang đối diện với việc thu hồi nợ ngày càng khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng.
Tỷ lệ nợ xấu của các NH tăng nhanh, nợ xấu tại Vietinbank tăng từ 1% hồi cuối năm 2013 lên 2,5%; Eximbank từ 1,98% lên 2,95%; MB từ 2,45% lên 3,08%; Vietcombank từ 2,73% lên 3,09%; ACB từ 3,03% lên 3,65%; Techcombank từ 3,65% lên 4,12%. Nợ nhóm 5 của một số ngân hàng ở mức cao như nợ nhóm 5 của BIDV là 5.740 tỉ đồng, Vietcombank là 4.765 tỉ đồng, Vietinbank là 3.173 tỉ đồng, ACB là 2.616 tỉ đồng.
Kể từ khi chính thức mua nợ đến ngày 20/8/2014, VAMC đã mua 56.600 tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, số nợ xấu mà VAMC đã bán khoảng 1.400 tỉ đồng. Việc mua bán nợ xấu của VAMC thời gian gần đây chậm lại so với trước đó. Theo như kế hoạch năm 2014, VAMC sẽ mua lại khoảng 70.000 tỉ đồng nợ xấu nhưng từ đầu năm đến nay chỉ mới mua được 17.000 tỉ đồng; còn số nợ VAMC bán ra chưa đến 2,5% số nợ mua vào.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch HĐQT VAMC khẳng định công ty sẽ đạt được kế hoạch mua lại 70.000 tỉ đồng nợ xấu đã đề ra. Cơ sở để đưa ra nhận định này là dựa vào kế hoạch mà các tổ chức tín dụng đã gửi cho VAMC trước đây.
Giải thích về việc VAMC xử lý nợ xấu chậm, ông Hùng cho không nên bán nợ bằng mọi giá. Nhiều đơn vị đã làm việc với VAMC mua lại các khoản nợ, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. Các khoản nợ xấu thường có tài sản đảm bảo là bất động sản, máy móc thiết bị… Trong đó đa số là bất động sản nên chúng tôi cũng xem xét việc tham gia của người mua là để tái cấu trúc lại doanh nghiệp (DN) hay họ mua rồi lại bán cho đơn vị khác. Có những khoản nợ xấu nhưng DN vẫn hoạt động nên khi VAMC bán khoản nợ này cũng cần xem xét đến việc đơn vị mua có thực hiện được việc tái cấu trúc DN đó hay không. Hơn nữa, việc bán số nợ xấu của VAMC hiện không phải quá cấp bách bởi NH hiện nay đang thừa thanh khoản".
Nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng
Cần nguồn tiền thực
Các NH cũng phải chủ động trong việc xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, cũng cần xem xét giải pháp bơm vốn thực cho VAMC để định chế này có thể mua đứt nợ xấu theo giá thị trường từ các NH. Kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy, công ty mua bán nợ với đầy đủ nguồn vốn là một trong những điều kiện tiên quyết để xử lý được nợ xấu.
Thực chất việc mua bán nợ xấu giữa VAMC và các NH chỉ là giãn thời gian xử lý nợ. Dù NH đã bán khoản nợ cho VAMC nhưng NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro là 20% cho trái phiếu VAMC. Sau 5 năm, khi các NH đã trích lập dự phòng rủi ro 100% khoản nợ này, NH sẽ nhận lại nợ.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó TGĐ Ngân hàng HSBC VN, đánh giá VAMC sẽ không thể xử lý dứt điểm nợ xấu nếu không bán nợ xấu ra thị trường. Để làm được điều này, VAMC cần một cơ chế đặc thù trong việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu không nợ xấu sẽ ngày càng phình to ra. Muốn làm như vậy thì phải sửa luật Đất đai, cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản trong trường hợp mua lại nợ xấu từ VAMC. Đồng thời VAMC cũng cần được trao thêm quyền xử lý tài sản thế chấp không theo cơ chế phát mãi tài sản thông thường mà có thể bán ngay khi tìm được người mua.
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, để giải quyết nợ xấu cần dòng tiền thật, còn “tiền” bằng trái phiếu đặc biệt khó có thể xử lý nhanh chóng và dứt khoát nợ xấu. VAMC cần có nguồn lực thực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc mua lại nợ xấu nhưng do trở ngại về tính pháp lý, một số quan điểm bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là quyền sở hữu. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo được luồng tiền trên thị trường xử lý nợ, tạo thêm sự cạnh tranh và làm tăng tính thanh khoản.
Về nguồn tiền tươi để xử lý nợ xấu có thể lấy từ nguồn 100.000 tỷ đồng của công ty quản lý vốn của Nhà nước, hoặc từ nguồn dự trữ ngoại tệ mà Thủ tướng có quyền quyết định mà không phải thông qua Quốc hội.
Quốc Hưng (Tổng hợp)