Những dấu hiệu tiêu cực ở Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người tàn tật Việt Nam: Cần sớm điều tra làm rõ

(Kinhdoanhnet) - Sau loạt bài phản ánh về những sai phạm của Hội doanh nghiệp Thương binh và Người tàn tật Thanh Hóa và những kết quả của Đoàn kiểm tra Liên ngành của địa phương; tuần qua, Ban Biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật đã tiếp ông Trần Xuân Thủy, thương binh 1/4, có hộ khẩu thường trú tại số 10, ngõ 22 phố Văn La, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội; Ủy viên Ban chấp hành, kiêm Trưởng ban Kiểm tra Khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam.

Tại buổi tiếp xúc với Ban Biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật, ông Trần Xuân Thủy bộc bạch: "Tôi là một Cựu chiến binh, được kết nạp đảng từ năm 1969, như vậy đến nay tôi đã có 47 năm tuổi đảng. Nguyên là lính Đặc công tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ và bị thương nặng, thương binh 1/4, được đưa về Trại điều dưỡng đến năm 1981, tôi được giải ngũ về địa phương". Trở về với cuộc sống đời thường trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, đất nước bị bao vây cấm vận, lạm phát phi mã, khiến cho đời sống thường nhật của người dân vốn đã khó khăn càng trở nên bức xúc hơn. Song với bản lĩnh của "Anh bộ đội Cụ Hồ"; mặc dù là một thương binh nặng, Cựu chiến binh Trần Xuân Thủy vẫn nung nấu ý chí làm giầu trên quê hương mình. Ý chí ấy khiến ông thành lập Hợp tác xã Công Nghiệp thương binh tình nghĩa nhằm thu hút hàng trăm anh em thương, bệnh binh và những người tàn tật ở địa phương. Được mọi người tín nhiệm, thương binh, Cựu chiến binh Trần Xuân Thủy đảm nhận Chủ nhiệm Hợp tác xã Công nghiệp Thương binh tình nghĩa từ năm 1999 đến nay và tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người tàn tật Việt Nam trong hai khóa tại đây. Ông đều được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Kiểm tra của Hiệp hội.

Những dấu hiệu tiêu cực ở Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người tàn tật Việt Nam: Cần sớm điều tra làm rõ - Ảnh 1
Ông Lưu Vinh - Tổng biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật (trái) tiếp ông Trần Xuân Thủy.

Theo ông Trần Xuân Thủy, với trách nhiệm là Trưởng ban Kiểm tra của Hiệp hội và bản tính của một chiến binh, thương binh, ông luôn đau đáu một điều là vai trò vị trí của Hiệp hội phải là "Ngôi nhà chung" để đoàn kết, tổ chức, hướng dẫn các Hội và Chi hội, cũng như là chỗ dựa cho các thương binh và người tàn tật có những đóng góp cho cộng đồng xã hội. Vì thế Hiệp hội phải trong sạch; thế nhưng thật đáng buồn, trong hai nhiệm kỳ mà ông Thủy là Trưởng ban Kiểm tra lại phát hiện nhiều vẩn đục và có những dấu hiệu vi phạm và khuất tất cần phải được làm rõ. Trong lá đơn gửi Ban Biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật, ông Trần Xuân Thủy nói rằng: "Các vi phạm này, tôi đã báo cáo công khai và rõ ràng tại Đại hội sau đó gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội để làm rõ; song đến nay vẫn không được xử lý".

Những dấu hiệu tiêu cực ở Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người tàn tật Việt Nam: Cần sớm điều tra làm rõ - Ảnh 2
Ông Trần Xuân Thủy.

Một trong những sai phạm của Hiệp hội mà ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội chỉ ra là, trong nhiệm kỳ 1 và 2, ông Chủ tịch Hiệp hội đã chỉ đạo Trung tâm dậy nghề 1 đã cắt 30% kinh phí dậy nghề cho người khuyết tật trong các năm 2006, 2007, 2008 để chi tiêu với số tiền 427.958.000 đồng. Sai phạm này đã bị Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Thương binh xã hội; Tổng cục dậy nghề phát hiện và đình chỉ cấp chỉ tiêu dậy nghề và cắt kinh phí hoạt động thường xuyên của Hiệp hội từ năm 2009 đến nay. Sai phạm này đã kéo theo hàng loạt các sai phạm khác như một số cá nhân trong Hiệp hội lợi dụng chức vụ, quyền hạn viết giấy vay một khoản tiền mà đến nay các khoản tiền đó vẫn chưa được thu hồi. Sơ sơ các khoản tiền này bị một số các nhân chiếm giữ đã đến con số: 535 triệu đồng. Đó là chưa kể đến một số khoản tiền nợ của ông Phạm Công Ngụ, Giám đốc dạy nghề miền Trung 90 triệu đồng chưa xuất toán ngân sách Nhà nước. Vụ việc này theo ông Thủy nêu trong đơn cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã vào cuộc và đã có kết luận;

Một nội dung khác mà ông Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội này đề cập là vấn đề sử dụng nguồn vốn huy động từ các hội viên cho Đại hội III. Theo đó, Hiệp hội khoán cho mỗi Tỉnh hội phải đóng 30 triệu đồng; Thường trực Ban chấp hành: 30 triệu đồng; Chủ tịch, Tổng Thư ký, mỗi người 50 triệu đồng. Tổng số tiền thu được theo ông Thủy là 417.000.000 đồng (có bản thu kèm theo). Tuy nhiên Đại hội đã kết thúc gần hai tháng, Văn phòng Hiệp hội vẫn không quyết toán được vì nhiều khoản chi không có hóa đơn chứng từ gốc. Số liệu chi trong đại hội không đúng với thực tế. Tiền mặt kiểm tra sổ sách thì còn; nhưng khi kiểm tra tiền quỹ thì đã hết.

Tại lá đơn kiến nghị gửi báo Kinh doanh và Pháp luật và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, ông Trần Xuân Thủy còn đề cập đến một số vụ việc khác. Chúng tôi sẽ đề cập vào số báo tiếp theo. Nhưng với các nội dung được đề cập ở phần trên được nêu trong đơn kiến nghị của ông Trần Xuân Thủy đã cho thấy: Nếu đúng như vậy thì đã khá nghiêm trọng cần phải được các cơ quan bảo vệ pháp luật và ngành chức năng vào cuộc làm rõ.

Báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp tục cử phóng viên theo dõi diễn tiến vụ việc để phản ánh đến bạn đọc.

BBĐ


 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục