Với con số nợ xấu Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10 là 5,43% và con số gần 8% Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra trong phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 29/9), thì chỉ 1 tháng, ngành ngân hàng đã xử lý được 2,66% nợ xấu. Một mức giảm ngoạn mục!
Chiều thứ 7, ngày 1/11 tới, dự kiến Quốc hội sẽ có phiên thảo luận tại hội trường về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Trong đó, nợ xấu sẽ là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm bởi cho đến nay, ngành ngân hàng vẫn chưa thể thống nhất được con số có tính thuyết phục thị trường.
Loạn con số nợ xấu
Còn theo số liệu được cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014, từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10/2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460.000 tỷ đồng xuống còn 252.000 tỷ đồng (giảm 54,3%).
Còn nhớ, hồi tháng 7/2012, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã công bố một con số nợ xấu khác là 8,6%, tương đương 202.000 tỷ đồng, tính đến 31/3/2012.
Ngoài số nợ xấu được các tổ chức tín dụng báo cáo, đến cuối tháng 8/2014, có 316,2 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN.
Về con số này, tại phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc cũng thừa nhận, trong tổng số nợ cơ cấu lại hơn 300.000 tỷ đồng, có khoảng 157.000 tỷ đồng nếu không cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu. Và số 157.000 tỷ đồng này vẫn đang có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.
Dù vậy, con số nợ xấu đã được xử lý đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội nghi vấn bởi con số dường như chưa thống nhất. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu trừ đi số nợ bán cho VAMC, các ngân hàng đã tự xử lý được hơn 160.000 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu bằng trích lập dự phòng rủi ro và bán tài sản đảm bảo.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với việc xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng và VAMC, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu.
Sự chênh lệch về con số nợ xấu này nói lên điều gì? Theo nhiều đại biểu Quốc hội có thể việc xử lý nợ xấu không khả quan như vậy. Cụ thể, theo phân tích của đại biểu Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, năm cao nhất, VietinBank chỉ thu được 900 tỷ đồng từ bán trực tiếp tài sản đảm bảo, cộng thêm mỗi năm trích lập dự phòng rủi ro khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu.
“Với các ngân hàng nhỏ thì con số chỉ là vài trăm tỷ đồng, thậm chí chỉ vài chục tỷ đồng. Do vậy, thời gian qua, hệ thống ngân hàng chỉ thu được khoảng 5.000 tỷ đồng từ bán tài sản đảm bảo, cộng cả số tiền trích lập dự phòng rủi ro thì cũng không thể nào đạt con số 160.000 tỷ đồng”, ông Hùng phân tích.
Cần đối diện với nợ xấu
Tình trạng “vênh” về con số nợ xấu đã tồn tại từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu con số nợ xấu vào cuối năm 2012. Mặc dù Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có giải thích về việc chưa thống nhất con số nợ xấu nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dường như ngành ngân hàng đang lạc quan với việc xử lý nợ xấu và chưa diện với con số nợ xấu thật.
“Trong báo cáo của Đề án tái cơ cấu ngân hàng cho biết đã xử lý được 53,6% tổng số nợ xấu được xác định thì cũng cần phải nêu tổng số nợ xấu thực là bao nhiêu?”, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huỳnh nêu quan điểm.
Đại biểu Huỳnh còn cho rằng cũng theo báo cáo, giá trị tài sản đảm bảo nợ vay bình quân cao gấp 2 lần giá trị nợ vay. “Giá trị tài sản này bây giờ đang được sử dụng như thế nào để tạo ra giá trị, nếu không thì rất lãng phí?”, ông Huỳnh đặt vấn đề. Theo suy luận của ông Huỳnh, tính bình quân thì giá trị gấp 2 lần, chứ tính cụ thể thì có nhiều trường hợp tài sản đảm bảo nợ vay gần như không có. Ví như, thời gian vừa qua nổi lên chuyện 1 kho “mùn cưa” cà phê mà có tới 7 ngân hàng tranh chấp. Đây là nợ xấu của nợ xấu.
Không chỉ vậy, ông Huỳnh còn nhấn mạnh việc xử lý nợ xấu không phải cứ bán cho VAMC là xong mà bản chất của xử lý nợ xấu không phải vậy. “Theo tôi, làm thế nào để tài sản hình thành từ vốn vay, bây giờ là nợ xấu, phải phát huy được hiệu quả để đem lại lợi ích xã hội”, ông Huỳnh bình luận.
Cũng tỏ ra không lạc quan với nợ xấu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), cho rằng đây là vấn đề đang được bàn rất nhiều, nợ xấu được xử lý khả quan. Nhưng theo bà Bé, hoạt động này vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
“Nợ xấu vẫn đang tăng trở lại, nợ xấu năm 2013 3,6%, cuối tháng 5 là 4,07%, tháng 6 là 4,18%, tháng 7/2014 là 4,11%.... Đồng thời thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn làm trầm trọng hơn nợ xấu. Đây là dấu hiệu bất ổn trong điều kiện kinh tế mới phục hồi”, bà Bé bình luận.
Theo bà Bé, với các giải pháp hiện tại, và điều kiện hoạt động của VAMC như hiện nay liệu có thể giải quyết được dứt điểm vấn đề nợ xấu không? “Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần có giải pháp tốt hơn để giải quyết nợ xấu tăng trở lại của hệ thống ngân hàng thương mại, đánh giá lại hiệu quả của VAMC.... trên cơ sở đó có chính sách cơ chế tạo điều kiện cho VAMC thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra" bà Bé nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre), cũng cho rằng Chính phủ nên quan tâm đến 2 nút thắt để xử lý nợ xấu. Đó là thiếu hỗ trợ từ ngân sách và thiếu cơ sở pháp lý cần thiết về mua bán nợ xấu. Chính vì thiếu hành lang pháp lý mà VAMC đã mua được 95.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng mới bán được 4.000 tỷ đồng…
Rõ ràng, nợ xấu vẫn đang là “cục máu đông” của nền kinh tế và chưa thể lạc quan như những con số mà ngành ngân hàng đưa ra nhưng đang còn gây nhiều nghi vấn hiện nay.
Theo BizLIVE