Lãi suất ngân hàng có thực sự giảm

(Kinhdoanhnet) - heo tính toán của CTCK Tp.HCM (HSC), từ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng cho thấy đa số là tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động (tỷ lệ NIM) tăng nhẹ khoảng 0,02 - 0,07%.

Tín dụng tăng chậm, nợ xấu tăng nhanh nhưng lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm vẫn khá ấn tượng.

Trước thực tế này, nhiều câu hỏi về chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động của các ngân hàng hiện là bao nhiêu? Có phải lãi suất cho vay đang thật sự giảm hay không?

Theo tính toán của CTCK Tp.HCM (HSC), từ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng cho thấy đa số là tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động (tỷ lệ NIM) tăng nhẹ khoảng 0,02 - 0,07%. Cụ thể, tỷ lệ NIM của BIDV ở mức 2,9%, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm 2013; Vietcombank là 2,46%, giảm 0,18%; Eximbank là 2,24%, tăng 0,05% so với năm 2013; ACB là 3,17%, tăng 0,07% so với năm 2013; Vietinbank là 3,24%, giảm 0,46%;...

Mặc dù các ngân hàng đua nhau tung ra các gói tín dụng ưu đãi, nhưng chỉ là ưu đãi thời gian đầu, còn sau đó là lãi suất thả nổi. Bởi theo lập luận của một chuyên gia ngân hàng, tỷ lệ NIM hiện nay của các ngân hàng phải ở mức 3% thì ngân hàng mới có lãi. 

Lãi suất ngân hàng có thực sự giảm - Ảnh 1
Tỉ lệ NIM các ngân hàng vẫn tăng

Lãi suất khó giảm thêm?

Hiện nay, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tính đến tháng 7/2014, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6% so với tháng 12/2013; trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25% so với tháng 12/2013.

Với thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên điều tiết để giảm lãi suất thêm nữa nhằm hỗ trợ DN tiết giảm chi phí. Tuy nhiên giảm lãi suất cho vay bằng cách nào cũng đang là bài toán khó với NHNN.

Hiện trần lãi suất huy động là 5,5%, liệu có thể giảm tiếp được không? Nếu giảm thì các ngân hàng có thể huy động vốn từ thị trường 1 hay không? Tức là rất khó để giảm thêm lãi suất huy động. Vậy làm thế nào để giảm lãi suất cho vay?

Theo NHNN, mặt bằng lãi suất đã giảm 0,5 - 1,5% kể từ đầu năm. Thực tế, đã có những DN được vay với lãi suất 5 - 6%/năm.

Nhiều ngân hàng cũng khẳng định với xu hướng cạnh tranh tín dụng hiện nay thì việc giảm lãi suất là bình thường, những DN tốt có thể được vay với lãi suất 5%/năm, kể cả với kỳ trung và dài hạn.

Tuy nhiên, chỉ những DN tốt mới được vay với lãi suất thấp, còn lại những DN khác cũng khó để vay khi mà các điều kiện vay vốn của ngân hàng khá khắt khe, chứ chưa nói đến lãi suất cao hay thấp.

Thừa nhận thực trạng trên, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng, số khách hàng đủ tốt, an toàn để nhà băng sẵn sàng cho vay không nhiều nên lãi suất có giảm cũng không tạo ra những thay đổi lớn đến nền kinh tế. Ông cho biết, đã từ lâu lãi suất không phải mối lo lắng của doanh nghiệp, mà những chuẩn mực như tài sản đảm bảo, phương án trả nợ tốt, dòng tiền ổn định... mới khiến các ông chủ đau đầu.

Thực tế này khá tương đồng với nhận định của giới chuyên gia ngay từ khi thông tin lãi suất huy động giảm được phát đi. Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) thẳng thắn cho rằng các nhà băng có rất ít động lực để cắt giảm thêm lãi suất cho vay. "Lãi suất cho vay, do chỉ tập trung ở một số đối tượng khách hàng đặc thù và tiềm năng nên động thái giảm lãi suất này không tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng cũng như chuyển biến tức thì trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế", VCBS phân tích.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng bí đầu ra chủ yếu vẫn là do nợ xấu và sức khỏe cùng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém chứ không nằm ở lãi suất. "Nếu việc giải quyết nợ xấu không có những chuyển biến rõ rệt thì việc giảm lãi suất cho vay, nếu có, chủ yếu rơi vào các khoản vay cũ", một chuyên gia nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM cho rằng, vấn đề khó hiện nay là gỡ khó đầu ra cho doanh nghiệp chứ riêng việc hạ lãi suất cũng khó giải quyết được bài toán tắc tín dụng.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục