“Ông lớn” BIDV sắp tiến hành tái cấu trúc?

(Kinhdoanhnet) - Mới đây Ngân hàng Nhà nước cho biết đang trong quá trình phê duyệt đề án tái cấu trúc của “ông lớn” BIDV và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đề án tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam được thông qua hồi tháng 3/2012  bao gồm nhiều nội dung và nhiều giai đoạn, trong đó tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chỉ là giai đoạn đầu, còn tái cơ cấu đầy đủ là bao gồm cả ngân hàng thương mại Nhà nước, Quỹ tín dụng... Và mục tiêu là tái cơ cấu nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

 “Ông lớn” BIDV sắp tiến hành tái cấu trúc? - Ảnh 1

Tính đến thời điểm hiện tại tất cả các ngân hàng thương mại đều đã xây dựng đề án tái cấu trúc riêng cho mình và trình Ngân hàng Nhà nước để thẩm định. Với ngân hàng quốc doanh, trong thời gian qua đã cổ phần hóa 4 ngân hàng, trừ Agribank. Mặc dù trong giai đoạn kinh tế khó khăn, việc cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh diễn ra đạt kết quả ngoài sự mong đợi, phát hành cổ phiếu đều được giá cao.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước cho biết đang trong quá trình phê duyệt đề án tái cấu trúc của “ông lớn” BIDV và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.

Việc ngân hàng BIDV sẽ “cơ cấu lại” đã và đang gây ra sự chú ý của giới tài chính với kỳ vọng hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ “khỏe” hơn và “thanh lọc” hơn.

Được biết ngân hàng BIDV đã tự chủ động lên phương án tái cơ cấu cho chính mình. Để chuẩn bị cho quá trình cơ cấu lại toàn bộ hệ thống BIDV ngân hàng này đã thực hiện IPO từ tháng 12/2011 và ngày 24/1/2014 đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Nhà băng này cũng tính toán các bước đi để đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện cơ cấu lại, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã rà soát để cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng.

Cơ cấu tài sản theo hướng lành mạnh hơn, giảm bớt đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, nâng cao chất lượng tài sản.

Riêng với Agribank, đây được coi là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trước đây, để lại hậu quả nặng nề vì vậy NHNN đã quyết định xây dựng đề án tái cấu trúc theo hướng gồm 1 đề án lớn và 8 đề án nhỏ. Đến nay các đề án này cũng đã được Chính phủ phê duyệt.

Đối với bộ máy quản trị Agribank, đến nay cũng đã thay đổi toàn bộ hội đồng thành viên ngân hàng, cải tổ ban điều hành và ban kiểm soát để tạo ra năng lực điều hành mới.

Agribank luôn là một chỗ dựa lớn của nông dân trong phát triển nông nghiệp. Do vậy, việc khẩn trương tái cấu trúc Agribank có ý nghĩa quan trọng.

Công cuộc tái cơ cấu Agribank cũng đã có những chuyển biến tích cực khi tăng trưởng tín dụng ước tính cả năm 2014 của ngân hàng này có thể đạt 7-8%, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với tỷ lệ khoảng 70% và sẽ tăng lên 80% trong vòng 2 năm tới.

Thống đốc ngân hàng còn cho biết thêm trong tuần này Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trong chương trình tái cấu trúc giai đoạn 2 sắp tới, ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ đóng vai trò chủ đạo, là nòng cốt dẫn dắt quá trình tái cơ cấu.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục