Bạn đọc bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với bác sỹ Vũ Trọng Tùng

(Kinhdoanhnet) - Tôi cũng là một bác sỹ trẻ mới ra trường. Đã 3 năm nay, tôi lần lượt làm việc ở một số bệnh viện theo chế độ không lương nên rất thông cảm với bác sỹ Vũ Trọng Tùng. Nhưng tôi khâm phục anh ở chỗ đã theo đuổi nghề nghiệp đến cùng, trong tình trạng khó khăn vẫn cố gắng học lên cao học để có bằng thạc sỹ y khoa.

Lời TS : Báo Kinh doanh &Pháp luật trên nhiều số vừa qua đã đăng tải vụ việc liên quan đế sự oan sai đối với bác sỹ Vũ Trọng Tùng đang làm công việc phát thuốc ở trạm y tế trường đại học Y khoa (Hà Nội). Ngay sau khi số đầu tiên ra mắt bạn đọc, rất nhiều người đã bất bình đối với cách giải quyết của lãnh đạo trường Đại học Y Hà Nội và bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ đối với bác sỹ Vũ Trọng Tùng - nạn nhân của một án kỷ luật không bình thường. Sau đây là một số ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn.

***

-“…Tôi cũng là một bác sỹ trẻ mới ra trường. Đã 3 năm nay, tôi lần lượt làm việc ở một số bệnh viện theo chế độ không lương nên rất thông cảm với bác sỹ Vũ Trọng Tùng. Nhưng tôi khâm phục anh ở chỗ đã theo đuổi nghề nghiệp đến cùng, trong tình trạng khó khăn vẫn cố gắng học lên cao học để có bằng thạc sỹ y khoa. Tôi là nữ nên chỉ cần có việc làm ổn định ở một bệnh viện Nhà nước và có lương để bảo đảm cuộc sống mà không nghĩ đến việc đạt được những bằng cấp cao hơn. Nhưng nam giới thì khác, rất nên có ý chí phấn đấu như anh Tùng. Lẽ ra, một bác sỹ như Tùng phải được trường Đại học Y Hà Nội, tạo điều kiện để phát huy hết lòng yêu nghề, phục vụ nhân dân. Nhưng thay vì điều đó, anh lại bị ngược đãi, vô hiệu hóa năng lực chỉ vì một lỗi không đâu. Sự trù úm của lãnh đạo trường này đã đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là trọng dụng người có năng lực, người trẻ trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Tùng có thể chưa phải người có tài đặc biệt, nhưng có chí tiến thủ và là một bác sỹ phẫu thuật trẻ, yêu nghề. Tôi nghĩ như vậy cũng là quý lắm. Nhà trường phải có trách nhiệm sử dụng nghề nghiệp của anh…” 

( Lương Bích Khuê – Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên).

-“…Tôi không thể hiểu sự thật vì lẽ gì mà lãnh đạo trường ĐH Y lại hành sử đối với bác sỹ Tùng như vậy? Nếu chỉ vì cuộc xích mích giữa anh và một nhân viên khác thì không thể dẫn tới việc anh bị cắt hợp đồng làm việc (thực chất là bị đuổi việc). Vì sự việc nhỏ nhặt, lại xảy ra vào giờ nghỉ trưa tức là ngoài giờ hành chính. Hơn nữa, Tùng và người kia cũng đã dàn hòa, trở lại bình thường, không hề có sự hiềm khích và có gì xảy ra sau đó. Vả lại, đuổi một người đang làm việc trong cơ quan Nhà nước không đơn giản mà phải tuân thủ luật Lao động đúng như TS Nguyễn Đình San đã viết trong bài “ Một kết cục không đáng có”. Cứ cho là “tội” của bác sỹ Tùng đáng bị kỷ luật thì phải thành lập hội đồng kỷ luật đúng thành phần theo quy định, trong đó phải có mặt người quản lý trực tiếp đương sự (ở đây là GSTS Quyết) và đương sự đọc bản tự kiểm điểm rồi tự nhận mức kỷ luật, sau đó đến thủ tục cả hội đồng ấn định hình thức kỷ luật, biểu quyết rồi quyết định theo theo đa số. Nhưng ở trường ĐH Y thì không như vậy. Cái gọi là “hội đồng kỷ luật” vừa thiếu lại vừa thừa và đã không có mặt GSTS Quyết – người chịu trách nhiệm về Tùng trong thời gian thử việc ở trường ĐH Y cũng như ở bệnh viện trường này…”

  ( Phạm Quý Thường - Chủ tịch công đoàn Công ty xây dựng số 3, Bộ GTVT)

-“…Em đang là sinh viên Y khoa, đọc những bài viết về số phận hẩm hiu của bác sỹ Vũ Trọng Tùng trên báo Kinh doanh & Pháp luật mà thấy ngao ngán và lo lắng cho số phận của mình. Chỉ hơn một năm nữa em sẽ tốt nghiệp ra trường, trở thành bác sỹ. Nếu em cũng bị đối xử như anh Tùng thì sao đây? Tại sao những người có chức trách ở trường ĐH Y( Hà Nội) phần đông đều có học vị cao, về tuổi tác ở bậc đàn anh hoặc cha, chú, về công việc đáng bậc thày của anh Tùng mà lại nỡ đẩy anh vào tình thế như vậy? Một bác sỹ phẫu thuật được đào tạo chính quy, đang phát huy tác dụng tốt mà phải làm công việc phát thuốc ở trạm y tế - công việc của một dược tá – thì quá phí phạm. Liệu tình trạng của anh Tùng sẽ bị kéo dài đến bao giờ ? Ở đâu cũng dùng người như vậy thì đất nước ta sẽ ra sao? Cứ bảo nguồn nhân lực nước ta vừa thừa lại vừa thiếu mà xử dụng cán bộ như vậy thì còn ai muốn học hành, phấn đấu nữa. Tôi thấy cấp trên, cụ thể là Bộ Y tế cần can thiệp việc này để không để phí một trường hợp rất đáng tiếc là bác sỹ Tùng.

 (Vũ Kim Thoa – Trường ĐH Y khoa Thái Bình)

-“…Tôi thấy lãnh đạo trường ĐH Y ở Hà Nội xử sự với bác sỹ trẻ Vũ Trọng Tùng như vậy là quá đáng. Mình có quyền trong tay, cả tuổi tác, học vị lẫn quyền lực đều là bề trên của anh này mà nỡ cắt hợp đồng lao động chỉ vì một việc nhỏ mọn, không đâu, không đáng gì, đẩy người ta vào thế bế tắc thì chẳng những vô lối mà còn táng tận lương tâm. Tại sao GSTS Hà Văn Quyết nhận xét rất tốt về cả về năng lực và phẩm chất như thế, vậy lẽ nào Vũ Trọng Tùng lại phải bị đầy ải đến mức vậy? Tại sao Tùng đã viết hàng chục lá đơn bày tỏ nguyện vọng xong vẫn không được những người lãnh đạo ở đây xem xét giải quyết?  Rõ ràng là ở đây có điều gì đó khuất tất…”

 (Đại úy công an Võ Bá Thi – huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang)

-“… Lỗi đánh nhau với người cùng cơ quan nhưng ngoài giờ làm việc, rồi sau đó đã dàn hòa tuy cũng đáng trách, không thể không kiểm điểm, có chăng chỉ đáng bị khiển trách, cùng lắm là phê bình chứ không thể bị đuổi việc. Một vụ kỷ luật bất bình thường như vậy mà không thấy Công đoàn, Đảng ủy ở trường ĐH Y can thiệp là sao? Không lẽ Đảng, rồi tổ chức Công đoàn ở đây bị vô hiệu? Tôi nghĩ Thanh tra Bộ Y tế rất cần căn cứ vào những bài báo đã đăng trên báo Kinh doanh & Pháp luật để vào cuộc làm rõ vì sao trường ĐH Y (Hà Nội) có biểu hiện trù úm người lao động, vi phạm luật Lao động, tổ chức Hội đồng kỷ luật không đúng luật?..

(Nguyễn Quốc Khánh – giảng viên trường Đại học Luật, TP. HCM)

-“…Tôi thấy thày Quyết cũng nên có tiếng nói phản ứng trước việc làm vô lối của lãnh đạo trường ĐH Y khi đã cố tình phớt lờ những lời nhận xét rất có trách nhiệm của thày về bác sỹ trẻ Vũ Trọng Tùng để vẫn không cho anh này tiếp tục làm việc. Họ đã chẳng những coi thường thày mà còn coi thường những nguyên tắc làm việc, coi thường Luật Lao động. Anh Tùng kiện nhà trưởng là cần thiết, nhưng cần thiết hơn phải là bằng mọi cách không thể để lãnh đạo trường này tiếp tục có những xử sự vô lối với người lao động như vậy. Vụ việc của bác sỹ Tùng tuy không lớn so với một số vụ khác báo Kinh doanh & Pháp luật đã đề cập nhưng đây lại là chuyện ngược đãi, xúc phạm đến trí thức và là sự trà đạp lên luật pháp của lãnh đạo một trường đại học( luật Lao động). Hành vi của họ có xứng đáng làm lãnh đạo không?”        

 (Lê Kim Chung – nhà giáo về hưu ở Huyện Châu Thàn, tỉnh Bến Tre)

-“… Không dễ có được một bác sỹ giải phẫu yêu nghề nên việc bác sỹ Vũ Trọng Tùng bị vô hiệu ở trường ĐH Y (Hà Nội) là rất đáng tiếc. Tôi nghĩ cả hai bên nên ngồi lại, cùng giải tỏa những mặc cảm, định kiến, tự ái để cùng tìm cách tháo gỡ vấn đề. Và cấp trên cũng nên khẩn trương can thiệp để không để phí một bác sỹ trẻ có năng lực. Vụ việc đâu đến nỗi phải đối đầu, “không đội trời chung” để đi quá xa. Lãnh đạo cần tuân thủ đúng luật, xử sự với cấp dưới đàng hoàng, độ lượng. Anh Tùng cũng không nên cố chấp mà chủ động bình thường hóa quan hệ để trở lại làm việc. Tôi tin mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp vì mọi người trong cuộc đều là trí thức cả…”./.

(Một bạn đọc ở TP, HCM)

Mai Hoa ghi

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục