Tiên Lãng - Hải Phòng: Chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá?

(Kinhdoanhnet) - Việc cái ao trước cổng chợ Cựu Đôi, xã Minh Đức cũ (nay là khu đất hồ Hương Sen thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng) mà trong suốt 20 năm qua, các con cụ Phạm Ngọc Oánh làm đơn đề nghị lên UBND huyện Tiên Lãng và các cơ quan chức năng với mong muốn được giải quyết dứt điểm về quyền lợi của họ được thừa kế và sử dụng diện tích đất ao mà bố mẹ họ để lại. UBND huyện Tiên Lãng đã giải quyết sự việc trên với gia đình ông Hân hồi tháng 9/2015, nhưng gia đình ông Hân vẫn chưa tâm phục, khẩu phục với cách giải quyết của UBND huyện Tiên Lãng mà ngày 22/3/2016, UBND TP. Hải Phòng đã ra Quyết định số 462 về việc phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích đất ở tại khu vực hồ Hương Sen, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng khiến gia đình các con cháu cụ Oánh lại gửi đơn thư kêu cứu khăp nơi.

Tiên Lãng - Hải Phòng: Chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá? - Ảnh 1
Các con cụ Phạm Ngọc Oánh làm đơn đề nghị lên UBND huyện Tiên Lãng và các cơ quan chức năng với mong muốn được giải quyết dứt điểm về quyền lợi của họ được thừa kế và sử dụng diện tích đất ao mà bố mẹ họ để lại

Gần 20 năm “đi tìm công lý” nhưng vẫn không được giải quyết, trong quá trình tranh chấp và đang chờ đợi giải quyết nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ các cấp lãnh đạo huyện, thì ngày 31/12/2014, UBND huyện Tiên Lãng đã ra Quyết định số 3344/QĐ - UBND về việc “Thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở tại khu hồ Hương Sen, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng”. Và cho các đơn vị đến thi công ngày đêm, phá dỡ khu nhà nổi Hương Sen và san lấp ao, xây dựng móng bao quanh khu vực ao của gia đình cụ Phạm Ngọc Oánh khiến gia đình các con cháu cụ bức xúc và đỉnh điểm sự bức xúc đó là chiều ngày 20/1/2015, họ đã mua tre nứa rào lại khu đất ao. Tuy nhiên, khi bắt đầu tiến hành thì bị các lực lượng chức năng của địa phương đến cản giữ và thu hồi toàn bộ số cọc tre. Vừa thu giữ số cọc tre của gia đình cụ Oánh, huyện đã bố trí cho người đến đóng lại cọc sắt và rào lưới thép B40 quanh khu đất ao. Sự việc đã gây rúng động trong nhân dân tại địa bàn thị trấn Tiên Lãng nói riêng và dư luận nói chung. Ngay sau khi xảy ra sự việc một ngày, 17h00 ngày 21/1/2015 UBND huyện Tiên Lãng đã có thông báo và tổ chức cuộc gặp gỡ với một số cơ quan báo chí có mặt tại địa phương, trong đó có báo Kinh doanh & Pháp luật với mục đích để UBND Huyện giải thích và cùng các cơ quan báo chí tìm ra hướng giải quyết cho sự việc đang diễn ra tại địa phương. Trong buổi gặp gỡ này, UBND huyện Tiên Lãng đã cung cấp cho các cơ quan báo đài một số tài liệu về việc giải quyết tranh chấp đất đai trên vị trí hồ Hương Sen, trong đó có Công văn 252/CV-UB  về việc trả lời đơn kiến nghị của ông Phạm Ngọc Hân (con trai cụ Phạm Ngọc Oánh), Thông tin về quá trình sử dụng khu đất hồ Hương Sen và giải quyết đơn của ông Phạm Ngọc Hân, cùng một số bản đồ được cho là vẽ từ năm 1973, chỉnh lý năm 1986, bản đồ năm 1995 và một “biên bản” không rõ chữ!? Đáng nói, trong quá trình giải đáp với báo chí, đại diện UBND huyện vẫn chưa làm rõ được nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có định nghĩa về chữ “C” trong tờ Bản đồ giải thửa năm 1973, chỉnh lý năm 1986, có ghi: Thửa đất số 699/4.120m2, loại đất C. Theo giải thích của cán bộ địa chính huyện và ông Phạm Văn Thía - Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Lãng, thì chữ “C” ở đây là đất công cộng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không có căn cứ cũng như định nghĩa nào chính xác về chữ “C” được viết trên bản đồ thời bấy giờ!? Về chủ sở hữu và quyền sở hữu thửa đất thời gian trước năm 1973, huyện không đưa ra được lời giải thích mà chỉ đổ lỗi quanh co cho bối cảnh lịch sử không được ghi chép rõ ràng!? Cho đến thời điểm năm 1982, huyện Tiên Lãng có Quyết định số 445/QĐ-UB ngày 11/8/1982, bàn giao cho Hợp tác xã mua bán Tiên Lãng, Hải Phòng 1.500m2 tại vị trí ao hồ ngõ chợ Đôi, thuộc khu đất Hợp tác xã Minh Đức (không xác định được vị trí cụ thể) để sử dụng vào việc xây dựng cơ sở vật chất của Hợp tác xã, và sau đó, Hợp tác xã mua bán (sau đó là Công ty mua bán huyện) đã xây dựng nhà nổi trên vị trí ao của gia đình cụ Phạm Ngọc Oánh, các vấn đề về bàn giao việc sử dụng đất ao để xây nhà nổi Hương Sen tại vị trí trên theo như giải thích của ông Vũ Đức Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thì đều bằng miệng và không có văn bản giấy tờ cụ thể!?

