Điển hình như tại Ngân hàng Đông Á, quý III/2014, ngân hàng này báo lỗ trước thuế hơn 66 tỷ đồng, do thu nhập lãi thuần giảm tới 64%, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 34% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, DongABank đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 57% so với cùng kỳ.
Theo ban lãnh đạo của ngân hàng này cho biết, có khá nhiều lý do khiến cho lợi nhuận của Đông Á sụt giảm. Đó là, cho vay khó khăn trong khi tiền gửi của dân vẫn phải huy động để đảm bảo nhịp độ hoạt động. Thứ hai, trước đây nhiều ngân hàng muốn giữ những con số đẹp trong báo cáo tài chính nên không trích đủ dự phòng rủi ro. Nay áp dụng quy định mới, chặt chẽ hơn, các ngân hàng phải trích đúng, đủ trích dự phòng rủi ro các khoản cho vay cả mới lẫn cũ. Thêm vào đó do lãi suất cho vay giảm cũng khiến cho lợi nhuận bị sụt giảm nhiều.
Sau DongABank lại tiếp tục đến Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III. Theo báo cáo ngoại trừ thu nhập lãi thuần quý III của LPB đạt 437 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ 2013), thì hầu như các hoạt động còn lại của ngân hàng đều thua lỗ, như dịch vụ lỗ 78 tỷ đồng, chứng khoán lỗ 36,9 tỷ đồng, hoạt động khác lỗ 48 tỷ đồng... Trong khi chi phí hoạt động của ngân hàng này tăng 35% so với cùng kỳ. Kết quả LienVietPostBank báo lỗ thuần hơn 72 tỷ đồng.
Hay như tại ngân hàng ACB, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.735 tỷ đồng, tuy nhiên ngân hàng này lại phải trích dự phòng rủi ro tín dụng tới 664 tỷ đồng nên lợi nhuận giảm chỉ còn 837,5 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3.478 tỷ đồng, chiếm 3,07% tổng dư nợ.
Ngân hàng: Nợ xấu tăng cao trong khi lợi nhuận giảm sút.
Theo thống kê sơ bộ, trong 9 tháng năm 2014, mặc dù lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam chỉ đạt 24.197 tỷ đồng nhưng con số nợ xấu của 8/10 ngân hàng này đã lên tới 35.051 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 là 20.766 tỷ đồng.
Mặc dù mới có hai ngân hàng báo lỗ, song hệ thống ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong quý III này.
Trong số 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III, thì chỉ một số ít ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm còn đa phần đều tăng so với thời điểm cuối năm 2013 nhất là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Cụ thể tại NamABank, nợ xấu đến hết tháng 9 là 305 tỷ đồng, tăng 79%, trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn 251 tỷ đồng, tăng tới 149% và đây cũng là ngân hàng có mức tăng nợ xấu cao nhất. Tại VIB, nợ xấu tuy giảm 19% song nợ nhóm 5 lại tăng tới 96%. Hay như tại Ngân hàng Quân đội nợ xấu và nợ nhóm 5 tăng lần lượt 32% và 36% …
Ngoài ra, các ngân hàng này cũng đang có khoản nợ quá hạn ở mức cao lên tới 77.800 tỷ đồng, khoản nợ quá hạn này có nguy cơ trở thành nợ xấu bất cứ lúc nào. Đáng chú ý, phần lớn những ngân hàng nói trên thuộc nhóm có thương hiệu, tính minh bạch cao, quản trị và kinh doanh hiệu quả.
Ngọc Anh (TH)