Sở hữu chéo ngân hàng tại Việt Nam như một "ma trận chằng chịt"

(Kinhdoanhnet) – Theo nhiều chuyên gia kinh tế vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả.

Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng theo lộ trình của Chính phủ đề ra, hệ thống ngân hàng thương mại đã đạt được một số thành công nhất định tuy nhiên chiều ngược lại cũng bộc lộ khá nhiều điểm hạn chế và yếu kém trong đó 2 vấn đề nổi cộm nhất phải nói tới đó là vấn nạn sở hữu chéo và nợ xấu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 7 tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,17%, tăng so với mức 3,61% cuối năm 2013. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8 tỷ lệ nợ xấu này đã có xu hướng giảm xuống còn  3,9% trên tổng dư nợ.

Trong 9 tháng năm 2014 VAMC đã mua được tổng số trên 50 nghìn tỷ đồng (tổng số nợ xấu đã mua lũy kế đến nay khoảng 90 nghìn tỷ đồng). Con số này có thể thấp hơn số nợ xấu phát sinh từ tháng 10-2013 đến nay. Trong đó VAMC đã xử lý trên 53,6% tổng số nợ xấu thông qua thu nợ, bán phát mại tài sản đảm bảo, bán nợ, cơ cấu lại nợ và sử dụng dự phòng rủi ro.

Mới đây VAMC đã tiến hành điều chỉnh lãi suất đối với các khoản nợ xấu đã mua. Theo đó, lãi suất áp dụng với các khoản nợ bằng VND là 10,3%/năm, giảm so với mức 10,7%/năm trước đó. Lãi suất các khoản nợ xấu bằng USD cũng được điều chỉnh từ mức 4,8%/năm xuống 4,7%/năm trong khi lãi suất cho các khoản nợ xấu bằng Euro giữ nguyên mức 5,7%/năm. Đây đã là lần thứ 3 tổ chức này tiến hành điều chỉnh lãi suất đối với các khoản nợ xấu.

Còn đối với vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng theo nhiều chuyên gia kinh tế hiện vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả.

Hiện mạng lưới sở hữu chéo ở Việt Nam vẫn đang hết sức phức tạp, đã tạo thành ma trận chằng chịt đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu, nhưng để có thể thực hiện được hiệu quả là điều quá xa vời.

Sở hữu chéo ngân hàng hiện vẫn đang chằng chịt như ma trận.
Sở hữu chéo ngân hàng hiện vẫn đang chằng chịt như ma trận.

Thêm vào đó việc Chính phủ đưa ra Nghị định yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng lại càng khiến cho vấn đề sở hữu chéo trở lên rối loạn hơn khi các ngân hàng thi nhau liên kết nắm giữ cổ phần của nhau cho “đủ vốn”.

Theo đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính Phủ đến năm 2015 sẽ phải cơ bản hoàn thành xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, có lẽ mục tiêu này sẽ khó có thể thực hiện được.

Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tiếp tục nhấn mạnh đến việc thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, nếu cần thiết sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém.

Tuy nhiên thực tế hiện nay muốn cho phá sản ngân hàng tại Việt Nam vẫn khó có thể xảy ra. Bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang sử dụng biện pháp chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém bằng cho sáp nhập, hợp nhất, biện pháp cuối cùng là chính Ngân hàng Nhà nước vào cuộc mua lại cổ phần để trực tiếp chấn chỉnh (với công cụ là các ngân hàng thương mại nhà nước).

Trao đổi về vấn đề này T.S Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết muốn quá trình tái cơ cấu ngân hàng được nhanh hơn và thành công theo đúng nghĩa thì Chính phủ cần phải mạnh dạn cho các ngân hàng yếu kém phá sản, giải thể xóa bỏ hoàn toàn các ngân hàng yếu kém này. Bởi hiện nay chính các ngân hàng yếu kém này lại đang là nút thắt và lấy đi nguồn lực của các ngân hàng khác.

Chưa kịp giải quyết vấn đề nợ xấu, các ngân hàng giờ đây tiếp tục đối mặt với vấn đề mới là sẽ áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe hơn khiến áp lực đối với các NHTM càng lớn hơn.

Thực tế, mức độ vận dụng Basel I của nhà băng tại Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ do thiếu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu. Hiện tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại lớn dù đã đạt mức 8%, nhưng đó chỉ là con số được tính toán trên cơ sở các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Còn đối với Basel II nếu không triển khai nghiêm túc từ đầu, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ cách đích chuẩn Basel II “trong mơ”.

Hoàng Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục