Chặng đường dài của tái cơ cấu ngân hàng

Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực tái cơ cấu giai đoạn 2 để sáp nhập thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém làm lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng này. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Liên quan đến hậu sáp nhập ngân hàng, nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan ngại về số phận của ngân hàng, liệu rằng có thật sự được lợi, hay sẽ đi đâu về đâu?.

Chặng đường dài của tái cơ cấu ngân hàng - Ảnh 1

Tiếp tục sát nhập các ngân hàng

Trong giai đoạn đầu tiên chúng ta đã tái cơ cấu, vực dậy được 9 ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn. Nhưng rõ ràng, quãng thời gian hai năm đủ để cho thấy chúng ta vẫn đang rất chậm chạp trong việc triển khai tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Thẳng thắn mà nói, đúng là có 9 ngân hàng yếu đã được xử lý, nhưng hiệu quả vẫn chưa nhiều.

Ở giai đoạn 2 xu hướng sáp nhập đã trở nên rõ rệt. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, rất nhiều ngân hàng đã công khai đối tác muốn trở thành “người thân” của mình, đặc biệt là ngân hàng nhỏ muốn sáp nhập vào ngân hàng lớn.

Tuy nhiên, các khoản nợ xấu “khủng” vẫn nằm “chôn” cùng sự xuống đáy của thị trường bất động sản. Giải pháp đưa ra nhằm phá băng thị trường này dù đã được tích cực triển khai nhưng hầu như chưa đem lại tín hiệu tích cực nào. Thị trường chủ yếu vẫn chỉ có nhà đầu cơ tích trữ “chơi” với nhau, giao dịch thực gần như bất động.

Chặng đường dài của tái cơ cấu ngân hàng - Ảnh 2

28/8/2012 là ngày quyết định có hiệu lực sáp nhập Habubank vào SHB

“Góp gạo thổi cơm chung”

Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020.

Trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông của NTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), có nêu đề xuất sáp nhập với Vietinbank. Theo kế hoạch, PGBank sẽ trở thành đơn vị thành viên trực thuộc ngân hàng này, sẽ được giữ nguyên bộ máy hoạt động cũng như thương hiệu PGBank. Theo phương án tái cơ cấu, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex sẽ giảm sở hữu tại PGBank xuống 20% trong năm 2015.

Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) mới đây cũng cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch tận dụng các cơ hội để thâu tóm, sáp nhập một ngân hàng có điều kiện phù hợp với tình hình của MBB. Ngân hàng sẽ chào bán 390.6 triệu cp cho cổ đông, đối tác chiến lược. Về chiến lược hoạt động trong năm 2014 trình ĐHCĐ thường niên năm 2014, MBB sẽ ổn định cơ cấu cổ đông, tìm kiếm và lựa chọn các đối tác chiến lược trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội để thâu tóm, sáp nhập một ngân hàng có điều kiện phù hợp với tình hình của MBB.

Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết đang tiếp tục tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng sau khi đã triển khai đối với 9 đơn vị trong đợt 1. Trong đó sẽ xử lý từ 6-7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng bị sáp nhập từ trước đến nay lên 7-10 ngân hàng.

Có thể thấy việc hợp nhất, sáp nhập để giảm bớt những NH yếu kém, làm cho những NH này trở thành những TCTD mạnh, lành mạnh được hệ thống NH là điều cần thiết. Và trong bối cảnh hiện tại thì giải pháp đó là tối ưu nhất để giảm thiểu số lượng NH nhỏ, yếu kém, ngành NH cũng có thể nhanh chóng giải quyết được khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu... Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn thấy rõ rằng việc sắp xếp lại những NH yếu kém chỉ mới là một yếu tố trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, không đủ giải quyết vấn đề cơ cấu của ngành NH.

Chặng đường dài của tái cơ cấu ngân hàng - Ảnh 3

Sát nhập Southern vào Sacombank.

Việc cần phải làm

Kế hoạch sẽ rút giấy phép hoạt động của 6 - 7 ngân hàng trong năm 2014 của NHNN nhận được sự ủng hộ của chuyên gia, thị trường và chính những ông chủ kinh doanh ngân hàng. CEO của một ngân hàng đang phải bán mình để tồn tại, thừa nhận sự cạnh tranh khốc liệt trong hoạt động ngân hàng vì quá nhiều ngân hàng, trong khi sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng lại không có nhiều sự khác biệt.

Đồng quan điểm trên, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng số lượng ngân hàng quá nhiều chính là không chỉ nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt, mà còn khiến các ngân hàng tốn nhiều chi phí đầu tư, mà nhiều khi không cần thiết. Cụ thể như máy ATM, POS. Không khó để bắt gặp những điểm mà đến gần chục cái cây ATM của nhiều ngân hàng nằm cạnh nhau, ví như ở sân bay, trung tâm thương mại, khu vui chơi, khu công nghiệp…

Xử lí tốt nợ xấu

Một trong những mục đích của việc sáp nhập ngân hàng là góp phần tích cực để xử lý nợ xấu. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD hiện nay đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6 - 3,9%. Nhưng theo NHNN, tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. "Con số này có giảm do chúng ta dùng các công cụ tài chính để xử lý (trong đó có việc sáp nhập ngân hàng) nhưng cũng có phần do tồn kho trong nền kinh tế đã cải thiện, đặc biệt là bất động sản", Thống đốc nói và khẳng định, mục tiêu mua thêm từ 70- 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay của VAMC là hoàn toàn khả thi.

Để xử lý nhanh nợ xấu, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện một số văn bản quy định để có thể bán được các khoản nợ xấu cho các nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư ngoại. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến khoản nợ xấu này và họ tiếp xúc với NHNN tìm hiểu mua lại nợ xấu nhưng còn một số vấn đề thủ tục pháp lý, đặc biệt là vấn đề đất đai. Theo thạc sỹ Nguyễn Minh Phương, để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu trong hệ thống các TCTD, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng TCTD. Theo đó, NHNN phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng TCTD, bảo đảm các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phải hợp lệ với quy định của pháp luật; kết hợp giám sát việc trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD

Chặng đường dài của tái cơ cấu ngân hàng - Ảnh 4

 3 ngân hàng SCB, Việt Nam Tín Nghĩa, Đệ Nhất hợp nhất

Nhân sự cắt giảm “mạnh tay” để tái cơ cấu

Báo cáo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong quý I/2014, chỉ có 7,4% các tổ chức tín dụng được hỏi cho biết đã cắt giảm lao động. Tưởng rằng với tỷ lệ ít ỏi này thì tình hình việc làm của ngành ngân hàng đã trở nên ổn định hơn sau hơn một năm đầy sóng gió.

Ngân hàng Đông Á đã cắt giảm nhân sự khá mạnh tay trong quý đầu năm nay. Trong 3 tháng, có 168 nhân viên của ngân hàng này bị cắt giảm việc làm, với nhân sự của ngân hàng hợp nhất còn 5.133 người.

Đông Á cũng giảm cả thu nhập của nhân viên. Theo báo cáo, trung bình năm 2013 nhân viên ngân hàng này có thu nhập 9,88 triệu đồng/người/tháng thì quý đầu năm nay chỉ đạt 7,45 triệu đồng/người – giảm 22,3%.

Hoạt động tái cơ cấu nhân sự trong những tháng qua diễn ra không chỉ ở hướng cắt giảm nhân sự, giảm lương, mà có nơi lại tăng lương giảm nhân sự, có chỗ tuyển thêm người và giảm thu nhập, có nơi vừa tăng người vừa tăng lương.

Eximbank cho biết, ngân hàng giảm lương và phụ cấp của nhân viên. Theo báo cáo, trong quý 1 ngân hàng dành 204,229 tỷ đồng để chi cho nhân viên, giảm 94,579 tỷ đồng so với quý 4 năm ngoái. Trong đó riêng chi lương và phụ cấp giảm 87,184 tỷ đồng, xuống 171,457 tỷ đồng.

Điển hình như ngân hàng SHB trong quý 1 cắt giảm 100 việc làm, đưa tổng số cán bộ nhân viên xuống 4.902 người, song mức thu nhập bình quân lại tăng gần 24%, từ 12,3 triệu đồng/người/tháng lên 15,2 triệu đồng. Hay như Vietinbank tuyển dụng thêm 410 người trong 3 tháng và cắt giảm thu nhập bình quân từ 19,7 triệu đồng xuống 19 triệu đồng/người/tháng; Sacombank tuyển dụng 102 người, tăng nhẹ thu nhập từ 13,56 triệu đồng/người lên 13,7 triệu đồng/người/tháng…

Các chuyên gia cho rằng, để đưa ngân hàng thoát khỏi khó khăn thì việc tái cơ cấu nhân sự là tất yếu và được ưu tiên hàng đầu bởi con người chính là nền tảng, là yếu tố cốt lõi mang đến sự thành công hay thất bại của mỗi đơn vị.

Diệu Hoa (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục