Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật trong vụ cột điện 220kV bê tông trộn đất ở Nam Định

(Kinhdoanhnet) - Liên quan tới vụ việc 2 trụ móng cột điện công trình đường dây 220kV chạy qua địa bàn xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định, anh Vũ Ngọc Hồi (SN 1974), trú tại thôn An Hưng đã phát hiện ra nhiều khuất tất trong việc thi công. Cụ thể, phần móng đổ bê tông chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho xuống phần đế móng.

Sau một thời gian được nhà thầu thi công phần móng cột điện của đường dây 220kV chạy qua địa bàn xã Đại An, huyện Vụ Bản, thuê máy trộn bê tông và mình làm cho công trình này với giá 1,2 triệu/1 ngày. Anh Vũ Ngọc Hồi (SN 1974), trú tại thôn An Hưng, xã Đại An, huyện Vụ Bản đã phát hiện ra nhiều khuất tất trong việc thi công. Cụ thể, phần móng đổ bê tông chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho xuống phần đế móng.

Sau khi phát hiện sự việc “động trời” trên, anh Hồi cùng anh trai mình là anh Vũ Văn Thuận (SN 1970) đã bỏ việc ở công trình này vì cảm thấy đây là việc làm “thất đức, bất lương”. Sau một thời gian bỏ việc tại đây, hai anh em anh Hồi vô tình gặp tốp thợ đang thi công làm móng cột điện thứ 2. Quá bức xúc với cách làm khuất tất trên, hai anh em anh Hồi đã tố cáo sự việc này.

Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật trong vụ cột điện 220kV bê tông trộn đất ở Nam Định  - Ảnh 1
Khu vực thi công cột móng đường dây 220KV ở xã Đại An, huyện Vụ Bản

Theo tố cáo của anh Hồi, vào cuối tháng 3/2016, anh Hồi được ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng Đội thi công của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 11 đang thi công trình “đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định" thuê chiếc máy trộn bê tông của gia đình anh Hồi (có công suất khoảng 30m3/ngày) cùng nhân công để đổ bê tông cho 2 móng cột với khối lượng khoảng trên 600m3. Đến ngày 19/4, khi được gọi đến trộn bê tông đổ vào khoang móng, 2 anh em anh Hồi mới phát hiện sự việc khuất tất, khi phần bê tông đổ xuống khoang móng chỉ có một chút xi-măng trộn cùng đá sỏi, còn lại hầu hết là đất trộn qua loa rồi đổ thẳng xuống phần đế móng.

Vào khoảng tháng 5/2016, tình cờ anh Hồi cùng anh trai mình phát hiện đội thi công vẫn làm theo cách cũ khi đổ cột móng thứ 2. Quá bức xúc, 2 anh em anh Hồi đã bí mật quay video lại làm bằng chứng rồi gửi đến các cơ quan báo chí để tố cáo việc làm sai trái trên.

Sau khi báo chí đăng tải về sự việc trên, phía công ty CP Sông Đà 11 cũng đã thành lập đoàn kiểm tra xem xét lại toàn bộ quy trình thi công móng trụ cột điện cao thế, tiến hành kiểm tra lại từng bước quy trình để làm rõ. Tại cuộc trao đổi chiều 2.6 với nhiều cơ quan báo chí Trung ương, ông Phạm Lạp - Phó Tổng giám đốc Cty CP Sông Đà 11 cho biết: “Đến thời điểm này, khi đã có kết quả kiểm định chất lượng bê tông, chúng tôi có thể khẳng định rằng việc phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, chúng tôi đã tiến hành kỷ luật những cán bộ liên quan”.

Ông Lạp cũng đánh giá việc vi phạm này hết sức nghiêm trọng. Sai phạm của một vài cá nhân trong quá trình thi công đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của công ty, làm xáo trộn đời sống và việc làm của hàng ngàn cán bộ công nhân viên của công ty.

Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật trong vụ cột điện 220kV bê tông trộn đất ở Nam Định  - Ảnh 2
Công nhân dùng chân nhồi bê tông lẫn đất xuống phía dưới đế móng cột điện. (Ảnh từ clip).

Theo đó, ngoài 2 cán bộ bị cách chức là ông Nguyễn Văn Toán (Đội trưởng đội xây lắp số 12) và ông Nguyễn Văn Đương (Trưởng ban chỉ huy công trình), 2 lãnh đạo chi nhánh Cty CP Sông Đà 11.7 là Giám đốc và Phó giám đốc cùng 2 cán bộ giám sát đều nhận mức kỷ luật cảnh cáo.

Ông Lạp cho biết thêm: Đồng thời, phía chủ đầu tư là Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cũng đã đến khu vực thi công để kiểm tra và mời cơ quan công an vào điều tra xác minh để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định là đường dây 2 mạch, có tổng chiều dài 29,437 km đi qua địa bàn các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh thuộc tỉnh Nam Định. Điểm đầu của đường dây là cột đấu nối (cột số 1) đặt trong khoảng cột 65 - 66 của đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định 1 mạch hiện hữu, điểm cuối là thanh cái 220 kV Trạm biến áp 220 kV Trực Ninh. Công trình này được đầu tư xây dựng với mục tiêu khai thác công suất cụm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình và đáp ứng nhu cầu phụ tải tỉnh Nam Định, tăng cường liên kết hệ thống điện Quốc gia. Công trình do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) thay mặt chủ đầu tư quản lý điều hành dự án, Công ty Sông Đà 11 là đơn vị thi công. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành đóng điện vào quý I năm 2017.

Mặc dù đã có ít nhất 6 cán bộ đã bị kỉ luật, trong đó người nặng nhất bị cách chức vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại công trình thi công 2 trụ móng cột điện công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định. Nhưng anh Vũ Ngọc Hồi tiết lộ thêm nhiều tình tiết liên quan đến việc Công ty Sông Đà 11 cho nhóm người đến nhà anh để thương lượng “ém” thông tin. Anh Hồi thuật lại: Ngay tối 24/5, sau khi clip tố cáo được gửi đi, có hai nhóm người tự xưng là cán bộ của Công ty CP Sông Đà 11 tìm đến nhà anh để “nói chuyện”. Lúc 16h có một nhóm, sau đó 23h lại có một nhóm khác đến gặp anh. Họ nói chuyện đến gần 24h, đề nghị biếu anh Hồi 30 triệu đồng, sau tăng lên 100 triệu đồng để anh Hồi rút lại các đơn thư nhưng anh kiên quyết từ chối. Anh Hồi nói rằng tất cả thông tin đều đã gửi cho cơ quan báo chí hết rồi, giờ họ có gặp cũng không giải quyết được gì, sau đó tất cảhọ ra về. 

Thiết nghĩ Tội đưa hối lộ là một trong những nguyên nhân gây nên tệ nạn hối lộ, nó làm cho đội ngũ cán bộ cơ quan Nhà nước, tổ chức bị thoái hóa, biến chất và gây tác hại nhiều mặt. Đề nghị cơ quan chức năng, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Nam Định tiếp tục làm rõ thông tin trên nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nhóm PVPL

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục