Trảng Bom - Đồng Nai: "Tuyệt chiêu" của một “cò” phân lô bán nền

(KDPL) - Trong mấy năm gần đây, đất nông nghiệp xung quanh các khu công nghiệp ở Đồng Nai người ta đều thấy bóng dáng của “cò” đất phân lô bán nền. Đất nông nghiệp, lâm nghiệp được phân chia ra với đủ kích cỡ và được các "cò" rao bán như mớ tôm mớ cá... Nhưng để có được "mớ tôm mớ cá" để mang ra rêu rao, chiêu dụ người mua, trước đó các "cò" còn phải dùng đủ mọi chiêu trò để chủ đất chịu đưa ruộng vườn ra để bán.

Sau nhiều ngày thâm nhập với giới "cò" đất phân lô bán nền ở xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) và xã An Viễn (huyện Trảng Bom), chúng tôi mới có cơ hội tìm hiểu, phát hiện ra những mánh khóe của một "cò" khét tiếng ở TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom hiện nay.

Không như nhiều "cò" đất phân lô bán nền khác, "cò" đất… Hợp không sống chủ yếu bằng tiền phần trăm và tiền chênh lệch trong việc làm trung gian mua bán nhà đất mà còn có nhiều nguồn thu khác từ chiêu trò và những "dịch vụ kèm theo", "trọn gói"... mà vẫn không phải chịu bất kỳ rủi ro nào. Để minh chứng cho điều này, một cộng tác viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh cho biết, hành vi mua bán đất chưa chuyển mục đích sử dụng và xây dựng trái phép nếu đổ bể thì chỉ có người bán đất chịu trách nhiệm trước pháp luật, người mua thì chịu thiệt. Riêng "cò" thì dường như vô can dù trong giao dịch này họ gần như chủ động mọi thứ và số tiền bỏ túi cũng không phải ít so với chủ đất. Điển hình, mới đây TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Hồ Phi Hùng 5 năm tù giam vì vi phạm về quản lý đất đai - phân lô bán nền 7.000m2 đất nông nghiệp trái pháp luật cho 116 người với số tiền gần 13 tỉ đồng.

Trảng Bom - Đồng Nai: "Tuyệt chiêu" của một “cò” phân lô bán nền - Ảnh 1

Trảng Bom - Đồng Nai: "Tuyệt chiêu" của một “cò” phân lô bán nền - Ảnh 2

Chỉ cần trải một lớp mỏng bê tông hoặc nhựa đường dày hơn 10cm, ngoài khoản kê chênh lệch tiền đất, "cò" còn kiếm thêm trên dưới 100 triệu đồng/nền từ tiền đường. Và đây là số tiền mà người mua phải thanh toán đầu tiên cho "cò", không liên quan đến chủ đất. 

Trong vụ án phân lô bán nền trái phép này còn có nhiều cán bộ, lãnh đạo xã cũng dính án. Còn quyền lợi của những người mua đất sẽ phải khởi kiện dân sự bị cáo Hùng trong một vụ án khác để đòi lại tiền. Trong khi đó "cò" bán đất gần như không liên quan dù nhiều bị hại khai nhận mọi giao dịch mua đất trái phép này đều thông qua “cò”.

Vẫn bình an vô sự sau nhiều biến cố, "cò" Hợp đến nay vẫn với "tuyệt chiêu" tương tự mà vẫn sống khỏe. Có chăng là "đẳng cấp" hơn, hiện dưới trướng của Hợp còn có thêm không dưới 10 đệ tử chuyên đi săn tìm đất của người dân để kêu gọi hợp tác phân lô bán. Đối tượng mà nhóm này nhắm tới là các gia đình treo bảng bán đất sào mẫu gần các khu công nghiệp Tam Phước, An Phước, Giang Điền. Đầu tiên nhóm người này sẽ hỏi mua đứt bán đoạn với giá đất nông nghiệp, sau đó "cò" Hợp xuất hiện với mác là giám đốc một doanh nghiệp chuyên về bất động sản đến tiếp xúc chuyển từ mua sang hợp tác cùng có lợi. Vì nguồn thu từ bán đất sẽ tăng lên lại dễ có đầu ra nên nhiều người dân sẵn sàng liên kết với "cò" Hợp.

Sau khi nhận được hợp tác của chủ đất theo hướng đôi bên cùng có lợi, nếu chủ đất có điều kiện sẽ được "cò" Hợp tư vấn lập dự án phân lô bán nền theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai ban hành giữa năm 2016 để bán được giá cao khoảng từ 350 triệu đến 500 triệu/100m2 tùy vị trí. Ngược lại nếu chủ đất khó khăn, không đủ tiền đầu tư hạ tầng để lập dự án, "cò" Hợp cũng có cách để kiếm chát trong các phi vụ mua bán này. 

Cụ thể, với đất có diện tích nhỏ thì "cò" Hợp cắm cọc phân lô để bán cho người ít tiền, chủ yếu là gia đình công nhân với nhiều hứa hẹn. Thông thường với những lô đất này, khi nào người mua dựng lên được căn nhà cấp 4 là coi như "cò" Hợp hết trách nhiệm. Nói là vậy nhưng cũng không ít vụ "cơm không lành canh không ngọt" xảy ra, người mua ngậm "trái đắng" cũng chẳng làm được gì "cò" Hợp. Riêng với những diện tích lớn, nằm ở vị trí đẹp, "cò" Hợp bỏ ít tiền làm con đường bê tông rộng 6m, dày 10cm giữa các dãy lô đất, hoành tráng hơn thì dựng thêm vài trụ điện, không dây để kiếm thêm từ ăn chia tỉ lệ với chủ đất, chênh lệch giá. Với hình thức này, với giá gốc từ chủ đất "cò" Hợp có thể kê giá theo ý mình để có lợi nhuận cao nhất. 

Đơn cử, với một khu phân lô bán nền cập đường liên ấp 3 - 4 (xã An Viễn, huyện Trảng Bom), "cò" Hợp nhận giá từ chủ đất là 300 triệu đồng/ nền nhưng được rao bán với giá giao động từ 380 triệu đồng 420 triệu đồng/nền sau khi bỏ ra một ít chi phí trải một lớp mỏng bê tông nằm giữa các dãy lô đất để kết nối ra đường liên ấp. Ngoài ra, "cò" Hợp còn thu thêm tiền đường, thấp nhất là 80 triệu/nền. Mua đất từ tay "cò" Hợp, người mua có thể thanh toán thành nhiều đợt nhưng tiền đường phải thanh toán đầu tiên và đủ 100% như là tiền đặt cọc.

Theo nhiều "cò" đất tại khu vực xã An Viễn và xã Tam Phước, với chiêu thức này "cò" Hợp đã đủ siêu lợi nhuận. Đó cũng chính là lý do "cò" Hợp sẵn sàng đẩy giá chênh lệch lên cao hơn giá gốc rất nhiều nhằm tạo cơn sốt đất cục bộ. Với trò "ém hàng" này chỉ có chủ đất mới chịu thiệt vì chậm nhận được tiền bán đất, riêng "cò" Hợp có thêm cơ hội bán được giá cao, hưởng được tiền chênh lệch lớn. Vì với "cò" Hợp thường áp dụng chiêu thức đẩy giá lên từng ngày nếu người mua đắn đo chưa đưa ra được quyết định, thông thường cùng một lô đất nhưng nếu người mua hỏi nhiều lần sẽ thấy "cò" Hợp đẩy giá tăng từng ngày. Nếu hôm nay người mua hỏi, ngày hôm sau quay lại giá đất sẽ tăng thêm 100 ngàn đồng/m2, đẩy người mua rơi vào trạng thái nuối tiếc trước lô đất đang sốt và sinh lời nhanh...

Trong vấn nạn xây dựng trái phép trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng, có thể nói "cò" đất đang giữ vai trò rất lớn trong các giao dịch mua bán này. Dẫu biết rằng "cò" đất vẫn còn nhiều chiêu thức để làm tiền từ người bán lẫn người mua đất! Nhưng để hạn chế xuống mức thấp nhất tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh với "cò" phân lô bán nền đất nông nghiệp, ngăn ngừa vấn nạn xây dựng trái phép, bảo vệ tài sản cho người dân, giảm lãng phí cho xã hội.

Nhóm PVĐT  

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục