Đà Nẵng: Kiến nghị giám đốc thẩm vụ kiện mua hộ nhà cho Việt Kiều

(Kinhdoanhnet) - Bà Nguyễn Thị Hạnh và ông Trần Thanh Bình (ngụ tại số 351 Trường Chinh, An Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại vụ kiện theo trình tự giám đốc thẩm.

Từ mua hộ nhà bỗng chốc thành bị đơn

Trong vụ kiện này, Tòa án nhân dân tối cao Đà Nẵng nhận định là “Tranh chấp hợp đồng tài sản vay” giữa nguyên đơn Lyndsey Lan Nguyễn và 02 bị đơn Nguyễn Thị Hạnh, Trần Thanh Bình.

Trong đơn kiến nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 61/2014/DSTP ngày 30/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Hạnh và ông Trần Thanh Bình cho rằng hội đồng xét xử cấp phúc thẩm (Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Tp. Đà Nẵng) đã xét xử không khách quan khi không triệu tập đầy đủ những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ án. Cụ thể là không có mặt cả nguyên đơn lẫn những người cùng góp vốn mua nhà với nguyên đơn: Nguyên đơn – Lyndsey Lan Nguyễn, cùng Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Lệ Trinh, Trịnh Thị Bé, Nguyễn Kim David là những người liên quan đến vụ kiện.

Đà Nẵng: Kiến nghị giám đốc thẩm vụ kiện mua hộ nhà cho Việt Kiều - Ảnh 1
Trụ sở TAND tối cao Đà Nẵng

Bà Nguyễn Thị Hạnh và ông Trần Thanh Bình kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho tạm hoãn thi hành bản án và giám đốc thẩm lại vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Bởi trong phiên tòa phúc thẩm, sự vắng mặt của hầu hết những người liên quan, những nhân tố quan trọng của vụ kiện dẫn đến nhận định sai bản chất vụ án, không khách quan và dẫn đến phán uyết oan sai cho bị đơn.

Vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng tài sản vay” giữa nguyên đơn Lyndsey Lan Nguyễn và 02 bị đơn Nguyễn Thị Hạnh, Trần Thanh Bình được TAND tối cao Đà Nẵng xử phúc thẩm ngày 30/9/2014. Theo đơn kiện của bà Lan Nguyễn thì năm 2008 vợ chồng bà Hạnh và ông Bình có vay mượn số tiền hơn 15 nghìn đô Mỹ để mua nhà. Đến năm 2014 thì bà Lan Nguyễn làm đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà  Hạnh ông Bình trả nợ số tiền đã vay trên.

Tuy nhiên, theo đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ kiện bà Hạnh và ông Bình cho rằng: bản chất vụ kiện này là đòi tài sản do giải quyết hậu quả  của việc mua bán nhà đất không thành, do có bất đồng giữa người mua nhà đất (bà Lan Nguyễn) và người thực hiện mua là vợ chồng bà Hạnh.

Sự việc bắt đầu từ việc bà Lan Nguyễn ở Mỹ gửi tiền nhờ vợ chồng bà Hạnh mua hộ một căn nhà, nhưng do vợ chồng bà Hạnh mua nhà chưa đúng yêu cầu nên bà Lan Nguyễn không nhận nhà nhưng lại cầm toàn bộ giấy tờ chủ quyền ngôi nhà. Sau đó bà Lan Nguyễn yêu cầu vợ chồng bà Hạnh hoàn trả lại toàn bộ số tiền, nhưng vợ chồng bà Hạnh không thể xoay trở kịp nên đồng ý viết giấy mượn tiền bà Lan Nguyễn để có thời gian thu xếp trả tiền và giải quyết dứt điểm vụ việc.

Việc này được xác nhận từ thực tế, khi gia đình bà Hạnh hoàn tất thủ tục sở hữu nhà từ tháng 2/2008, còn các giấy tờ bà Lan Nguyễn và các thành viên khác gửi tiền ra ghi rõ từ tháng 1/2008, giấy mượn tiền được lập sau đó 5 tháng là ngày 25/6/2008 (sau khi xảy ra bất đồng do mua nhà hộ). Điều đặc biệt tất cả những giấy tờ có liên quan này đều đã được nộp cho Tòa án tối cao Đà Nẵng nhưng lại không được HĐXX xem xét.

Việc HĐXX ra quyết định yêu cầu 02 bị đơn Nguyễn Thị Hạnh, Trần Thanh Bình hoàn trả số tiền ghi trong giấy vay nợ, nhưng lại không yêu cầu bà Lan Nguyễn trả lại giấy sở hữu nhà cho bị đơn thật khó chấp nhận.

Mòn mỏi chờ giám đốc thẩm vụ án

Về thủ tục giám đốc thẩm, tính chất của giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 272 là việc xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án. Để có thể thực hiện việc giám đốc thẩm thì điều kiện tiên quyết là người có thẩm quyền theo quy định tại BLTTHS phải kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật và căn cứ để thực hiện giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 273 BLTTHS phải thuộc một trong bốn trường hợp cụ thể đó là: 1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; 2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử; 4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLTTHS.

Trong vụ án này, khó khăn nhất khi xem xét đó là nguyên đơn ở nước ngoài, vắng mặt trong tất cả các phiên xét xử, những bằng chứng, tài liệu liên quan chưa chính xác, nhiều mâu thuẫn. Hơn nữa, việc việc mua bán, nhờ mua nhà cũng chỉ thỏa thuận bằng miệng, người mua chỉ đơn thuần xác nhận lại đã nhận tiền khi mua hộ. Chưa hết, vụ việc này đang có tranh chấp chưa giải quyết xong nhưng cơ quan chức năng lại đồng ý cho phía bà Lan Nguyễn cầm toàn bộ giấy sở hữu nhà ngôi nhà được mua trước khi lập giấy vay nợ giữa 2 bên…

Các kiến nghị của bị đơn đã khá rõ ràng, thế nhưng đến nay đã hết thời gian hoãn thi hành án nhưng bị đơn vẫn chưa nhận được trả lời gì từ các cơ quan có thẩm quyền.

Thiết nghĩ lãnh đạo VKSND, TAND Tối cao cần nhanh chóng phản hồi đề nghị của bị đơn để vụ việc không kéo dài thêm nữa.

Đình Dũng – Trang Nhi

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904140983 hoặc email: banphapluatkdpl@gmail.com

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục