Lãi suất ngân hàng đang giảm theo CPI

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, lãi suất huy động được điều chỉnh hạ những ngày qua là tất yếu bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng vừa qua rất thấp. Thực chất, lãi suất đang giảm theo CPI. Về mặt gián tiếp, lãi suất giảm theo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

"Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng người dân vẫn không cảm thấy thiệt vì lạm phát thấp, đồng tiền Việt Nam đang được giá. Và so với thế giới, lãi suất huy động của Việt Nam vẫn cao. Lạm phát của Việt Nam cao gấp đôi so với thế giới (5%) nên lãi suất cũng cap gấp đôi. Tuy vậy, mức lãi suất này theo tôi vẫn kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng", ông Kiêm nói.

Lãi suất ngân hàng đang giảm theo CPI - Ảnh 1
Việc giảm lãi suất vừa qua chỉ góp phần nào đó làm đòn bẩy để kích cầu, giảm tồn kho….

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, T.S Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam cho biết, về cơ bản điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN thời điểm này là kịp thời và phù hợp. Vì tín hiệu lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng liên tiếp âm hai tháng đầu năm 2014 nên hạ lãi suất huy động sẽ tạo cơ hội cho việc hạ lãi suất cho vay, giúp "đẩy tín dụng ra…".

"Theo tôi, hạ lãi suất lúc này có tác dụng cả hai mặt. Một mặt góp phần tăng khả năng đẩy tín dụng ra đối với ngân hàng, một mặt giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy sản xuất trong nước", ông Lực nói.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng (giấu tên) chia sẻ, việc hàng loạt các ngân hàng giảm lãi suất huy động là do thanh khoản của các ngân hàng tốt, dư vốn, nhu cầu huy động vốn không có….Đây cũng là động thái tự nhiên của kinh tế thị trường.

"Thêm một nguyên nhân khiến lãi suất giảm là do nền kinh tế còn trì trệ. Nhiều thông tin tỏ ra lạc quan về tình hình kinh tế nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Với nhiều nước trên thế giới, mức tăng trưởng 5% là tốt nhưng với nền kinh tế non trẻ như Việt Nam thì chưa tốt. Với Việt Nam, mức tăng trưởng 6% là hợp lý, khả quan thì phải 7%. Còn ở mức 5% thì vẫn có những vấn đề nảy sinh. Chính vì mức tăng trưởng thấp như thế nên nhu cầu huy động vốn chưa thật cấp thiết, dù "tiếp máu" cho hệ thống ngân hàng luôn cần thiết", chuyên gia tài chính này phân tích.

Tăng trưởng tín dụng gấp 2 - 2,5 GDP là chuẩn

So với những năm trước đây, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra từ 10-12% được xem là khá thấp. Nhiều quan điểm bày tỏ lo lắng khi hiện tại mức tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt chưa được một nửa so với dự kiến. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không nên quá tập trung vào con số, chất lượng tín dụng mới là quan trọng. Về phía khách hàng, đây là thời điểm doanh nghiệp thấy không thể vay để đầu tư dàn trải nữa mà phải chọn lọc, tính toán kỹ càng.

Việc phải đẩy tín dụng ra bằng nhiều cách và với mọi đối tượng chính là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu ở nhiều ngân hàng tăng cao. Giờ là lúc ngân hàng phải lựa chọn khách hàng tốt, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Làm như vậy thì có thể tổng tín dụng sẽ thấp đi, nhưng bù lại, chất lượng tín dụng sẽ được nâng lên.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng (giấu tên) nhận định, trước đây tín dụng tăng 30-40% trong khi GDP chỉ đạt 3-5%. Tăng trưởng tín dụng gấp gần 10 lần GDP như vậy là không tốt, rất nguy hiểm và sẽ xảy ra hiện tượng bong bóng do lượng tiền đầu tư vào các lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, vàng...quá nhiều. Còn thời điểm hiện tại, GDP khoảng 5% thì tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm cố gắng đạt được 10% là hợp lý.

"Các thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ đều đang được điều chỉnh ổn định. Với mức tăng trưởng GDP khoảng 5% như hiện nay thì tăng trưởng tín dụng đạt khoảng gấp đôi là hợp lý. Chỉ cần tăng trưởng tín dụng tăng 15% thôi là đã thấy không ổn rồi. Khi đó đồng vốn bơm vào thị trường sẽ quá nhiều, xảy ra hiện tượng bong bóng và có thể xì hơi bất kể lúc nào, nhất là trong bối cảnh ngành tài chính ngân hàng còn nhiều bất cập, vấn đề sử dụng vốn chưa khả quan, vấn đề sở hữu chéo, "sân trước sân sau" vẫn còn khiến hệ thống này chưa thực sự lành mạnh", vị chuyên gia này phân tích.

Về việc này, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, vốn cho vay đang không "ra" được hoặc "ra" lòng vòng khiến không thể thúc đẩy thị trường. Tuy nhiên, vấn đề không "nằm" ở con số mà làm thế nào để đạt được chất lượng.

"Tín dụng không kích thích GDP nên chúng ta phải giảm lãi suất để từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vay vốn lãi suất thấp hơn, từ đó giảm giá thành sản phẩm, giảm tồn kho…Tất nhiên, chúng ta phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, giảm lãi suất mới chỉ là một yếu tố góp phần. Trước đây, giảm lãi suất thường tác động rất lớn đến thị trường nhưng thời điểm này, do thị trường yếu nên chỉ tác động không đáng kể", ông Kiêm nhận định.

Theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng hơn 4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và những năm trước do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân quá ít, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng thời gian qua cũng đã phấn nào xoáy vào nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp nông thôn, sản xuất… Và việc giảm lãi suất có thể kích thích nhu cầu tín dụng tăng trưởng hơn nữa vào cuối năm.

"Dù vậy, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì tăng trưởng tín dụng gấp khoảng 2,5 lần GDP là phù hợp. Nếu chênh lệch quá mức sẽ gây lạm phát và tiềm ẩn nợ xấu", ông Lực nói.

Ông Lực cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm nếu xem xét giảm lãi suất thêm 0,5% nữa thì sẽ càng hợp lý.

Theo Tổ quốc

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục