Tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ trên 10%

(Kinhdoanhnet) - Đề cập tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% mà ngành ngân hàng đặt ra từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ đạt được kế hoạch đã đề ra.

Tăng trường tín dụng 6 tháng đầu năm còn thấp

Tăng trưởng tín dụng thấp vẫn “bủa vây” ngân hàng khi nửa đầu năm vốn ra nền kinh tế toàn hệ thống chỉ đạt 3,52%, bằng 1/4 chỉ tiêu đặt ra

Theo báo cáo của NHNN, mặc dù đưa một lượng lớn tiền ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng NHNN đã kịp thời rút bớt tiền về, đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đến ngày 30-6-2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,29% so với cuối năm 2013, phù hợp so với chỉ tiêu định hướng tăng 16-18% trong năm 2014.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ trên 10% - Ảnh 1

Cũng thông tin từ NHNN, đến cuối tháng 6-2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao. Tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%.

”Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh”, cơ quan này lý giải.

NHNN cho rằng,nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.

NHNN tin tưởng tín dụng cả năm sẽ cán đích

NHNN cũng nhận định, tín dụng cho nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thấp so với cùng kỳ năm ngoái và thấp so với chỉ tiêu định hướng cả năm 2014. Để lưu thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...

Tuy tín dụng tăng thấp nhưng NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm nay. ”Tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đáp ứng vốn cho nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Trong nửa cuối 2014, người đứng đầu NHNN cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Theo quy luật tăng trưởng tín dụng cuối năm thường tăng gấp đôi so với đầu năm. Bên cạnh đó, nút thắt nợ xấu cũng sẽ là trọng tâm NHNN tìm cách “gỡ” trong cuối năm 2014.

“Vì thế, chắc chắn mức tăng trưởng trên 10% hoàn toàn đạt được trong năm 2014” – Thống đốc Bình tự tin.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ trên 10% - Ảnh 2

Sự tự tin của Thống đốc là có cơ sở bởi cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng tăng 4,5% nhưng đến cuối năm đã tăng vọt lên 12,51%.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã được thực hiện linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt so với thông báo của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và khả năng quản trị rủi ro; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Hiện nay sản xuất hầu như không tăng trưởng song tín dụng lại có dấu hiệu tăng khá mạnh nửa cuối tháng sáu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là do dòng tiền các ngân hàng đang đổ vào trái phiếu, tín phiếu. Điều này gây ra nhiều rủi ro.

Chính NHNN cũng cảnh báo, việc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ một mặt giúp các tổ chức tín dụng tăng dự trữ thanh khoản. Tuy nhiên, khó khăn sẽ phát sinh nếu các tổ chức này không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý.

Về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, tình hình xử lý nợ xấu có vẻ như chậm lại trong thời gian qua, nhưng sự chậm lại đó là để hoàn thiện các văn bản pháp lý và tinh thần chung từ nay đến cuối năm vẫn là tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro… Hiện tại, Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã mua được trên dưới 50.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch năm nay sẽ mua khoảng 70.000 – 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Thống đốc, việc mua nợ xấu là vấn đề quan trọng nhưng việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ đã mua lại là một vấn đề hết sức hệ trọng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, từ trước tới nay mới tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Trong 6 tháng cuối năm này sẽ tái cấu trúc cả những ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục