Tiếp theo bài “Phú Quốc, Kiên Giang: Dân khổ vì bị thu hồi đất”: Chính quyền thờ ơ, dân lãnh dủ!

(Kinhdoanhnet) - Ở các số báo trước, PV báo Kinh Doanh& Pháp Luật đã phản ảnh chi tiết, tuy nhiên đến nay các nội dung chính người dân yêu cầu giải quyết, là: chủ đầu tư và đơn vị thi công “vô tư” san ủi nhà đất của họ, dù không có quyết định thu hồi đất, chưa đạt thỏa thuận với người dân về giá cả đền bù, phương án hỗ trợ, tái định cư, cũng như chưa có quyết định giải quyết cuối cùng của cơ quan chức năng,… nhưng vẫn ngang nhiên chiếm dụng đất của dân...

 Người dân cầu cứu chính quyền địa phương thì được hướng dẫn đến huyện, đến huyện thì được chỉ qua Trung tâm Quỹ đất, đến Trung tâm Quỹ đất thì được bảo phải chờ ý kiến lãnh đạo. Gặp được lãnh đạo huyện thì được bảo tỉnh đang xem xét, giải quyết. Người dân nộp đơn “xin” gặp Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang để trình bày nguyện vọng cũng bị… từ chối! Đúng là khi cán bộ, chính quyền thờ ơ trước quyền lợi của người dân thì thiệt thòi vẫn là… người dân!

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUẤN PHÚC YÊU CẦU CÁN BỘ TIẾP DÂN BIẾT TÔN TRỌNG, LẮNG NGHE DÂN

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị; Luật Tiếp công dân; Nghị định số 64/2014 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bức xúc nói: “Trách nhiệm các đồng chí giải quyết sao đẩy hết lên trên này được. Còn có việc sợ trách nhiệm, bảo thủ mặc dù thấy sai. Các đồng chí không nên lo bây giờ giải quyết thì động chạm đến các ông bí thư, chủ tịch trước đây. Đúng sai phải rõ ràng, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”. Mặt khác, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra yêu cầu: “Phải sắp xếp, bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân. Yêu cầu cán bộ tiếp dân có cá tính nhẹ nhàng, phong cách lịch sự, biết tôn trọng lắng nghe người dân”

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hết sức rõ ràng, cụ thể. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, chính quyền địa phương không xem xét, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân. Cụ thể là hàng loạt vụ việc vừa xảy ra ở huyện Phú Quốc, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang)… Bức xúc trước cách xử lý của UBND huyện Phú Quốc, người dân đã gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền từ tháng 06.2014. Đến nay bước sang tháng 10.2014, UBND tỉnh Kiên Giang vẫn chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cho người dân theo Luật định, cũng như chưa xem xét, giải quyết yêu cầu trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư.

Liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù, thu hồi đất đối với dự án Nam-Bắc Bãi Trường, do 02 đơn vị làm chủ đầu tư, đó là Công ty TNHH Bim Kiên Giang và Công ty CP Phát triển Phú Quốc (C.E.O), gồm có những hộ dân bị “thu hồi đất” tiêu biểu là: Phù Bích Chi, Hồ Thị Quyên, Trần Thị Điệp, Phan Thị Dung, Phan Thị Hoàng, Phạm Thị Thắm, Nguyễn Thị Diệp, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Thị Điệp,…Trong khi đó, theo PV được biết, hiện nay có không ít người rơi vào việc giải tỏa, thu hồi đất phục vụ dự án Nam- Bắc Bãi Trường phải rơi vào cảnh khốn đốn, vì không còn công ăn việc làm ổn định, phải chạy vạy mượn tiền khắp nơi, kể cả “bạc nóng” để lo kế sinh nhai cho gia đình, nợ nần thì ngày càng tang, mà việc đền bù, bồi thường,… của họ vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang chẳng lẽ lại không hề hay biết nỗi khổ của người dân Phú Quốc?

DÂN MÒN MỎI… CHỜ ĐỢI!

Trường hợp của chị Trần Thị Điệp (SN: 1969), được UBND tỉnh Kiên Giang tiếp nhận vụ việc và ban hành “Thông báo thụ lý giải quyết đơn khiếu nại” số 174/TB-/UBND vào ngày 08.4.2014. Thế nhưng… gần 05 tháng trôi qua, chị Trần Thị Điệp vẫn sống trong tình trạng thắc thỏm chờ đợi và bức xúc khi chứng kiến chủ đầu tư san ủi toàn bộ diện tích đất của gia đình, dù trong đó hiện đang còn 06 ngôi mộ (thẩm quyền thu hồi đất có mồ mả được quy định rất rõ tại nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ).

Chủ tịch UBND tỉnh không giải quyết, người dân ôm đơn ra đến Hà Nội
Chủ tịch UBND tỉnh không giải quyết, người dân ôm đơn ra đến Hà Nội


Hoặc như trường hợp của vợ chồng anh chị Hồ Thị Quyên, ngụ tại: Ấp Cây Thông Trong, Xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc thì vào ngày 26.3.20143 và ngày 03.6.2014, UBND huyện Phú Quốc ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Tài Nguyên Môi Trường “khẩn trương tham mưu UBND huyện giải quyết…”. Đến nay vợ chồng anh chị Hồ Thị Quyên vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết khiếu nại theo Luật định. Dù không ít lần, vợ chồng anh chị Hồ Thị Quyên đến UBND huyện Phú Quốc hỏi thăm nhưng đều không có kết quả. Phải chăng các quy định của luật pháp hiện hành đối với huyện Phú Quốc là không thể áp dụng được?... Hoặc như vợ chồng anh chị Phạm Thị Thắm (SN: 1959), ngụ ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang bức xúc trước việc đền bù, bồi thường chưa được giải quyết thỏa đáng, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tiến hành san ủi mặt bằng là toàn bộ diện tích đất trồng tràm bông vàng,…Điều đáng nói là tại nội dung quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc lại ban hành không đúng trình tự pháp lý về việc tổ chức triển khai quyết định thu hồi đất của dân.

Hoàn cảnh chị Phù Bích Chi (SN: 1971) cũng không kém phần chua xót. Không đồng ý với nội dung áp giá bồi thường không thỏa đáng, ngày 04.11.2011, chị Phù Bích Chi gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Quốc và Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Quốc, nhưng các cơ quan nói trên vẫn “im hơi lặng tiếng” trước bức xúc của chị Phù Bích Chi nói riêng, người dân địa phương nói chung. Nhiều lần chị Phù Bích Chi tìm đến UBND huyện Phú Quốc và Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Quốc để hỏi thăm việc khiếu nại của chị đã được giải quyết ra sao, thì được hướng dẫn đến Thanh tra huyện Phú Quốc, đến Thanh Tra huyện Phú Quốc hỏi thăm vụ việc thì được hứa hẹn chờ xác minh rồi giải quyết… Chẳng rõ vụ việc được giải quyết như thế nào mà đến đầu tháng 01.2014, chị Phù Bích Chi hay tin 29.239m2 đất của mình nằm trong dự án Khu du lịch- Dân cư Nam Bãi Trường tại xã Dương Tơ bị chủ đầu tư C.E.O tiến hành san ủi mặt bằng, vì chưa thống nhất việc áp giá bồi thường của chủ đầu tư, chưa nhận kết quả giải quyết khiếu nại từ chính quyền địa phương nên chị Bích Chi đã đến ngăn cản, không cho chủ đầu tư C.E.O san ủi đất, cây ăn trái có trên đất,… Khoảng 10 ngày sau quay lại đất của mình, chị Phù Bích Chi phát hiện toàn bộ diện tích đất của mình đã bị “ai đó” đốt phá sạch sẽ, chỉ còn lại toàn là… tro tàn.

Trường hợp anh Phan Hoàng Liêm (SN: 1980), sử dụng đất do mẹ anh Liêm là bà Nguyễn Ngọc Hạnh, khai phá trước năm 1998. Năm 2007, trong lúc không có mặt anh Liêm tại khu đất của mình, Công ty BIM Kiên Giang cho xe vào ủi hết hoa màu, phá hết số cây trồng lâu năm của anh Liêm. Khi biết tin, anh Liêm đã đến ngăn cản, đơn vị thi công tạm dừng, nhưng cũng đã san bằng hết các loại cây trái có trên đất. Nhiều lần khiếu nại, đến ngày 10.9.2013, anh Liêm mới nhận được bảng niêm yết bồi thường diện tích bị thu hồi là 5.224,70m2, nhưng không bồi thường thiệt hại về đất và hoa màu trên đất, với lý do: phần đất của gia đình anh Phan Hoàng Liêm là “đất bao chiếm rừng phòng hộ”. Thật buồn cười, nếu cho phần đất này là đất rừng, tại sao tại thời điểm quy hoạch rừng phòng hộ không thu hồi đất? Khi làm dự án đường cao tốc thì lại bảo là “bao chiếm đất rừng”. Trong khi đó các hộ lân cận anh Liêm đều được bồi thường hỗ trợ về đất đai và hoa màu trên đất.

Còn bà Phan Thị Dung và Phan Thị Hoàng, hiện tạm trú: Ấp Dường Bào, Xã Dương Tơ, Huyện Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang… Năm 1997, gia đình bà Dung, bà Hoàng có khai khẩn thửa đất tọa lạc tại : Tổ 6, Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, Huyện Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang. Khi đất của gia đình nằm trong khu qui hoạch đầu tư xây dựng khu du lich Nam bãi trường tại Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, do Công ty TNHH BIM làm chủ đầu tư. Một ngày kia, gia đình bà Dung và bà Hoàng phát hiện chủ đầu tư cho xe đến san ủi diện tích đất đang canh tác, họ liền đứng ra ngăn cản không cho ủi nữa… Bỏ mặc khiếu nại của bà Phan Thị Dung, không trả lời công dân theo quy định của Luật Khiếu Nại Tố Cáo, ngày 07.4.2011, đơn vị thi công tiếp tục triển khai việc san ủi đất của bà Phan Thị Dung. Thậm chí huy động cả lực lượng công an hùng hậu.

KẾT

Một lần nữa, với những sai phạm một cách có hệ thống và xem thường pháp luật, qua bài viết này, đề nghị Thanh Tra Chính Phủ và UBND tỉnh Kiên Giang sớm bắt tay vào cuộc, xác minh làm rõ, có biện pháp thực hiện đền bù, bồi thường cho người dân huyện Phú Quốc khi bị thu hồi đất theo giá thị trường hiện hành. Đồng thời làm rõ, xử lý chủ đầu tư theo đúng pháp luật hiện hành về “Tội hủy hoại tài sản công dân”, vì đã ngang nhiên san ủi đất của nhiều người dân địa phương mà không có quyết định thu hồi đất, cũng không có quyết định cưỡng chế theo quy định.


NHÓM PV ĐIỀU TRA
(Còn tiếp )

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục