TAND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có trái pháp luật?

(KDPL) - Báo Kinh doanh & Pháp luật nhận được đơn của bà Trương Thị Tú Phương, sinh năm 1977, Đ/c: số 186/2 Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM cho rằng: TAND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2016/QĐ-BPKCTT ngày 27/7/2016 (trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thanh Nga, SN: 1964, Đ/c: phường 11, quận 6, TP.HCM và bị đơn là ông Đặng Văn Tùng, SN 1967, Đ/c: phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM) đối với tài sản bà Phương đã mua hợp pháp là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà.

Theo đơn trình bày cùng các tài liệu kèm theo: Trước đây ông Đặng Văn Tùng là Giám đốc Công ty TNHH TM SX DV Chi Tùng (CTy Chi Tùng) có quan hệ làm ăn với bà Nguyễn Thị Thanh Nga. Tuy nhiên, sau này Cty ông Tùng làm ăn thua lỗ, số nợ mà ông Tùng nợ bà Nga là khoảng 11 tỷ. Một thời gian sau, ông Tùng rất khó khăn nên việc trả nợ chậm trễ, bà Nga đã khởi kiện ông Tùng và đã được TAND thị xã Dĩ An thụ lý. Tại bản án sơ thẩm số 31/2015/DS-ST ngày 24/6/2015 tuyên buộc ông Đặng Văn Tùng (bị đơn) phải trả cho bà Nguyễn Thị Thanh Nga số tiền 10.010.000.000 đồng. Ngay sau đó, ông Tùng đã có đơn kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 172/2015/DS-PT ngày 28/9/2015, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên: “Huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 31/2015/DS-ST của TAND thị xã Dĩ An. Chuyển hồ sơ về TAND thị xã Dĩ An điều tra, xét xử lại”. Tiếp đó, ngày 22/6/2016, TAND thị xã Dĩ An đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần hai và tuyên: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thanh Nga… Buộc ông Đặng Văn Tùng và vợ là Nguyễn Thị Kim Chi phải trả cho bà Nguyễn Thị Thanh Nga và ông Liễu Thanh Tường số tiền 10.010.000.000 đồng”. Tuy nhiên ông Đặng Văn Tùng lại tiếp tục kháng cáo.

TAND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có trái pháp luật? - Ảnh 1

TAND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có trái pháp luật? - Ảnh 2
Đơn kiến nghị của Viện kiểm sá nhân nhân tỉnh Bình Dương

Trong quá trình thụ lý theo thủ tục phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với thửa đất số 109, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169, 170, 171 và 1250 tờ bản đồ số 4 ở phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 10.104,5m2 mà theo bà Trương Thị Tú Phương là trái quy định của pháp luật, bởi bà đã được ông Đặng Văn Tùng và bà Nguyễn Thị Kim Chi chuyển nhượng theo Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, được Văn phòng công chứng Dĩ An chứng thực ngày 23/7/2016. Ngày 12/7/2016 bà đã chuyển cho ông Nguyễn Văn Tùng số tiền 26 tỷ đồng để ông Tùng trả nợ cho Ngân hàng Bản Việt, đồng thời còn nộp cho Chi cục THADS quận Thủ Đức hơn 1 tỷ đồng để giải chấp các tài sản ông Tùng, bà Chi đã thế chấp. Tuy nhiên, trong khi hồ sơ chuyển QSDĐ đang được Văn phòng đăng ký QSDĐ thị xã Dĩ An thụ lý làm thủ tục sang tên thì bà nhận được thông báo của Văn phòng đăng ký QSDĐ Dĩ An cho biết phải tạm dừng việc sang tên với lý do TAND  Bình Dương có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với các thửa đất mà bà đã mua hợp pháp.

TAND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có trái pháp luật? - Ảnh 3
TAND  Bình Dương

Để minh chứng cho điều này bà Phương dẫn chứng: “Tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2016/QĐ-BPKCTT ngày 27/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương đã không tiến hành xác minh về tính pháp lý của tài sản cần áp dụng. Trên thực tế ông Tùng, bà Chi đã thế chấp QSD các thửa đất nêu trên tại Ngân hàng TMCP Bản Việt để vay vốn. Sau đó, do ông Tùng, bà Chi không trả được nợ nên Ngân hàng này đã khởi kiện tại TAND quận Thủ Đức. Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 09/2016/QĐST-KDTM ngày 17/02/2016 của TAND quận Thủ Đức và Quyết định THADS số 1980 ngày 15/3/2016 của Chi cục THADS quận Thủ Đức đã ghi nhận: Cty Chi Tùng phải trả cho Ngân hàng Bản Việt số tiền 61.142.595.399đ; nếu Cty Chi Tùng không trả được nợ thì Ngân hàng có quyền bán các tài sản mà ông Tùng, bà Chi đã thế chấp để thu hồi nợ (Trong số các tài sản mà ông Tùng, bà Chi đã thế chấp cho Ngân hàng Bản Việt có  các thửa đất đang bị TAND tỉnh Bình Dương phong tỏa). 

Trong quá trình thi hành án, ngày 05/7/2016, tại Chi cục THADS quận Thủ Đức, ông Đỗ Duy Tuấn (đại diện cho Ngân hàng Bản Việt) và ông Đặng Văn Tùng (đại diện cho Cty Chi Tùng) đã có thỏa thuận: “Ngân hàng Bản Việt đồng ý để ông Đặng Văn Tùng, bà Nguyễn Thị Kim Chi tự bán các tài sản hiện đang thế chấp tại Ngân hàng Bản Việt để lấy tiền trả nợ cho Ngân hàng Bản Việt”. Như vậy, việc ông Tùng, bà Chi chuyển nhượng QSDĐ đang thế chấp tại Ngân hàng Bản Việt là để thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 09/2016/QĐST-KDTM ngày 17/02/2016 của TAND quận Thủ Đức, được sự đồng ý của người có quyền (là Ngân hàng Bản Việt) và chấp thuận của cơ quan thi hành án có thẩm quyền, nên việc chuyển nhượng này là hoàn toàn hợp pháp.

“Việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà Nguyễn Thị Thanh Nga với vợ chồng ông Đặng Văn Tùng, bà Nguyễn Thị Chi không liên quan đến các thửa đất tôi đã mua, nhưng TAND tỉnh Bình Dương lại ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2016/QĐ-BPKCTT ngày 27/7/2016 đối với các thửa đó là hoàn toàn trái pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Tôi yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương ngay lập tức hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2016/QĐ-BPKCTT ngày 27/7/2016” - Bà Phương bức xúc chia sẻ.

Trước việc ban hành Quyết định số 05/2016/QĐ-BPKCTT của TAND tỉnh Bình Dương, ngày 01/8/2016 VKSND tỉnh Binh Dương đã có kiến nghị số 02/KN-DS: “Yêu cầu đồng chí Chánh án TAND tỉnh Bình Dương trong phạm vi thẩm quyền của mình xem xét, xử lý vi phạm trong việc ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thờì của TAND tỉnh Bình Dương đã nêu theo quy định của pháp luật và gửi kết quả giải quyết cho VKSND tỉnh Bình Dương”. Được biết, sau khi nhận được văn bản số 02/KN-DS của VKSND tỉnh Bình Dương, TAND tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản trả lời. Tuy nhiên, một lần nữa phía VKSND tỉnh Bình Dương lại gửi văn bản thứ hai yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương trả lời thoả đáng nội dung mà phía VKS kiến nghị. Tuy nhiên, ngày 09/9/2016, TAND tỉnh Bình Dương vẫn mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay vốn” nêu trên. Sau khi phiên toà diễn ra, phía đại diện VKSND tỉnh, phía bị đơn và các bên có nghĩa vụ liên quan tham gia phiên toà đã kiến nghị hoãn phiên toà để xem xét trả lời kiến nghị của VKSND tỉnh cùng các bên liên quan đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã cho hoãn phiên toà căn cứ các quy định của pháp luật và để trả lời kiến nghị của các bên.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, báo Kinh doanh & Pháp luật đề nghị TAND tỉnh Bình Dương xem xét lại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2016/QĐ-BPKCTT đã ban hành, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Đoàn Duy 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục