Đối với một quốc gia sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng luôn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã trở nên phổ biến và cấp thiết ở mỗi quốc gia nhằm đảm bảo cho các ngân hàng thích nghi được với nhu cầu phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động.
Ở Việt Nam nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng đã và đang bộc lộ nhiều như thanh khoản khó khăn, nợ xấu tăng cao, chất lượng quản trị điều hành hạn chế, lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động tín dụng, rủi ro cao ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Thêm nữa mạng lưới các ngân hàng thương mại phát triển nhanh, số lượng nhiều, chất lượng hoạt động giảm sút, không ít ngân hàng hoạt động vì lợi ích cục bộ, chạy đua lãi suất gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống ngân hàng.
Muốn đẩy nhanh tái cấu trúc cần công khai minh bạch thông tin ngân hàng.
Vì thế theo đánh giá của các chuyên gia, việc tái cơ cấu ngân hàng là động thái tích cực, làm lành mạnh lại hệ thống ngân hàng và nền tài chính Việt Nam.
Thời gian qua việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã và đang có những chuyển biến khá tích cực, nhất là việc sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém.
Cụ thể tính đến thời điểm hiện tại 9 ngân hàng rơi vào tình trạng yếu kém đã chủ động tự nguyện sáp nhập nhằm nâng cao sức mạnh, sức cạnh tranh. Hầu hết các ngân hàng này đều “lột xác” sau khi tiến hành tái cơ cấu.
Có thể kể đến như ngân hàng SCB được hợp nhất bởi 3 ngân hàng là SCB, Đệ Nhất và ngân hàng Đại Tín. Sau hợp nhất ngân hàng này đã có lợi nhuận.
Hay như ngân hàng TPBank sau khi có sự tham gia của cổ đông Doji, ngân hàng này đã xử lý được 1.500 tỷ đồng nợ xấu và trở thành ngân hàng đầu tiên báo lãi khủng sau 6 tháng đầu năm trong khi các quý trước liên tiếp bị thua lỗ…
Tuy nhiên thời gian qua hầu hết các ngân hàng đều sử dụng phương thức tự nguyện sáp nhập còn chủ trương cho các ngân hàng yếu kém phá sản hoặc nhà nước mua lại ngân hàng yếu kém thì chưa có bất kỳ động tĩnh nào.
Đối với cục máu đông nợ xấu, muốn đánh tan được cục máu này thì tái cấu trúc ngân hàng chỉ là một yếu tố. Còn muốn giải quyết triệt để tận gốc thì cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm: “Việc tái cấu trúc ngân hàng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng nó không đóng vai trò quyết định. Vì sắp xếp ngân hàng, sắp xếp doanh nghiệp và đầu tư công gắn rất chặt với nhau. Nếu đầu tư công làm tốt, đặc biệt là sắp xếp doanh nghiệp tốt thì nợ xấu sẽ giảm đi”.
Theo các chuyên gia kinh tế để có thể giải quyết được nợ xấu thì cần phải tạo cơ chế đặc thù cho VAMC, cho phép đơn vị này có những quyền hạn đặc biệt trong xử lý vướng mắc về tài sản bảo đảm; sang tên đổi chủ tài sản bất động sản và không nên chờ sửa luật vì muốn sửa luật thì phải trải qua quá trình rất dài, nhiêu khê.
Thêm nữa Chính phủ cần ban hành sớm quyết định thoái vốn từ các tập đoàn, tổng công ty để Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền đại diện vốn tại đây.
Còn đối với việc tái cơ cấu ngành ngân hàng thì cách tốt nhất là cần phải đưa ra một lộ trình, một quy định rõ ràng cụ thể để các ngân hàng đáp ứng.
Đặc biệt cần phải công khai minh bạch thông tin của các ngân hàng vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người gửi tiền trong giai đoạn hiện nay. Ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn cũng như nhau. Không phải ngân hàng lớn thì công khai còn ngân hàng nhỏ thì không phải công khai và ngược lại.
Thêm vào đó Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra các chính sách chủ trương, chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc ngân hàng.
Hoàng Anh (TH)