Tính đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm . Bên cạnh những con số về doanh thu, lợi nhuận thì tình hình chung, các ngân hàng này đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng lên chóng mặt.
Là một trong những ngân hàng lớn nhất nước, nhưng tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank cũng khá cao chiếm 3,09% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 4.765 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Tại ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank) tại thời điểm cuối năm 2013, Vietinbank là ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống, chỉ 0,82%. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất tính đến 30/6/2014, tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 2,53%.
Theo Báo cáo tài chính của ngân hàng BIDV, tổng tài sản của ngân hàng tính đến 30/6/2014 đạt trên 583.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm; dư nợ tín dụng tăng 4,9%, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng chiếm đến 2,2%.
Trong số nợ xấu của các ngân hàng có sự đóng góp không nhỏ của các khoản nợ đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Viglacera, Tổng công ty Vicem, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội…
Phần lớn nợ xấu ngân hàng đến từ bất động sản.
Tính đến hết tháng 6 tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản của cả nước chỉ còn trên 83.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản dao động trong khoảng 4%.
Thời gian gần đây các ngân hàng đang bắt đầu mạnh tay hơn trong việc “siết nợ” bất động sản.
Có thể kể đến như Vietinbank vừa đồng ý nhận chuyển nhượng dự án quyền sử dụng đất và toàn bộ quyền sở hữu tài sản trên đất tại khu đất có tổng diện tích hơn 2.800 m2 của Tòa nhà Trung tâm thương mại và khách sạn Quỳnh Lưu Plaza từ Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) với giá trị chuyển nhượng không thấp hơn giá trị công nợ của PVL tại Vietinbank. Như vậy có thể hiểu đây là khoản "gán nợ" của PVL đối với Vietinbank.
Không chỉ có PVL bị ngân hàng siết nợ, mới đây Công ty Địa ốc Hoàng Quân TP. Hồ Chí Minh (HQC) phải chấp thuận phương án giải chấp cho ngân hàng trước khi bán căn hộ cho khách hàng sử dụng vay vốn tín dụng gói 30.000 tỷ đồng.
Theo con số thống kê, tại thị trường bất động sản Việt Nam mặc dù quy mô chưa phải là lớn so với các nước khác trong khu vực, nhưng đã có tới hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh BĐS là vốn vay ngân hàng, 65% tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản. Hiện tại tổng dư nợ bất động sản của Việt Nam vào khoảng 262.100 tỷ đồng (tương đương khoảng 12,5 tỷ USD), chiếm 8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Chỉ tính riêng 16 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng quản lý như: HUD, Viglacera, Hancorp, Licogi, Idico, Viwaseen... thì hơn 90% nguồn vốn đầu tư (trong tổng số 96.253 tỷ đồng) đều là vốn vay ngân hàng.
Thanh Tuyền (TH)