Bài 2 - Vụ công ty Hưng Việt bị “tố” thu giữ tài sản trái phép của khách hàng: Chủ đầu tư trở thành "người phán xử"?

(Kinhdoanhnet) - Sau khi báo Kinh doanh và pháp luật đăng tải bài “Dự án Golden Land: Chủ đầu tư công ty Hưng Việt bị tố thu giữ tài sản trái phép của khách hàng?”, đại diện công ty Hưng Việt đã có buổi làm việc với đại diện báo để làm rõ những nội dung phản ánh trong bài viết này. Tuy nhiên, kết thúc buổi làm việc, các vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Theo thông tin đã đưa trước đó, ngày 20/01/2016, một công ty Y đã ký kết Hợp đồng mua bán số N01B-101B/2014/HĐMB của Dự án Golden Land - 275 Nguyễn Trãi và nhận bàn giao gian hàng số 101, tầng 1 tòa nhà N01B của dự án này với chủ đầu tư (CĐT) là Công ty Cổ phần Thương Mại Hưng Việt. Do có nhu cầu thi công sửa chữa gian hàng cho phù hợp với mục đích kinh doanh, công ty này đã có hồ sơ gửi đến BQL Tòa nhà Golden Land và Công ty Hưng Việt để xin chấp thuận thi công từ ngày 19/12/2016 đến 2/2/2017.

Bài 2 - Vụ công ty Hưng Việt bị “tố” thu giữ tài sản trái phép của khách hàng: Chủ đầu tư trở thành "người phán xử"? - Ảnh 1
Gian hàng 101B, tòa nhà N01 Golden Land (275 Nguyễn Trãi- phường Thanh Xuân Trung- quận Thanh Xuân- Tp.Hà Nội) đã có chủ nhưng chưa thể đưa vào sử dụng (Ảnh: Hà Ninh)

Theo đó, ngày 17/12/2016 BQL Tòa nhà Golden Land đã có văn bản xác nhận gian hàng đã nộp đủ hồ sơ đồng thời chấp thuận cho công ty này tiến hành thi công sửa chữa gian hàng thuộc sở hữu tài sản của mình. Thế nhưng, khi công ty Y đang tiến hành thi công thì phía CĐT đã tổ chức cho người lạ mặt lao vào gian hàng thuộc phạm vi công ty Y nhằm cản trở thi công, thu giữ toàn bộ vật liệu xây dựng. 

Chưa dừng lại ở đó, ngày 15/5/2017 Công ty CP Thương Mại Hưng Việt đã gửi đến công ty Y một văn bản xử phạt hành chính trong đó yêu cầu bồi thường 53.237.000 VNĐ, sự việc này đã đẩy sự việc lên "đỉnh điểm" và tạo bức xúc của dư luận xã hội.

Ngăn cấm khách hàng sử dụng phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của chính mình?

Ngày 6/6/2017 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thảo- Trưởng phòng Marketing của Công ty CP Thương Mại Hưng Việt đã có buổi làm việc với đại diện báo KD&PL về những vấn đề xung quanh việc công ty Hưng Việt bị tố thu giữ tài sản trái phép của khách hàng.

Trong buổi làm việc, trả lời về việc Ban quản lý tòa nhà Golden Land có văn bản chấp thuận cho công ty Y thi công sửa chữa gian hàng thuộc sở hữu của mình nhưng khi đang tiến hành lại CĐT là công ty Hưng Việt thu giữ tài sản, thậm chí ra văn bản xử phạt hành chính lên tới 53.237.000 VNĐ, bà Thảo cho biết: “Gian hàng của bên công ty khách hàng đã đập vỡ tất cả các mặt kính bao ngoài, mặt kính này là mặt kính thay cho vách tường mà phía chủ đầu tư thay thế để tiện cho các gian hàng trong quá trình kinh doanh. Sau khi đập vỡ kính, công ty này đã đưa vật liệu vào và tự ý nối sàn, làm thay đổi kết cấu của gian hàng và tòa nhà, làm sai quy định trong hợp đồng mua- bán”.

“Ban quản lý tòa nhà và công ty Hưng Việt đã làm việc với công ty này về việc công ty đã  đập vỡ kính và nối sàn. Ngay sau đó, phía công ty Hưng Việt đã có công văn yêu cầu công ty khách hàng phải sửa chữa lại và di rời toàn bộ vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong 4 ngày quy định, công ty này không có động thái hợp tác. Sau đó, bên công ty Hưng Việt mới phải thuê nhân công vào để dựng lại vách kính và di rời vật liệu xây dựng”.

Trong khi CĐT khẳng định phần vách kính phía mặt ngoài không thuộc sở hữu của khách hàng, không được phép được làm sai lệch hoặc phá vỡ thì trong phần Phụ lục 1- Danh mục vật liệu bên trong- sơ đồ bản vẽ của gian hàng (văn bản kèm theo và không thể tách rời của HĐ mua bán Gian hàng TTTM số N01B-101B/2014/HĐMB ngày 6/4/2014) có dấu đỏ và chữ ký của lãnh đạo hai bên lại chỉ rõ: “ Gian hàng sẽ được bàn giao cho bên Mua với trần bê tông thô, sàn bê tông thô, cột sơn lót màu trắng, điểm đấu nối nguồn điện có công tơ mét, đầu nối tới cáp điện thoại và Internet/ADSL được đặt tại hộp kĩ thuật trên mỗi tầng, nước tại đầu chờ, hoàn thiện vách kính ngăn tiếp giáp mặt thoáng ngoài trời, tuy nhiên không bao gồm thảm sàn, tường ngăn trong khu vực thuê hay dây điện, điện thoại, viễn thông trong khu vực thuê”.

Bài 2 - Vụ công ty Hưng Việt bị “tố” thu giữ tài sản trái phép của khách hàng: Chủ đầu tư trở thành "người phán xử"? - Ảnh 2
Phụ lục 1- Danh mục vật liệu bên trong- sơ đồ bản vẽ của gian hàng (văn bản kèm theo và không thể tách rời của HĐ mua bán Gian hàng TTTM số N01B-101B/2014/HĐMB ngày 6/4/2014) (Ảnh: Hà Ninh)

 

Theo phụ lục này, đã được ông Đỗ Hữu Hậu - Tổng giám đốc CPTM Hưng Việt ký duyệt bàn giao cho khách hàng đã nêu rõ hạng mục: "Hoàn thiện vách kính ngăn tiếp giáp mặt thoáng ngoài trời" nằm trong danh mục bàn giao cho khách hàng, hay nói cách khác khách hàng có quyền sở hữu tài sản trên hạng mục được bàn giao này, do đó việc công ty Y tiến hành sửa chữa, hoàn thiện phần vách kính này hoàn toàn không vi phạm điều khoản mà 2 bên đã kí kết.

Văn bản đã khá rõ ràng, vậy cơ sở nào để Công ty CPTM Hưng Việt " xử ép" khách hàng chịu phạt trên phần tài sản của chính khách hàng? - Bà Thảo cho biết xin nợ câu trả lời này.

CĐT trở thành “Người phán xử”, “tự” cho mình quyền thu giữ tài sản công dân?

Ngay sau khi cho người đến cản trở, thu giữ vật liệu xây dựng của công ty Y, CĐT tiếp tục ra văn bản xử phạt hành chính phạt hành chính lên tới vài chục triệu đồng. Giải thích về việc này, đại diện công ty Hưng Việt cho biết: “Phí phạt được tính dựa trên phí sửa chữa lại vách kính gian hàng và di rời vật liệu xây dựng khi chưa được sự đồng ý của chủ đầu tư chứ không phải phạt trên đúng nghĩa là phạt. Phía công ty Hưng Việt không ép khách hàng bồi thường mà đây là chi phí cho việc tự ý sửa chữa mở rộng gian hàng và di rời vật liệu xây dựng. Việc gian hàng 101B phải bồi thường toàn toàn bộ thiệt hại đã gây ra là đúng quy định”.

Trong văn bản mà Công ty Hưng Việt gửi công ty khách hàng ngày 23/1/2017 có dấu đỏ và chữ ký của bà Phạm Thị Thu Huyền- Phó Tổng giám đốc công ty có đoạn: “Ngày 21/1/2017, Công ty CP Thương Mại Hưng Việt đã tiến hành thuê đơn vị nhà thầu lắp đặt cửa kính và vận chuyển vật liệu ra ngoài Dự án”.


Bài 2 - Vụ công ty Hưng Việt bị “tố” thu giữ tài sản trái phép của khách hàng: Chủ đầu tư trở thành "người phán xử"? - Ảnh 3
Văn bản khẳng định Công ty CP TM Hưng Việt đã tự ý thuê người vận chuyển vật liệu ra khỏi gian hàng thuộc sở hữu của khách hàng (Ảnh: Hà Ninh)

Trong buổi làm việc với báo Kinh doanh và pháp luật, bà Nguyễn Thị Thảo- đại diện Công ty CP Thương Mại Hưng Việt cũng đã thừa nhận việc công ty này “thuê nhân công vào để dựng lại vách kính và di rời vật liệu xây dựng” tại gian hàng 101 B, tòa nhà N01 Golden Land thuộc sở hữu của công ty Y.

Như vậy, việc Công ty Hưng Việt tổ chức người tự ý xông vào gian hàng thuộc sở hữu của khách hàng giữa thanh thiên bạch nhật, đồng thời thu giữ toàn bộ vật liệu phục vụ việc sửa chữa, cải tạo gian hàng của khách hàng đã diễn ra trên thực tế. Phía công ty cũng không ngại ngần thừa nhận việc này và cho rằng việc thu giữ tài sản công dân một cách “tự ý” đúng với quy định luật pháp?

Việc làm này của Công ty CP Thương Mại Hưng Việt không chỉ gây bức xúc cho công ty Y mà còn khiến dư luận xã hội “dậy sóng” trong những ngày gần đây. Ngang nhiên vào nhà công dân lấy đồ rồi mạnh miệng tuyên bố việc lấy đồ này là đương nhiên, tất yếu và đúng quy định. Rõ ràng trong câu chuyện lạ kỳ này, CĐT đã tự cho mình quyền trở thành “Người phán xử” từ khi nào?! Chủ đầu tư tự ý định đoạt việc xử phạt, thu giữ tài sản hợp pháp và chính đáng của khách hàng. Nếu trong hoạt động kinh doanh, mọi tranh chấp xảy ra giữa CĐT và khách hàng đều giải quyết theo sự định đoạt của các bên mà không cần đến vai trò của luật pháp và các cơ quan chức năng thì xã hội này sẽ đi về đâu?!

Báo Kinh doanh và pháp luật xin chuyển nội dung này đến các cơ quan điều tra, làm rõ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng và đặc biệt đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng, thượng tôn của pháp luật.

Báo KD&PL sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả về nội dung vụ việc

Điều 124: Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của công dân như sau: 

1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây hậu quả nghiêm trọng. 

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 141: Tội chiếm giữ trái phép tài sản Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.


 Hà Ninh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục