UBND TP Việt Trì "coi trời bằng vung": Bài 10- Gần chục tỷ đồng phí bồi thường "đội nón" đi về đâu?

(Kinhdoanhnet) - Kỳ trước Báo Kinh doanh & Pháp luật đã đưa ra công luận vụ việc UBND Thành phố Việt Trì đã sai phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện dự án “ Di chuyển, cải tạo đường dây 110KV Thác Bà Việt Trì từ cột số 371 đến cột 391 phục vụ bồi thường, GPMB xây dựng Quảng trường Hùng Vương và Trung tâm dịch vụ tổng hợp thành phố Việt Trì “ với tổng dự toán của dự án được duyệt là hơn 27 tỷ đồng.

Nghiêm trọng ở chỗ là với hơn 27 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước chi cho dự án, số tiền hoàn toàn không nhỏ một chút nào, thế mà chính quyền thành phố Việt Trì đã thực hiện một cách tùy tiện, vô nguyên tắc cho nên dự án di chuyển và xây dựng mới 20 cột điện cao thế 110 KV trên tuyến đường cao thế Việt Trì – Thác Bà vừa mới xây dựng xong đã phải phá đi. Việc di chuyển số cột điện trên là để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng xây dựng Quảng trường Hùng Vương và Trung tâm dịch vụ tổng hợp thành phố Việt Trì. 

NHỮNG SAI PHẠM ĐỘNG TRỜI Ở TP. VIỆT TRÌ, PHÚ THỌ

Bất cứ người dân nào có lương tâm với đất nước, với xã hội cũng phải phẫn uất với việc làm vô trách nhiệm của chính quyền Thành phố mà đứng đầu là ông Nguyễn Quốc Liên, Chủ tịch UBND thành phố khi ký duyệt dự án và hiện nay đã là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy thành phố Việt Trì.

Theo dự toán được duyệt, ngoài các chi phí như xây dựng cơ bản, tư vấn thiết kế, dự phòng,...thì chi phí bồi thường đã lên đến hơn 9,3 tỷ đồng. Thế mà cho đến ngày hôm nay, khi loạt cột điện cao thế đã bị tháo dỡ gần hết, chúng tôi vẫn nhận được thông tin là UB thành phố chưa đền bù cho một số hộ bị lấy đất để xây dựng cột điện. Vì không đền bù cho dân cho nên không thể tiếp tục xây dựng đường dây. Với hàng cột điện cao thế 110KV cao vút được làm bằng thép mạ kẽm với công nghệ hiện đại ngày nay, không ai dám nghĩ rằng nó lại bị phá dỡ ngay sau khi xây dựng, chưa kịp lắp xà, sứ, chưa kịp kéo một sợi dây như trong luận chứng kinh tế đã được duyệt. Vậy thì kinh phí bồi thường đi đâu, nó có thực sự được đến tay người dân hay không, nếu câu trả lời là không thì ai là người chịu trách nhiệm trong việc này? Phải chăng việc “giải phóng đất nhưng không chịu bồi thường” đã trở thành “bản năng” đáng lên án của lãnh đạo Thành phố ? 

Cột điện xây dựng mấy năm nay chuẩn bị dỡ bỏ nhưng nhà ông Chúc vẫn chưa được nhận tiền đền bù
Cột điện xây dựng mấy năm nay chuẩn bị dỡ bỏ nhưng nhà ông Chúc vẫn chưa được nhận tiền đền bù

Lẽ ra phải đền bù giải phóng mặt bằng xong thì mới xây dựng, đằng này chính quyền Thành phố đã thực hiện một quy trình ngược là vội vàng xây dựng, xong mới tiến hành đàm phán giải phóng mặt bằng. Theo một số chuyên gia phân tích về tham nhũng thì việc thực hiện quy trình ngược luôn luôn song hành cùng tham nhũng. Những người trúng đấu thầu hoặc được chỉ định thầu để thực hiện dự án thường phải thực hiện nghĩa vụ A,B,C,D với chủ đầu tư. Còn việc đền bù giải phóng mặt bằng thì vô cùng căng thẳng cho nên tiêu cực sẽ ít hơn vì hai bên (giải quyết bồi thường và nhận bồi thường) khó bắt tay với nhau, cho nên những “anh Liều” thì cứ cho đấu thầu và tiến hành công tác chuẩn bị xây dựng trước khi đền bù. Trong lĩnh vực này thì UB thành phố Việt Trì có lẽ đã đứng đầu bảng trong việc thực hiện quy trình ngược. 

Thực tế cho thấy đã quá nhiều lần, với nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được UB thành phố thực hiện. Có vụ trót lọt, có vụ không trót lọt. Thời gian gần đây, do trình độ dân trí tăng lên cho nên quy trình ngược của lãnh đạo Thành phố đã gặp phải nhiều trắc trở. Trong vụ này, đàm phán thất bại, đường điện bị dỡ bỏ, ai sẽ là người chịu thiệt hại, ai sẽ người chịu trách nhiệm trước pháp luật về vụ việc này. Hành vi này không thể chỉ xem xét để rút kinh nghiệm, mà cần phải xem xét, điều tra, xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.

Quay lại với chuyện đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này, trong khi thử tiếp xúc với một vài hộ liên quan đến đường dây điện cao thế nói trên, chúng tôi chỉ nghe được những lời phàn nàn, phẫn nộ của dân chúng. Đơn cử như hộ của ông Đinh Văn Chúc ở tổ 8 phố Hồng Hà, phường Tiên Cát. Ông Chúc có giấy CNQSD đất số E0183266 với diện tích được sử dụng là 512m2 tại thửa đất số 66, tờ bản đồ số 59.

Trong báo caó số 76/CV-UB ngày 07/5/2014 của UBND phường Tiên cát gửi UBND thành phố Việt Trì thì diện tích lấy để thi công xây dựng đường dây cao thế là 100m2 nhưng vẫn chưa đền bù cho gia đình. Cột đã xây dựng xong, chuẩn bị phá bỏ nhưng chủ hộ thì chưa nhận được một đồng đền bù nào. Chúng tôi xin trích nguyên văn một đoạn trong báo cáo số 76/CV-UB ngày 07/5/2014 của Chủ tịch UBND phường Tiên Cát:

“Căn cứ vào hồ sơ địa chính, cắm cọc chỉ giới giải phóng mặt bằng và rà soát hiện trạng sử dụng đất tại thực địa, UBND phường Tiên cát trình UBND thành phố thu hồi 100,0 m2 đất lúa trên tổng diện tích 512,0 m2 đất lúa tại thửa 66, tờ bản đồ số 59 đã được cấp GCNQSD đất số E 0183266. Vậy UBND phường Tiên Cát báo cáo UBND thành phố Việt Trì xem xét giải quyết”.

Ông Chúc không còn nhớ đã có bao nhiêu lần đi khiếu kiện, nhưng theo ông, chỉ là “con kiến đi kiện củ khoai”. Ông Chúc đã cho chúng tôi xem 4 trong số các thông báo của UBND thành phố Việt Trì từ đầu năm 2014 đến nay về việc tiếp công dân của lãnh đạo HĐND và UBND thành phố. Các thông báo đó lần lượt đề ngày 14/01/2014, 12/02/2014, 11/7/2014 và 27/8/2014. Để mọi người có thể hiểu rõ hơn “ tinh thần trách nhiệm” của UBND thành phố Việt Trì, chúng tôi xin đăng nguyên văn những kết luận và chỉ thị của lãnh đạo Thành phố với cấp dưới sau khi tiếp công dân. Sau đây là trường hợp cụ thể đối với gia đình ông Đinh Văn Chúc:

- Thông báo ngày 14/01/2014: “ Việc này Chủ tịch UBND Thành phố giao UBND phường Tiên Cát rà soát, kiểm tra, trả lời công dân và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/02/2014”.

- Thông báo ngày 12/02/2014: “ Việc này, tại Thông báo số 07/TB-UBND ngày 14/01/2014, Chủ tịch UBND Thành phố đã giao UBND phường Tiên Cát rà soát, kiểm tra, trả lời công dân và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/02/2014. Yêu cầu UBND phường Tiên Cát khẩn trương thực hiện”.

- Thông báo ngày 11/7/2014:” Việc này, Chủ tịch UBND Thành phố giao Ban bồi thường GPMB chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án xây dựng công trình hạ tầng, UBND phường Tiên Cát tham mưu, giải quyết, trả lời công dân và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/8/2014.

- Thông báo ngày 27/8/2014:” Việc này, Chủ tịch UBND Thành phố đã giao Ban bồi thường GPMB chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án xây dựng công trình hạ tầng, UBND phường Tiên Cát tham mưu, giải quyết, trả lời công dân và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/8/2014. Đến nay đã hết thời hạn, yêu cầu Ban bồi thường GPMB và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, tránh việc công dân phải đến đề nghị nhiều lần.

UBND TP Việt Trì "coi trời bằng vung": Bài 10- Gần chục tỷ đồng phí bồi thường "đội nón" đi về đâu? - Ảnh 1
Bằng ngần này cuộc tiếp dân từ tháng 1 đến tháng 8/2014, chỉ riêng gia đình nhà ông Chúc, cuối mỗi lần cũng chỉ kết luận là phải xem xét giải quyết

Xem qua 4 lần thông báo của UBND Thành phố, nếu không chắp nối các tình tiết khúc mắc vào với nhau thì thấy UBND Thành phố “rất có trách nhiệm với dân”. Nhưng thực tế thì qua 2 lần thông báo đầu, UBND phường Tiên Cát, tuy có chậm nhưng đã có báo cáo số76/CV-UB ngày 07/5/2014 do chính Chủ tịch phường Nguyễn Văn Đán ký, nhưng sau đó vẫn không ai giải quyết. Cho đến ngày 27/8/2014, khi dân đồng nát đang hối hả phá dỡ những cột điện cao thế vừa mới xây dựng xong thì chỉ thị của UBND Thành phố vẫn là phải khẩn trương xem xét giải quyết. Không biết xem xét đến bao giờ và khi nào thì giải quyết. 

Khi phóng viên viết đến dòng này thì tại phường Bến Gót, chủ hộ mua được đống “sắt vụn” tháo dỡ từ số cột điện cao thế 110KV còn sáng bóng nước mạ kẽm, đang hối hả cho di tản số “sắt vụn” nói trên. Có lẽ việc này là được giải quyết nhanh nhất. Phóng viên đã ghi lại được một số hình ảnh ấn tượng về vụ việc để có tài liệu báo cáo lên các cơ quan chức năng khi cần thiết.

Theo luật pháp của ta, một người ăn trộm hoặc cố ý làm thiệt hại tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì đã có thể khởi tố vụ án hình sự. Ở đây, dự án 27 tỷ đồng bị “hóa vàng” do cố ý làm trái thì sẽ xử lý làm sao, hay lại mang ra xử lý nội bộ vì “đồng chí ấy là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố” ?. Dư luận đang trông chờ vào sự nghiêm minh của pháp luật. Vụ việc đường điện cao thế này chỉ là một trong vô vàn vụ việc mà đồng chí ấy đã làm ngược và trái quy trình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những thông tin tiếp theo trong các bài viết tới./.

 

Nhóm PV


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục