Vụ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam "xẻ thịt" đất cho thuê: Giám đốc dịch vụ có "né" báo chí?

(Kinhdoanhnet) - Liên quan đến thông tin Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam xẻ thịt đất cho thuê nhiều năm nay, PV Báo Kinh doanh và Pháp luật đã liên hệ làm việc với ông Kiều Văn Định - Giám đốc Trung tâm dịch vụ. Tuy nhiên, ông Định cho biết chỉ làm việc với người có thẻ nhà báo, Giấy giới thiệu không có hiệu lực.

Vừa qua, Báo Kinh doanh và Pháp luật đăng tải bài viết: "Cần làm rõ việc "xẻ thịt" đất cho thuê tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam?" thông tin về việc nhiều nhiều người dân phản ánh về tình trạng cho thuê đất phục vụ kinh doanh tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Vụ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam "xẻ thịt" đất cho thuê: Giám đốc dịch vụ có "né" báo chí? - Ảnh 1
Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Cụ thể, người dân cho biết hàng nghìn m2 đất thuộc quyền quản lý của Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật việt Nam xuất hiện nhiều quán bia, cafe, nhà hàng, quán photocoppy, yoga, coi xe ô tô từ nhiều năm nay.

Quan sát vào sâu bên trong bảo tàng, PV ghi nhận xuất hiện một trung tâm tiệc cưới hoạt động rầm rộ ngay tại hội trường Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật việt Nam. Bên cạnh đó, cả một khoảng sân rộng lớn được tận dụng để trông giữ xe cho khách tới dự tiệc cưới.

Tìm hiểu được biết, ngày 10/10/1997 Chính phủ có Quyết định số 848/TTg về việc giao đất để xây dựng Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Theo đó Chính phủ thu hồi 12.730 m2 đất tại số 47 Lê Đại Hành (nay là số 2 Hoa Lư) phường Lê Đại Hành và giao toàn bộ diện tích đất trên cho Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam sử dụng xây dựng công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Vụ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam "xẻ thịt" đất cho thuê: Giám đốc dịch vụ có "né" báo chí? - Ảnh 2
Quán nhậu nằm trên diện tích đất do Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam quản lý.

Ngày 3/3/2014, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có Quyết định số 477/QĐ-BVHTDL quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Theo đó Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam có chức năng chính là tổ chức triển lãm, hội trợ, giao lưu giới thiệu văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế. Cũng tại Điều 2 của Quyết định số 477/QĐ-BVHTDL đã thể hiện rõ nhiệm vụ và quyền hạn với 10 điểm, trong đó nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động dịch vụ triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật, hội trợ - triển lãm, quảng cáo, thể thao, du lịch.

Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện tại nhiều diện tích đất thuộc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam lại đang được sử dụng không đúng mục đích?

Vụ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam "xẻ thịt" đất cho thuê: Giám đốc dịch vụ có "né" báo chí? - Ảnh 3
Bên trong Trung tâm Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam xuất hiện 1 trung tâm tiệc cưới.

Trước tình trạng trên, PV Báo Kinh doanh và Pháp luật đã liên hệ với ông Kiều Văn Định - Giám đốc Trung tâm dịch vụ triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam để xác minh thông tin. Sau nhiều lần hẹn nhưng bị cho "leo cây", PV rất khó khăn mới gặp được ông Định. Tuy nhiên, tại buổi trao đổi ông Định từ chối trao đổi thông tin với lý do: Đây là một cơ quan cấp Bộ, chúng tôi chỉ trao đổi thông tin với người có thẻ nhà báo.

Mặc dù được PV giải thích nhiều lần rằng theo luật báo chí, PV khi đi tác nghiệp chỉ cần giấy giới thiệu của cơ quan và giấy tờ tùy thân chứng minh là người trong giấy giới thiệu nhưng ông Định vẫn kiên quyết từ chối với lý do Giấy giới thiệu không có đủ hiệu lực.

"Chúng tôi là cơ quan cấp bộ nên rất thận trọng trong việc cung cấp thông tin. Vì thế chỉ khi nào các anh có giấy giới thiệu và thẻ nhà báo đến đây chúng tôi sẵn sàng tiếp và cung cấp thông tin. Nếu cung cấp thông tin cho nhầm đối tượng thì sẽ không hay" - Ông Định cho biết.

Như vậy, ông Định là người chưa hiểu Luật Báo chí. Bởi, theo Khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định Nhà báo có các quyền: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định cụ thể, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động. Vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quy định tại khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí, nghiêm cấm cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Dự luận vẫn đang băn khoăn rằng việc "xẻ thịt" đất cho thuê tại Vụ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam có được phép hay không? Ông Giám đốc thật sự không hiểu luật hay cố tình không hiểu với mục đích né tránh báo chí? Báo Kinh doanh và Pháp luật tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo có các quyền: 

Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. 

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định cụ thể, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động. Vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quy định tại khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí, nghiêm cấm cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Điều 9 Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân;

b) Không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định;

c) Thực hiện không đúng các quy định về đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tác phẩm báo chí.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí hoặc không đúng nội dung thông tin do người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp;

b) Không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời phỏng vấn của người trả lời phỏng vấn trước khi đăng, phát nội dung trả lời phỏng vấn trên báo chí;

c) Làm sai nội dung văn bản kết luận về các vụ, việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đăng, phát trên báo chí;

d) Sử dụng ý kiến phát biểu không nhằm mục đích trả lời phỏng vấn tại các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, các cuộc trao đổi, nói chuyện để chuyển thành bài phỏng vấn khi chưa được sự đồng ý của người phát biểu;

đ) Cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi và cải chính nội dung đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc xin lỗi và đăng, phát đầy đủ nội dung văn bản kết luận đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.

              


Đức Thiện

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục