Nỗi hàm oan của Nhà giáo, Bác sỹ Vũ Trọng Tùng sao mãi chưa được giải quyết ?

(Kinhdoanhnet) - Những bất cập và vô cảm ấy khiến bạn đọc sau khi tiếp nhận được các thông tin trên báo đã bày tỏ sự bức xúc, bởi sự thờ ơ và vô trách nhiệm trước thân phận của một con người, chứ chưa nói tới Vũ Trọng Tùng, một bác sỹ, một nhà giáo đã từng đứng trên bục giảng của Trường Đại học Y Hà Nội.

Thời gian vừa qua chia sẻ và cảm thông với nỗi oan khuất của Nhà giáo, Bác sỹ Vũ Trọng Tùng; báo Kinh doanh & Pháp luật dựa trên các tài liệu, hồ sơ đã đăng tải loạt bài xung quanh những lá đơn khiếu nại của bác sỹ Vũ Trọng Tùng cũng như những bất cập trong việc giải quyết đơn khiếu nại của Bộ Y tế và lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội. 

Những bất cập và vô cảm ấy khiến bạn đọc sau khi tiếp nhận được các thông tin trên báo đã bày tỏ sự bức xúc, bởi sự thờ ơ và vô trách nhiệm trước thân phận của một con người, chứ chưa nói tới Vũ Trọng Tùng, một bác sỹ, một nhà giáo đã từng đứng trên bục giảng của Trường Đại học Y Hà Nội.

Như chúng tôi đã đề cập, Vũ Trọng Tùng quê ở Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sau 6 năm đèn sách, anh đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội với tấm bằng bác sỹ. Dịp đó, cha mẹ anh muốn người con trai của mình trở về quê hương để góp phần chăm lo sức khỏe của người dân xứ Nghệ. Song Vũ Trọng Tùng lại nghĩ khác, để trở thành một bác sỹ có tay nghề, anh quyết định trụ lại tại Hà Nội - Một Trung tâm Y học của cả nước, nơi mà Tùng hy vọng có thể học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm nghề nghiệp từ các bậc đàn anh; mặc dù biết rằng, đó cũng là một con đường đầy khó khăn và thử thách. 

Nỗi hàm oan của Nhà giáo, Bác sỹ Vũ Trọng Tùng sao mãi chưa được giải quyết ? - Ảnh 1
Văn bản yêu cầu xem xét thông tin về vụ việc của bác sĩ Tùng

Nhờ có tấm bằng bác sỹ phẫu thuật, Tùng xin vào làm việc không lương ở Bệnh viện Việt Đức song bù lại Tùng tiếp thu và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các thày thuốc ưu tú của bệnh viện. Mặc dù vậy, trong điều kiện khó khăn về vật chất, tiền bạc để đảm bảo cho cuộc sống thường nhật, song với chí tiến thủ, chàng trai xứ Nghệ ấy vẫn miệt mài với công việc và tiếp tục theo học. Ý chí ấy rồi cuối cùng đã thành công. Năm 2004, Vũ Trọng Tùng đã nhận bằng Thạc sỹ Y học. 

Có thêm tấm bằng thạc sỹ y học trong tay, tiếp tục thực hiện những ước vọng của mình Vũ Trọng Tùng quyết định xin vào làm việc không lương ở Bệnh viện Bạch Mai, do không được xét vào biên chế nên sau mấy năm làm việc tại đây, năm 2007 Vũ Trọng Tùng xin trở lại Bệnh viện Việt Đức. Đến năm 2009, Vũ Trọng Tùng tham gia thi và trúng tuyển giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. Tại đây, anh được giao giảng dậy bộ môn Phẫu thuật ngoại khoa, đồng thời là một phẫu thuật viên chính tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Công việc đang yên ổn thì một xích mích nhỏ giữa Vũ Trọng Tùng và người cháu của một Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đã đẩy Tùng vào thế khốn cùng. (Về việc này báo Kinh doanh & Pháp luật đã đề cập). Hai bên cũng đã giải quyết ổn thỏa. Mọi chuyện tưởng dừng tại đó, nào ngờ sau đó ít lâu, trường Đại học Y Hà Nội đã thành lập Hội đồng kỷ luật Vũ Trọng Tùng. Sau 2 cuộc họp, Hội đồng kỷ luật trường Đại học Y Hà Nội đã đi đến quyết định: Chấm dứt Hợp đồng đối với Vũ Trọng Tùng.   

Điều mà đến bây giờ Vũ Trọng Tùng vẫn trăn trở và coi đó là một sự trù dập và sa thải trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, đẩy gia đình anh vào cảnh khốn cùng. Vì vào thời điểm này vợ anh chưa có việc làm, 2 đứa con còn nhỏ (cháu lớn: 3 tuổi, cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi). 

 Hơn nữa, quyết định buộc thôi việc đối với Vũ Trọng Tùng của lãnh đạo trường Đại học Y Hà Nội trên thực tế đã hủy bỏ mọi kế hoạch phấn đấu và quá trình hoạt động chuyên môn của Vũ Trọng Tùng. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là sau hơn 3 năm sát cánh cùng chồng vất vả mưu sinh và tốn bao công sức khiếu kiện, người vợ đáng thương của bác sỹ Tùng hiện đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, không biết còn sống được bao lâu ???

Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi, Vũ Trọng Tùng đặt vấn đề: Căn cứ chấm dứt Hợp đồng lao động, theo quy định của Chính phủ thì người bị chấm dứt Hợp đồng phải bị vi phạm kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và không hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa vụ xích mích lại xảy ra vào giờ nghỉ trưa; hai bên đã hòa giải do đó sự việc này không bị điều chỉnh bởi Nghị định số 35 về kỷ luật viên chức. 

Một việc nữa khiến người ta nghi ngờ về tính minh bạch xung quanh quyết định của lãnh đạo trường Đại học Y Hà Nội là ngày 15/11/2010, trường ra quyết định kỷ luật; song sau một tháng rưỡi,Vũ Trọng Tùng mới biết. Quyết định cho thôi việc của nhà trường cũng không gửi và cũng không công khai tại đơn vị mà Tùng đang làm việc.

Mất việc đồng nghĩa với việc phải đối đầu với bao khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Song vì danh dự và công lý, sau nhiều đêm mất ngủ, suy tư, Vũ Trọng Tùng quyết định bước vào cuộc hành trình làm đơn khiếu nại gửi Ban giám hiệu nhà trường, trực tiếp gặp các cán bộ ban Thanh tra Bộ Y tế. Do không nhận được sự trả lời của lãnh đạo nhà trường và Thanh tra Bộ Y tế hơn một năm sau Vũ Trọng Tùng buộc phải gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ y tế. Sau đó, điều đáng mừng là anh được trở lại trường làm việc, song không phải làm công việc của một bác sỹ phẫu thuật hay một cán bộ giảng dạy mà chỉ là một nhân viên trạm xá. Đọc được những thông tin ấy trên báo Kinh doanh & Pháp luật, nhiều bạn đọc đã có chung cảm xúc: Thân phận của con người như Tùng sao đáng bị cay nghiệt đến thế? 

Đi tìm sự thật và để đảm bảo tính khách quan trong vụ việc này, tại một số báo chúng tôi đã trích đăng gần như nguyên văn “Bản nhận xét viên chức thử việc” gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội và Phòng Tổ chức cán bộ trường của Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Quyết viết ngày 15-9-2010 (tức là trước ngày Hội đồng kỷ luật họp: 1 tháng 5 ngày). Thời điểm Giáo sư Hà Văn Quyết viết văn bản này gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội, ông đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức; Trưởng Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Song điều quan trọng là ông được nhà trường cử hướng dẫn thử việc cho bác sĩ Vũ Trọng Tùng từ ngày 1/12/2009.

Theo văn bản gửi Ban Giám hiệu trường Đại học Y Hà Nội của giáo sư Hà Văn Quyết thì trong mục: phẩm chất đạo đức của bác sĩ Vũ Trọng Tùng; vị giáo sư này nêu: “Có đạo đức tư cách của một cán bộ viên chức. Thẳng thắn dám đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhưng đôi lúc còn thiếu kiềm chế, nóng nẩy”. Còn về năng lực, trình độ và kết quả làm việc, học tập trong thời gian thử việc; Giáo sư Hà Văn Quyết nhận xét về Vũ Trọng Tùng như sau: “Ham học hỏi, dám nghĩ và năng động trong công việc giảng dậy, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh. Có năng lực về công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dậy”. 

Về ý thức tổ chức chấp hành kỷ luật, nội quy, quy chế của đơn vị; Giáo sư Hà Văn Quyết viết: “Chấp hành đầy đủ sự phân công nhiệm vụ của lãnh đạo bộ môn. Hoàn thành các công việc được giao trong giảng dậy và hướng dẫn cho sinh viên”. Còn về phần chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Giáo sư Hà Văn Quyết khẳng định: Bác sĩ Vũ Trọng Tùng là người “Có lập trường tư tưởng và chấp hành đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Từ những đánh giá và nhận xét nói trên về bác sĩ Vũ Trọng Tùng, trong phần kết luận và đề nghị ghi trên của văn bản này, Giáo sư Tiến sĩ Hà Văn Quyết: “Kính đề nghị Ban Giám hiệu, Phòng tổ chức cán bộ xem xét, bổ nhiệm vào ngạch giảng viên cho viên chức Vũ Trọng Tùng”. Xin được nhắc lại rằng, văn bản nhận xét về phẩm chất đạo đức, năng lực trong công việc cũng như về tư tưởng lập trường mà giáo sư Hà Văn Quyết đã viết được gửi lên Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội, trước lúc Hội đồng kỷ luật đưa Vũ Trọng Tùng ra để xét kỷ luật: 1 tháng 5 ngày. 

Đến đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Không rõ khi xem xét và ra quyết định cho thôi việc của Trường Đại học Y Hà Nội vào thời điểm ấy, người ta có đoái hoài đến những lời nhận xét nghiêm túc của Giáo sư Hà Văn Quyết, người được cử hướng dẫn cho bác sĩ Vũ Trọng Tùng trong thời gian thử việc hay không?

Một vấn đề nữa mà báo Kinh doanh & Pháp luật cũng đã đề cập là sau loạt bài về vụ việc này, thừa lệnh lãnh đạo Bộ Y tế Văn phòng Bộ Y tế đã có văn bản số 2923/BYT-VPB1 ngày 21/5/2014 gửi Thanh tra Bộ Y tế trong đó nêu rõ: “Để kịp xử lý các thông tin báo đã nêu, đề nghị Thanh tra Bộ khẩn trương kiểm tra thông tin, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo lãnh đạo Bộ và thông báo kết quả cho đồng chí Tổng Biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật”. Rất tiếc cho đến nay đã gần 6 tháng trôi qua, Ban Biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Thanh tra Bộ Y tế; đồng nghĩa với nỗi hàm oan của bác sỹ Vũ Trọng Tùng vẫn chưa được giải quyết !.

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục