Cần sớm làm rõ nội dung tố cáo của người dân về công tác bồi thường GPMB ở huyện Gia Lâm (Hà Nội)

Thời gian gần đây, toà soạn báo Gia đình và Xã hội nhận được đơn thư của người dân phản ánh về một số hoạt động được cho là có sai phạm của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Cụ thể, nội dung đơn của người dân phản ánh, khi GPMB dự án đường Ngô Xuân Quảng và đường Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm, các hộ không được tái định cư cũng thành được tái định cư. Để hợp thức hoá việc này, theo người dân, diện tích đất thu hồi đã được điều chỉnh và một số giấy tờ liên quan được lập khống.

Người dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra lại danh sách các hộ được xét giao tái định cư tại dự án này để đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Nội dung đơn phản ánh còn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét và làm rõ tất cả các danh sách được xét giao tái định cư, đặc biệt là dự án tái định cư Ninh Hiệp vì cho rằng có nhiều trường hợp không đúng với quy định của Nhà nước.

Cũng theo người dân phản ánh, với dự án đường vào nhà văn hoá và đường vào khu đất đấu giá Trâu Quỳ, theo quy định của Nhà nước thì các hộ dân phải nộp tiền sử dụng đất mới được giao đất tái định cư.

Tuy nhiên, từ năm 2012, Ban bồi thường GPMB huyện Gia Lâm đã giao đất tái định cư cho một số hộ dân mà không mà không cần thu tiền sử dụng đất làm thất thoát ngân sách Nhà nước gần 20 tỉ đồng.

Cần sớm làm rõ nội dung tố cáo của người dân về công tác bồi thường GPMB ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) - Ảnh 1
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Gia Lâm - đơn vị liên quan đến các nội dung phản ánh của người dân

Một nội dung khác mà người dân huyện Gia Lâm cũng muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét liên quan đến việc GPMB dự án đường 5 mới và đường Hà Nội - Hưng Yên.

Không hiểu sao khi có chính sách thay đổi, người dân sẽ được nhận tiền gấp 5 lần chính sách cũ thì Ban bồi thường GPMB huyện Gia Lâm và chủ đầu tư lại trả tiền sớm cho người dân để dân không được hưởng chính sách mới. Vấn đề này, người dân cho biết đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền các cấp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Gần đây nhất, khi thực hiện GPMB Dự án khu đô thị Gia Lâm, người dân cho rằng một số hàng rào B40 đã được dựng lên để nhận đền bù tràn lan.

Một bộ lưới mắt cáo được di chuyển từ nhà này sang nhà khác để kê khai và nhận tiền đền bù một cách bất hợp lý. Bộ lưới mắt cáo này, theo người dân thì được đền bù 100% giá trị, trong khi một số dự án khác chỉ được đền bù 10%.

Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, PV báo Gia đình và Xã hội đã liên hệ với ông Hoàng Anh Tú - Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Tú cho biết UBND huyện cũng đã nắm bắt được các nội dung người dân tố cáo liên quan đến Ban bồi thường GPMB huyện Gia Lâm và cá nhân ông Dương Văn Tuấn - Trưởng ban.

Tại thời điểm làm việc với PV, ông Tú cho biết, dự kiến ngày 7/7 sẽ có đoàn công tác của Thành uỷ Hà Nội xuống làm việc với Huyện uỷ Gia Lâm về các nội dung này. "Sau khi có kết luận kiểm tra, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí" - ông Tú cho biết.

Ông Tú cho biết thêm, quan điểm của lãnh đạo huyện là sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm, không thể vì một cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cả một tập thể.

Cũng trao đổi với báo chí về nội dung đơn thư trên, ông Nguyễn Mậu Quang - Chánh văn phòng Huyện uỷ Gia Lâm - cho biết: "Vấn đề này Huyện uỷ đã giao cho Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ, hiện tại Uỷ ban kiểm tra họ cũng đang trong giai đoạn làm việc thôi".

Theo hướng dẫn của ông Quang, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Đinh Tất Thắng - Trưởng ban Kiểm tra Huyện uỷ Gia Lâm.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Thắng cho biết, về vấn đề này, chiều 11/7 Uỷ ban kiểm tra Huyện uỷ mới báo cáo với Thường trực Huyện uỷ. "Hiện tại chúng tôi đang làm nên chưa có gì để thông tin cho báo chí được" - ông Thắng khẳng định.

PV báo Gia đình và Xã hội cũng đã gặp trực tiếp ông Dương Văn Tuấn - Trưởng ban Ban bồi thường GPMB huyện Gia Lâm, người liên quan đến việc chỉ đạo, điều hành công tác đền bù, GPMB các dự án mà người dân phản ánh trong nội dung đơn thư - để trao đổi về các vấn đề trên, tuy nhiên ông Tuấn cho biết đang bận họp và sẽ trao đổi trong một buổi làm việc khác.

Đề nghị các cơ quan Đảng và chính quyền TP. Hà Nội, huyện Gia Lâm sớm kiểm tra, xác minh thông tin người dân phản ánh để ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự tại địa phương, xử lý nghiêm sai phạm nếu có hoặc trả lại sự trong sạch cho các cá nhân, tập thể liên quan.

Báo Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới độc giả.

Theo Nhóm PV/Báo Gia đình và Xã hội

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục