Vân Đồn, Quảng Ninh: Doanh nghiệp địa phương “kêu cứu”...

(Kinhdoanhnet)- Đầu tư vốn, mua sắm trang thiết bị, song chủ trương tạm dừng triển khai hàng loạt dự án để chờ quy hoạch chung đã vô tình đẩy nhiều doanh nghiệp của huyện đảo Vân Đồn vào tình thế khó khăn. Nguồn vốn vay phải trả, trang thiết bị không vận hành nằm ngổn ngang dưới nắng mưa, người lao động mất việc làm cùng hàng loạt những hệ lụy khác là câu chuyện đang xảy ra với nhiều doanh nghiệp Vân Đồn trước thềm đặc khu.

Đầu tháng 4 năm 2018, BQL Khu kinh tế Vân Đồn có văn bản thông báo đến các doanh nghiệp, người dân về việc tạm dừng triển khai các bước tiếp theo của hàng loạt dự án đến khi quy hoạch chung Vân Đồn được thông qua. Quyết định này ra đời trên tinh thần của văn bản số 1723/UBND-QH3 ngày 23/03/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thành lập Hội đồng thẩm định và triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các dự án trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Mặc dù việc tạm dừng triển khai các dự án mới chỉ diễn ra hơn 2 tháng nhưng nó đã làm xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp địa phương và hộ kinh doanh cá thể, đây là lực lượng đóng góp lớn nhất vào ngân sách địa phương trong nhiều năm qua, từ khi Vân Đồn còn là huyện đảo khó khăn được UBND tỉnh Quảng Ninh mời gọi các nhà đầu tư đến phát triến kinh tế cho vùng đất này.

Câu chuyện của họ giờ không phải là tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà là sự chờ đợi trong tuyệt vọng...Chờ đợi trong khi vốn đã vay với lãi suất từng ngày, chờ đợi trong sự hao mòn phơi nắng phơi mưa của trang thiết bị máy móc, chờ đợi trong khi hàng nghìn người mất việc làm đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh...

Dẫn giải cho sự việc này PV đã thực tế tại một số doanh nghiệp địa phương đã hoạt động hàng chục năm ở đây.

Công ty TNHH một thành viên Vân Đồn hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản. Doanh nghiệp này có những đóng góp tích cực với ngân sách địa phương cũng như huy động được người lao động ở các xã Đoàn Kết, Bình Dân, Vạn Yên, Đài Xuyên cùng tham gia sản xuất. Trong quá trình mở rộng hoạt động, doanh nghiệp này đã lập dự án quy hoạch vùng sản xuất cam tập trung trên diện tích được cấp có thẩm quyền giao với gần 130 hộ dân tham gia. Khi dự án phải tạm dừng, không khó để hình dung rất nhiều khó khăn đến với đơn vị này. Việc mở rộng sản xuất buộc phải lỗi hẹn.

Hụt hẫng là tâm lý chung của các hộ dân tham gia vào dự án trồng cam tập trung của doanh nghiệp nêu trên.

 “Dự án sản xuất cam tập trung là một tin rất mừng đối với những người hoạt động gắn với lâm sản như chúng tôi. Gần 130 hộ là thể hiện một quyết tâm rất lớn của bà con, đó không phải con số nhỏ lẻ. Mọi thứ đã sẵn sàng, vốn chúng tôi cũng đã vay nhưng bây giờ đành phải chờ vậy!”. Đây là lời chia sẻ của một người dân xã Đài Xuyên khi tiếp xúc với PV.

Vân Đồn, Quảng Ninh:  Doanh nghiệp địa phương “kêu cứu”... - Ảnh 1
Dự án trồng cam hiện đã phải tạm dừng chờ quy hoạch chung

Trao đổi với phóng viên, bà Từ Hồng Minh- Phó Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Vân Đồn chia sẻ: Cty hoạt động trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản từ năm 1989, đóng góp hàng chục tỷ hàng năm với ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân các xã Đài Xuyên, Vạn Yên, Bình Dân, Đoàn Kết của huyện đảo Vân Đồn. Nay việc tạm dừng triển khai dự án khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trên vùng đất được giao, Cty đã lập dự án quy hoạch vùng sản xuất cam tập trung. Dự án đã thông qua HĐND huyện, qua quy hoạch với khoảng 128 hộ dân tham gia dự án đến nay đều phải dừng lại hết.

 Tại xã đảo Quan Lạn, ngoài các dự án phát triển kinh tế xã hội thì còn có Dự án nạo vét khu nước trước bến và luồng vào bến cập tàu Cột Đồng Hồ cũng đang phải tạm dừng chờ quy hoạch chung. Được biết trong 5 tuyến luồng thuộc dự án thì có một tuyến dân sinh phục vụ cho việc đi lại đánh bắt thủy hải sản của người dân nên việc tạm dừng dự án đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh đi lại của người dân xã Quan Lạn. Được biết, mới đây UBND xã Quan Lạn đã có văn bản đề nghị lên các cấp xin ý kiến cho Công ty TNHH Quan Minh sớm được triển khai dự án phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân.

Vân Đồn, Quảng Ninh:  Doanh nghiệp địa phương “kêu cứu”... - Ảnh 2
Khu vực có dự án nạo vét tuyến luồng đang phải tạm dừng chờ quy hoạch chung (Ảnh HN)

 

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Minh Đức- Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết việc tạm dừng chờ quy hoạch chung đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động đầu tư tại xã đảo, nhiều nhà đầu tư chững lại chờ quy hoạch chung được phê duyệt. Bên cạnh đó quy định mật độ xây dựng  giới hạn về chiều cao không quá 3 tầng trên xã đảo Quan Lạn cũng hạn chế rất nhiều nhà đầu tư đến với địa phương này. Nói về dự án nạo vét luồng lạch bị tạm dừng chờ quy hoạch, ông Đức cho biết, đại diện tổ chức đoàn thể xã đã họp với nhân dân của tất cả các thôn của xã Quan Lạn. Kết quả họp với nhân dân các thôn đều ủng hộ quan điểm mong các cấp cho phép Cty TNHH Quan Minh được tiếp tục thực hiện dự án tại vị trí đã được UBND tỉnh phê duyệt.

 “Nhưng dự án hiện hiện vẫn đang phải chậm lại vì chờ quy hoạch chung. Chúng tôi mong được tháo gỡ khó khăn này”- Chủ tịch UBND xã Quan Lạn nói.

Tiếp xúc với phóng viên, người dân, đại diện cho các doanh nghiệp tại các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu và các xã khác của huyện đảo Vân Đồn đều bày tỏ những khó khăn gặp phải trong việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh khi dự án phải tạm dừng. Có những dự án đã hoàn thành   đầu tư hạ tầng cũng phải tạm dừng để chờ quy hoạch chung. 

Ông Tạ Đức Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Vân Đồn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền cho biết: Chủ trương lớn là công việc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân Vân Đồn chỉ biết kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh linh hoạt trong việc triển khai đề án, có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chúng tôi hi vọng UBND tỉnh Quảng Ninh sớm có giải pháp hợp tình, hợp lý, vừa đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội và hoạt động của doanh nghiệp địa phương vừa tạo tiền đề để phát triển Vân Đồn phù hợp với quy hoạch chung của đặc khu kinh tế trong tương lai.

Hữu Nam

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục