Bến Tre: Không được đăng ký kinh doanh tiền ảo Bitcoin nhưng vẫn phải nộp thuế?!

(KDPL) - “Bitcoin là dạng tiền kỹ luật số (tiền ảo) không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính và lưu thông trên thị trường không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ vì không phải phương tiện thanh toán hợp pháp nên chưa có tập quán thương mại, trong khi hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay chưa xem đồng tiền Bitcoin là hàng hóa dịch vụ, do đó việc truy thu thuế GTGT và thuế TNCN tổng cộng 2.649.377.006 đồng là chưa công bằng và thỏa đáng”.

Theo đơn khởi kiện Quyết định hành chính tại TAND tỉnh Bến Tre của ông Nguyễn Việt Cường, ngụ tại phường Phú Khương, TP.Bến Tre đối với Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre có nội dung như sau: Từ giữa năm 2008 đến tháng 9/2013 ông Cường có tham gia trao đổi tiền điện tử (Bitcoin) qua mạng Internet đến tháng 9/2013 Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Bến Tre đã nhiều lần mời ông đến để làm việc do đã tham gia các hoạt động liên quan đến đồng tiền điện tử nói trên, sau gần 2 năm làm việc với cơ quan An ninh Điều tra từ góc độ nghĩa vụ của một công dân ông hoàn toàn hợp tác cung cấp tất cả các thông tin, trả lời chi tiết tất cả các câu hỏi mà Điều tra viên nêu ra. 

Bến Tre: Không được đăng ký kinh doanh tiền ảo Bitcoin nhưng vẫn phải nộp thuế?! - Ảnh 1

Quyết định của Cục thuế tỉnh Bến Tre

 

Kết quả sau khi kết thúc điều tra mặc dù cơ quan an ninh đã kết luận trường hợp kinh doanh của ông không phải là hành vi phạm tội nhưng cơ quan an ninh đã có công văn số 87/ANĐT ngày 19/10/2015 gửi các ban ngành và Chi cục Thuế TP Bến Tre đề nghị xử lý hành chính đối với hành vi mua bán tiền ảo (Bitcoin) của Nguyễn Việt Cường. Vì vậy ngày 12/5/2016 Chi cục thuế TP Bến Tre đã ra Quyết định số: 714/QĐ-CCT “ Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả” và buộc ông Cường phải nộp: 981.527.006 đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1.667.850.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tổng cộng 2.649.377.006 đồng và không áp dụng xử phạt vi phạm hành chính do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm. 

Ngày 10/8/2016 ông Cường gửi đơn khiếu nại đến Chi cục Thuế TP Bến Tre yêu cầu thu hồi Quyết định 714/QĐ-CCT vì ông cho rằng hình thức kinh doanh này không vi phạm pháp luật Việt Nam kể cả pháp luật về thuế chưa có quy định và điều chỉnh, ông khẳng định mình rất muốn đăng ký với cơ quan thẩm quyền nhưng loại hình kinh doanh tiền điện tử không được coi là hàng hóa để đăng ký kinh doanh thương mại theo nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử, do đó ông không thể đăng ký được tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông không thực hiện được chế độ chứng từ hóa đơn cũng như kê khai nộp thuế vì hình thức kinh doanh chưa có tên và chưa có mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh Việt Nam, hơn nữa Chi cục Thuế TP Bến Tre áp dụng văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính không phải là văn bản pháp quy để áp dụng truy thu thuế. Do đó ông đề nghị thu hồi Quyết định số: 714/QĐ-CCT về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên Chi cục Thuế TP Bến Tre đã ra Quyết định 1205/QĐ-CCT ngày 7/9/2016 giải quyết khiếu nại lần đầu và bác đơn của ông Cường vì cho rằng “… Hành vi mua bán tiền kỹ thuật số không phải là hành vi bị cấm. Người sở hữu tiền kỹ thuật số, có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự nên thuộc “quyền tài sản” theo Điều 181 Bộ luật Dân sự… Do vậy, tiền kỹ thuật số là “tài sản” theo điều 163 Bộ luật dân sự và là “hàng hóa” động sản theo Điều 3 Luật Thương mại… Hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua, bán hàng hóa và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại…”

Không đồng ý với Quyết định trên, ông Cường tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Ngày 18/5/2017 Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số: 1002/QĐ-C1 ngày 18/5/2017, nội dung:  Hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị tăng (GTGT) quy định tại Điều 3 và không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT và cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số ,thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế TNCN. Do đó việc ông Nguyễn Việt Cường khiếu nại là không đúng theo các quy định của các luật thuế hiện hành và ông có trách nhiệm thực hiện theo các quyết định của Chi cục thuế TP. Bến Tre, tức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNCN.

Bến Tre: Không được đăng ký kinh doanh tiền ảo Bitcoin nhưng vẫn phải nộp thuế?! - Ảnh 2
Ông Nguyễn Việt Cường (người khởi kiện) và ông Nguyễn Thanh Lương.

Được biết, sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre thụ lý sơ thẩm vụ án hành chính ông Cường còn cung cấp công văn số: 47/ĐK-KD ngày 4/8/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre có nội dung từ chối đơn xin đăng ký kinh doanh mua bán tiền điện tử (bitcoin, webmoney) của ông do căn cứ công văn số 761/BTC-TTRA ngày 28/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt nam – Chi nhánh tỉnh Bến Tre xác định việc đăng ký kinh doanh mua bán tiền điện tử, tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam .

Theo luật sư Trần Thị Ánh - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện cho rằng: “Bitcoin là dạng tiền kỹ luật số (tiền ảo) không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính và lưu thông trên thị trường không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ vì không phải phương tiện thanh toán hợp pháp nên chưa có tập quán thương mại, trong khi hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay chưa xem đồng tiền Bitcoin là hàng hóa dịch vụ, do đó việc truy thu thuế GTGT và thuế TNCN tổng cộng 2.649.377.006 đồng là chưa công bằng và thỏa đáng”.

 Được biết TAND tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức phiên xét xử lần 2 vào lúc 13 giờ 30 ngày 20/9/2016 sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết quả phiên xử .

Luật gia Phan Văn Mãnh – Hội Luật gia TPHCM

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục