Nghề giáo và truyền thống “tôn sư trọng đạo”

(KDPL) - Ngay từ xa xưa, khi chưa có ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20/11, cha ông ta đã có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”. Đó cũng là một truyền thống tốt đẹp được gìn giữ qua bao đời. Dù có ở bất kỳ chế độ xã hội nào, nghề giáo vẫn luôn được tôn vinh “là nghề cao quý nhất”. Sự tôn vinh đó có thể được xem là chân lý...

Người thầy là hình mẫu chuẩn mực trong xã hội phong kiến

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Không phải tự nhiên mà câu ca dao này được lan truyền từ đời này sang đời khác. Cũng không phải tự nhiên cha ông ta thường nhắc nhở con cháu rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy);  “Không thầy đố mày làm nên”. Đến khi công thành danh toại người ta vẫn nhắc nhau: “Mười năm đèn sách luyện rèn, công danh gặp bước chớ quên người thầy.”

Trong xã hội phong kiến, vai trò của người thầy dạy học luôn được xã hội rất mực coi trọng, họ là những ông đồ, ông Nghè, được học chữ “thánh hiền” nên  những con người này luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm hạnh. Chính vì vậy,  những  ông đồ, ông nghè ở xã hội Phong kiến luôn được xã hội thời đó gửi gắm niềm tin, luôn coi họ là những hình mẫu, những chuẩn mực và là hình tượng để vươn tới. Họ chọn nghề dạy học để có điều kiện ươm mầm, đào tạo những người học trò của mình có tài có đức để giúp dân cứu nước, kiến tạo một xã hội công bằng, thịnh vượng.

Nghề giáo và truyền thống “tôn sư trọng đạo” - Ảnh 1
Ngày nay, nhà giáo được vinh danh là kĩ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí.”

Học để làm người, biết điều thiệt hơn, biết lời thị phi”. Thế nên, ở thời phong kiến, dù nhà nghèo đến đâu, gia đình nào cũng cố gắng để lo cho con học, bởi cha ông ta luôn coi trọng đạo làm người, luôn biết ơn trân trọng, tôn vinh những người truyền dạy đạo làm người đó. Cũng trong xã hội xưa, xét về thứ bậc trong xã hội “ Quân - Sư - Phụ”, người thầy chỉ đứng sau vua và được xác định là cao hơn người cha trong gia đình.

Người thầy trong xã hội phong kiến là người thầy là những người có kiến thức sâu rộng, có phẩm chất tốt, có lòng yêu nước nồng nàn, lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân và ai cũng đều có cái “Tâm” - thể hiện ở những hành động theo giá trị “chân - thiện - mỹ” và hướng về học trò của mình, hướng về cộng đồng, vì lợi ích dân tộc. Trong xã hội phong kiến, người thầy luôn là người có đạo đức tốt vì đạo đức của người thầy vừa là phương tiện và là phương pháp chính để giáo dục cho học trò của mình. Ngoài dạy kiến thức giáo dục cho học trò thì người thầy còn dạy cho học trò cách học, cách tự học, tìm tòi để phát hiện ra những cái mới, dạy chữ song song với việc dạy lễ nghĩa,  các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, cư xử đúng mực, đúng phép tắc, luân lý phong kiến. Người thầy luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo. Những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học có thể kể đến như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến,... được mãi lưu truyền cho hậu thế.

Thời kỳ Thực dân phong kiến: Dạy học là gián tiếp chống giặc ngoại xâm

Sau khi xâm lược nước ta làm thuộc địa, với chính sách cai trị, bình định, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách ngu dân. Mặc dù vậy, nghề giáo trong giai đoạn này vẫn xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Các thầy cô giáo luôn tận tụy với nghề, áp dụng những phương pháp sư phạm phương Tây vào công tác dạy học. Trước việc thực dân Pháp muốn học sinh Việt Nam phải quên mình và quên dân tộc, thì những người nhà giáo chân chính đã góp phần làm cho học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ, cái hay về nền văn chương Việt Nam, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc. 

Tấm gương sáng về học lực uyên bác, về phương pháp sư phạm xuất sắc và lòng nhân hậu đối với học sinh như Những thầy giáo như Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai... Bên cạnh đó cũng có nhiều thầy giáo như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... đã đứng lên đấu tranh và trở thành những tấm gương sáng của ý chí tự cường, tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm. Ở giai đoạn này chúng ta không thể không kể tới một nhà giáo đã trở thành một người chiến sỹ cách mạng, một người đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, người đã mang lại hòa bình ấm no cho dân tộc Việt Nam, người là Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Những người làm nghề giáo phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà, và “nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người thầy giáo được coi là chiến sĩ tiên phong trong phong trào diệt giặc dốt, có nhiệm vụ chống nạn mù chữ, “phấn đấu mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc”. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào bây giờ phải biết chữ hết để trả lời cho thế giới biết nước ta là một nước văn minh, ai cũng biết chữ”. Trong thời điểm đó, người thầy làm nhiệm vụ diệt giặc dốt, xoá nạn mù chữ là gián tiếp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chính quyền cách mạng, góp phần đưa công cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi.

 Nghề giáo đổi mới với nhiều nhiệm vụ mới ở xã hội hiện nay

Trong giai đoạn mới hiện nay, truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc được coi là một nền tảng để xây dựng nền giáo dục mới, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, giữ được bản sắc dân tộc vừa để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Ngành giáo dục luôn được nhà nước quan tâm đầu tư và vai trò của người thầy cùng các thầy cô giáo trong nhà trường luôn được đánh giá cao. Ở giai đoạn này vai trò của nghề dạy học là nghề trồng người để phục vụ lợi ích lâu dài. Vai trò của người thầy tuy có thay đổi ít nhiều từ người truyền đạt trí thức chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm đường đến với trí thức nhưng vai trò của người thầy đối với học trò cũng không hề suy giảm, trò vẫn kính trọng thầy và thầy vẫn luôn thương yêu trò như những đứa con thân yêu. 

Người giáo viên có trách nhiệm truyền đạt lại cho thế hệ trẻ hệ thống trí thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo lao động nghề nghiệp, truyền bá cho lớp trẻ các giá trị lý tưởng đạo đức chân chính, những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, đào tạo họ trở thành những người có ích cho đất nước. Không những vậy, những nhà giáo trong giai đoạn hiện nay còn truyền bá cho học sinh những thế giới trực quan khoa học, lý tưởng, niềm tin đúng đắn, khơi dậy bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất đạo đức tốt đẹp năng lượng sáng tạo cả một người công dân. Ngoài ra giáo viên phải giáo dục cho học sinh về tâm hồn, về đạo lý về công lý...thông qua việc “dạy chữ” để “dạy người”. Giáo viên phải giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách của mình.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo với vị trí, vai trò của mình là phải đi trước một bước. Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hiện nay, việc chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là sự đầu tư vừa cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Trước những đòi hỏi đó, vai trò của người thầy càng có ý nghĩa. Sứ mệnh, nhiệm vụ của những nhà giáo hơn lúc nào hết rất nặng nề và người thầy hơn ai hết hiểu rõ mình cần phải tạo dựng những phẩm chất và năng lực để tự khẳng định nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói riêng.

Điều này cho thấy, nghề giáo là nghề rất cao quý và luôn được xã hội kính trọng.  Xã hội dù có phát triển đến đâu thì vị trí, vai trò của người thầy giáo, cô giáo trong lòng mỗi con người vẫn được khẳng định với sự kính yêu và tôn trọng. Thầy, cô giáo là những người đã truyền đạt các kiến thức, những kinh nghiệm sống cho con người từ khi chập chững bước vào đời cho đến khi họ trưởng thành...

Với mỗi chúng ta, thời gian đi học là khoảng thời gian đẹp nhất, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đáng trân trọng. Trong ký ức đó, bạn bè, trường lớp và thầy cô là hình ảnh không bao giờ phai, và khi nhắc lại hẳn ai cũng bồi hồi. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu và ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý. Dù xã hội có nhiều biến đổi, phát triển hơn thì truyền thống tôn sự trọng, nhớ ơn thầy cô luôn có trong mỗi con người.

Trong những ngày này, mỗi học sinh chúng ta hãy trân trọng kính dâng lên các thầy cô những đóa hoa thành tích tươi thắm cùng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc các thầy cô luôn hoàn thành tốt công tác, mãi mãi thương yêu và dìu dắt học sinh trên bước đường trưởng thành.

Đỗ Tuấn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục