Mối lương duyên giữa “đại gia” vàng DOJI và Ngân hàng TPBank

(Kinhdoanhnet) – Từng bị NHNN xét vào diện 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu năm 2011. Nhưng với sự xuất hiện của DOJI và ông chủ Đỗ Minh Phú, TPBank đã hoàn toàn “lột xác” sau tái cơ cấu.

Năm 2011, NHNN đã công bố danh sách 9 ngân hàng yếu kém thuộc diện bắt buộc phải tái cơ cấu. Trong đó, có cái tên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), một ngân hàng còn khá non trẻ ở thời điểm đó. TPBank được thành lập từ năm 2008, hoạt động được 3 năm thì bị NHNN xét vào diện những ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu với mức lỗ tương đương 1/2 vốn điều lệ, nợ xấu lên trên 6% ở năm 2011.

Vào thời điểm tái cơ cấu đầu năm 2012, với việc dám nói lên thực trạng tình hình hiện tại của mình, TPBank đã thu hút được sự chú ý từ phía Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI. Thời điểm đó, TPBank được ví như một chú cá may mắn gặp dòng nước lớn khi được ông chủ của DOJI – ông Đỗ Minh Phú và các bên liên quan mua lại 20% cổ phần. Với việc mua lại 20% cổ phần này, ông Đỗ Minh Phú và DOJI đã giúp TPBank giải quyết khó khăn về vấn đề tài chính lúc đó. DOJI đã tiến hành tăng vốn cho ngân hàng, cam kết bơm thêm vốn để cải thiện khả năng thanh toán và xử lý các khoản nợ xấu cũng như những khó khăn trước mắt. Qua đó, ông Đỗ Minh Phú và DOJI đã trở thành nhóm cổ đông chiến lược của TPBank. Ông Đỗ Minh Phú sau đó đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT TPBank và em trai ông Đỗ Anh Tú giữ vị trí Phó Chủ tịch. Theo số liệu chính thức, DOJI đang sở hữu 8% cổ phần của TPBank và ông Đỗ Anh Tú nắm giữ 5%, nhưng tỷ lệ sở hữu thực tế còn cao hơn nhiều.

Với sự xuất hiện của nhóm cổ đông DOJI, ngay trong năm 2012, tuy vẫn đang phải tái cơ cấu nhưng lợi nhuận của TPBank đã đạt 116 tỷ đồng. Từ một ngân hàng bị đánh giá yếu kém, bị hạn chế tăng trưởng tín dụng, sau khi tái cơ cấu, TPBank đã được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lên tới 27% trong năm 2012.

Thời kỳ hậu tái cấu trúc, ông Đỗ Minh Phú cùng các lãnh đạo TPBank đã đề ra chiến lược tứ trụ, và xem là cốt lõi trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, xác định 4 mũi nhọn kinh doanh của TPBank là đầu tư công nghệ cao và công nghệ thông tin; vàng; công nghiệp phụ trợ; ngân hàng điện tử và ngân hàng ưu tiên.

DOJI đã mang về cho TPBank một lợi thế cạnh tranh vô cùng lý tưởng trong mảng kinh doanh vàng. Nhờ DOJI, TPBank trở thành ngân hàng thứ 6 được NHNN cho phép tham gia thị trường vàng bình ổn giá, dù trước đó ngân hàng này chưa từng tham gia lĩnh vực tương tự. Cũng nhờ có DOJI mà TPBank đã có một sân chơi đầy tiềm năng là dự án Khu Công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G (trong đó DOJI là cổ đông) làm chủ đầu tư. Với dự án này, TPBank dự kiến sẽ tham gia tiếp nhận khoảng 21.000 tỉ đồng tiền vốn từ phía các đối tác Nhật Bản.

 

Mối lương duyên giữa “đại gia” vàng DOJI và Ngân hàng TPBank - Ảnh 1

Ông Đỗ Minh Phú và DOJI được xem như là vị cứu tinh của TPBank thời tái cơ cấu. Ảnh:Internet.

Nhờ được DOJI hậu thuẫn, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, vốn điều lệ của TPBank đã được tăng thêm 2.550 tỷ đồng từ 3.000 tỷ lên 5.550 tỷ đồng, nguồn vốn từ các cổ đông mới đã giúp ngân hàng vượt qua khó khăn. Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của TPBank đã đạt trên 76.200 tỷ, tăng hơn 5 lần so với thời điểm tái cơ cấu năm 2012 (hơn 15.100 tỷ), trở thành ngân hàng quy mô tầm trung. Lợi nhuận của TPBank tăng trưởng mạnh, năm 2012 lợi nhuận TPBank mới chỉ ước đạt 116 tỷ đồng; đến năm 2013 đã đạt hơn 466 tỷ đồng; năm 2014 tăng lên mức 536 tỷ đồng, và đến năm 2015 đã vượt kế hoạch đạt mức 626 tỷ đồng, nợ xấu ở mức thấp nhất hệ thống 0,66%. Năm 2015, TPBank chính thức bù đắp hết các khoản lỗ luỹ kế từ trước và bắt đầu có lợi nhuận dương 229 tỷ đồng. Sau 3 năm tự tái cơ cấu, TPBank đã tạo ra hơn 1.700 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2015, tổng số khách hàng của TPBank đã đạt 1,2 triệu lượt.

Mới đây, Công ty tài chính quốc tế IFC (International Finance Corporation) cũng phải dành sự quan tâm cho TPBank với tuyên bố sẽ mua gần 5% cổ phần TPBank tương đương hơn 400 tỷ đồng (18,3 triệu USD).

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục