Từ đầu năm đến nay cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành bất động sản cũng đang bắt đầu ấm dần trở lại. Đồng thời với sự ấm lên của thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản cũng tăng lên rõ rệt.
Theo số liệu mới nhất mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố, tính đến hết tháng 9, giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 587,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013. Còn đối với tín dụng bất động sản, tính đến giữa tháng 9 con số này đã tăng lên 12% trong khi đó đến hết tháng 7 con số này mới chỉ đạt 9,82%.
Đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, tốc độ giải ngân đã bắt đầu tăng lên. Cụ thể tính đến ngày 20/9/2014 tổng số khách hàng được tiếp cận vay vốn là 7.823 doanh nghiệp và cá nhân. Tổng số vốn cam kết cho vay đạt 5.900 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng. Số vốn cam kết cho hộ gia đình và cá nhân vay là 3.100 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng.
Như vậy so với hồi đầu năm 2013, tốc độ cho vay gói 30.000 tỷ đã tăng trưởng 3,5 lần, một tốc độ tăng trưởng rất lớn.
Gói tín dụng 30.000 tỷ: Tốc độ giải ngân tăng khá mạnh mẽ.
Đặc biệt, mới đây Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP cho phép kéo dài thời hạn vay và mở rộng đối tượng được vay được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng này.
Giữa tháng 9, dư luận lại đón nhận được thông tin NHNN đang xây dựng một gói tín dụng mới với điều kiện cho vay dễ dàng hơn so với gói 30.000 tỷ đồng hiện tại. Thông tin này đã tác động tích cực tới thị trường bất động sản khiến các nhóm cổ phiếu ngành này thu hút được khá nhiều dòng tiền trên thị trường.
Tuy nhiên, trong phiên chất vấn vừa qua, người đứng đầu ngành ngân hàng đã bác bỏ thông tin trên.
Trả lời câu hỏi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất cho xây dựng gói tín dụng mới, đối tượng được vay là lực lượng vũ trang, viên chức, công chức,... ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN khẳng định: NHNN không có chủ trương cho vay riêng đối với các đối tượng trên: "Với tư cách là Thống đốc NHHH, tôi xin khẳng định, tôi chưa hề có chủ trương về việc này. Có thể đó là ý tưởng của ai đó và trả lời như vậy", Thống đốc Bình nói.
Thực tế các chuyên gia cũng không quá kỳ vọng vào các biện pháp của NHNN để hỗ trợ về dòng tiền cho thị trường bất động sản.
Gần đây thị trường Bất động sản đang đón nhận được khá nhiều tín hiệu tích cực như việc sửa đổi Luật nhà ở và Luật kinh doanh mở rộng cho người nước ngoài mua nhà, giảm thủ tục hành chính trong cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, phát triển quỹ đất cho nhà ở xã hội, thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai..
Ngoài ra việc xúc tiến xây dựng hạ tầng kết nối như các tuyến Metro (Hà Nội và TP.HCM), đường vành đai, đường cao tốc… cũng đang góp phần tạo giá trị gia tăng cho các bất động sản tại cửa ngỏ các thành phố lớn theo nguyên tắc “hạ tầng đi đến đâu thì BĐS phát triển đến đó”.
Theo các chuyên gia trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần phải có các biện pháp tháo gỡ về chính sách và hoàn thiện về pháp lý để kích thích cả cung và cầu đối với bất động sản.
Hoàng Anh (TH)