Tiên Lãng - Hải Phòng: Chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá? - Ảnh 2


Tiên Lãng - Hải Phòng: Chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá? - Ảnh 3
Khu đất hồ Hương Sen thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng 

Ngày 20/03/2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1909/VPCP-V.1 gửi UBND TP. Hải Phòng với nội dung yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố kiểm tra, làm rõ, nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng diện tích đất ao và có quyết định giải quyết khiếu nại cho gia đình ông Phạm Ngọc Hân theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2015 và Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại đã có văn bản giao cho Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thực hiện nội dung trên. Tuy nhiên trong thời gian này, gia đình ông Hân đã có đơn khiếu nại Quyết định số 3344/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên lãng ra ngày 31/12/2014 về việc thu hồi đất vào mục đích làm nhà ở tại khu hồ Hương Sen, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng. Trên tinh thần công tâm giải quyết sự việc “cái ao nhà cụ Oánh” và giải quyết đơn khiến nại của gia đình ông Hân, UBND huyện Tiên Lãng đã Quyết định thành lập Tổ công tác do ông Phạm Văn Học - Chánh thanh tra huyện làm Tổ trưởng và Tổ công tác đã mời gia đình ông Hân lên làm việc 3 lần, lần cuối là buổi đối thoại chiều ngày 4/8/2015. Theo Biên bản đối thoại thì buổi đối thoại do ông Trần Đình Vịnh trủ trì và ông Phạm Văn Học đã đọc toàn văn Dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại và ý kiến của ông Phạm Ngọc Bích - cháu nội cụ Oánh là: Đề nghị UBND huyện làm rõ nguồn gốc đất khu vực hồ Hương Sen trước năm 1973, nêu rõ lý do trong báo cáo nêu từ năm 1973 ao trở thành đất công. Do thực tế gia đình không bỏ hoang mà vẫn sử dụng diện tích ao này; Trong báo cáo nêu “Ao trở thành đoạn kênh thủy lợi” không có nghĩa là không còn thuộc quyền sử dụng của gia đình…; Các giấy tờ xác nhận của các cá nhân tại thời điểm năm 1995 và tháng 7 năm 2015 mà gia đình cung cấp cho Đoàn xác minh có giá trị pháp lý. Các giấy tờ đó đều được xác nhận là của những người công tác trong bộ máy cơ quan Nhà nước giai đoạn trước đó và đề nghị UBND huyện cung cấp cho gia đình toàn bộ tài liệu về phía huyện có để làm căn cứ tổng hợp nêu trong Dự thảo báo cáo; Ý kiến của ông Phạm Ngọc Hân là: Đầu năm 1956… do bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ nên gia đình ông phải tiêu hủy toàn bộ giấy tờ liên quan đến đất đai của gia đình (kể cả đất thổ cư cũng như đất ao). Giai đoạn năm 1957 -1958 gia đình ông có cho ông Nguyễn Vũ Hưng thuê bán tre nứa. Từ năm 1959 đến năm 1964 gia đình ông không cho ai thuê nhưng cũng không có nghĩa là bỏ hoang, gia đình vẫn thả cá, trong Dự thảo nêu giai đoạn này ao bỏ hoang là không đúng. Đề nghị UBND huyện giai đoạn này ao bỏ hoang như trong Dự thảo báo cáo. Từ năm 1965 đến năm 1981 gia đình ông thỏa thuận cho ông Đoàn Văn Quyết thuê, không có văn bản. Ông cũng đề nghị UBND huyện phải có giấy tờ chứng minh thời điểm 1973 đất ao của gia đình ông trở thành đất công. Đoàn xác minh gồm ông Phạm Văn Học, ông Vũ Văn Dũng, ông Phạm Văn Thía, ông Vũ Văn Hè phát biểu làm rõ ý kiến của ông Phạm Ngọc Hân. Ông Phạm Ngọc Bích trên cơ sở quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ và chứng cứ thu được trong quá trình làm việc. Kết quả đối thoại là Chủ tịch UBND huyện kết luận: là đề nghị Đoàn xác minh cung cấp các tài liệu theo quy định của pháp luật  theo yêu cầu của gia đình ông Hân và ông Bích. Tại buổi đối thoại này, người khiếu nại không có tài liệu mới chứng minh về quyền sử dụng diện tích đất ao tại khu vực hồ Hương Sen… Căn cứ vào các quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ và nội dung khiếu nại của gia đình ông Hân yêu cầu UBND huyện hủy Quyết định 3344 ra ngày 31/12/2014 và xác nhận quyền sử dụng đất ao trên cho gia đình ông là không có căn cứ. Ngày 10/8/2015, UBND huyên Tiên Lãng đã ra Quyết định số 2058/QĐUB về việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Ngọc Hân, ông Phạm Ngọc Bích. Nội dung quyết định là vẫn giữ nguyên Quyết định 3344/QĐ -UBND ra ngày 31/12/2014 của UBND huyện Tiên lãng về việc thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở tại khu vực hồ Hương Sen thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại trên của UBND huyện Tiên Lãng, các con cháu cụ Oánh lại gửi đơn thư lên các cơ quan chức năng bởi họ cho rằng những yêu cầu chứng minh ao nhà họ trở thành đất công trong buổi đối thoại, UBND huyện chứng minh không mang tính thuyết phục, hơn nữa giấy tờ xác nhận của các lãnh đạo cũ của UBND huyện Tiên Lãng không được Đoàn xác minh huyện coi là chứng từ pháp lý. Như vậy Đoàn xác minh của UBND huyện Tiên Lãng thành lập để kiểm tra, làm rõ, nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng diện tích đất ao, nhưng Đoàn lại không căn cứ vào những xác nhận của những người đã biết về nguồn gốc đất ao đó???

Tiên Lãng - Hải Phòng: Chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá? - Ảnh 4

Đơn đăng kí tham gia đấu giá Khu đất hồ Hương Sen thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng

Tiên Lãng - Hải Phòng: Chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá? - Ảnh 5
Quyết định về việc duyệt phương án đấu giá khu đất của UBND Huyện Tiên Lãng

Tại Quyết định số 2058/QĐUB ghi rõ: “Qua xác minh một số người sống trên địa bàn thị trấn Tiên Lãng cho biết trước cải cách ruộng đất gia đình cụ Phạm Ngọc Oánh (bố ông Phạm Ngọc Hân) có một ao tại cổng chợ Đôi, phía Bắc đường 354 khu vực hồ Hương Sen bây giờ (rộng khoảng 03 - 04 sào). Khoảng năm 1954-1956 thực hiện cải cách ruộng đất, gia đình cụ Oánh không nhận ao ở khu vực này, ao bỏ hoang. Việc bỏ hoang này diễn ra từ năm 1954-1960… đến đầu những năm 1980, cũng không thấy việc gia đình con cháu cụ Oánh thả cá, sử dụng ao này”. Thêm nữa, tại Kết luận, UBND huyện Tiên Lãng đưa ra Điều 18, Luật cải cách ruộng đất năm 1953: “Ruộng đất không phải là của địa chủ mà bỏ hoang quá hai năm không có lý do chính đáng thì trưng thu”. Gia đình ông Hân khẳng định kết luận trên của UBND huyện Tiên Lãng không chính xác bởi lẽ: Thứ nhất, gia đình ông không hề bỏ hoang diện tích ao, hàng năm gia đình vẫn tiến hành thu hoạch cá, tại Giấy xác nhận ngày 5/7/2015, ông Nguyễn Đình Đôi có ghi: “Ruộng đất gia đình cụ Oánh là thành phần trung nông Nhà nước không thu hồi lại để chia cho nông dân, gia đình cụ vẫn sư dụng để thả cá”. Thứ hai, ông Hưng có thuê địa điểm kinh doanh tre nứa tại khu vực trên và ông Hưng đã có giấy xác nhận việc này vào năm 1995. Thứ ba, tại Giấy xác nhận của ông Nguyễn Đình Me, 71 tuổi là thương binh sinh sống tại Cựu Đôi, Minh Đức, Tiên Lãng, Hải Phòng (nay là khu 2 Thị trấn Tiên Lãng) đã ghi cụ thể: “Khi vào HTX nông nghiệp năm 1960 gia đình cụ đóng góp ruộng đất vào HTX nông nghiệp nhưng cái Chuôm gia đình vẫn quản lý, sử dụng, cụ Oánh đã cho HTX mua bán huyện thuê để bán tre nứa gỗ”. Do vậy, gia đình khẳng định diện tích đất ao trên của cụ Oánh chưa bao giờ bỏ hoang ,vẫn tiến hành các hoạt động như cho thuê, thu hoạch cá hàng năm. Việc UBND huyện Tiên Lãng xác minh như vậy là không chính xác, không căn cứ vào thực tế và xác nhận của những nhân chứng sống tại thời điểm đó. Còn về vấn đề kê khai quyền sử dụng đất, UBND huyện Tiên Lãng dựa trên Quyết định số 201/CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và công tác quản lý ruộng đất cả nước và Điều 33, Luật Đất đai năm 1993: “Người đang sử dụng đất tại xã phường thị trấn nào thì phải đăng ký tại xã, phường, thị trấn đó” để làm căn cứ bác bỏ quyền sử dụng đất của gia đình ông rõ ràng là không hợp lý, không dựa trên thực tế. Vì thời điểm đó, chính quyền huyện Tiên Lãng đã mượn ao và tiến hành xây dựng trên mặt ao khu nhà nổi, chính quyền chỉ mượn bằng lời nói, gia đình ông tin tưởng đồng ý và muốn tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển. Xác nhận của ông Đỗ Đình Trình - Chủ tịch UBND huyện ngày 23/3/1995 cũng đã ghi rõ: “Diện tích ao trên chưa có quyết định công hữu và bồi thường cho chủ sở hữu là cụ Phạm Ngọc Oánh”.

Tiên Lãng - Hải Phòng: Chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá? - Ảnh 6
Việc chia lô bán đấu giá khu đất hồ Hương Sen có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá?

Tại kết luận trong Quyết định số 2058/QĐ-UBND, UBND huyện có nêu rõ những giấy xác nhận mà ông Hân, ông Bích cung cấp không phải là một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Nhưng sở dĩ, gia đình ông không cung cấp được giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng đất của gia đình, bởi thời điểm lịch sử lúc đấy, chiến tranh loạn lạc, chế độ chính trị thay đổi, gia đình ông là gia đình cách mạng, nhận được thông báo phải hủy hết tất cả các loại giấy tờ của chế độ cũ, do vậy, gia đình lúc đó đã không giữ lại bất cứ một loại giấy tờ nào.

Trong Quyết định số 2058/QĐUB giải quyết khiếu nại có nội dung ghi rõ: “Qua xác minh một số người sống trên địa bàn thị trấn Tiên Lãng cho biết trước cải cách ruộng đất gia đình cụ Phạm Ngọc Oánh (bố ông Phạm Ngọc Hân) có một ao tại cổng chợ Đôi, phía Bắc đường 354 khu vực hồ Hương Sen bây giờ (rộng khoảng 03 - 04 sào)”. Vậy là kết quả xác minh của Tổ công tác do UBND huyện Tiên Lãng thành lập đã có chi tiết xác định thừa nhận nguồn gốc cái ao trước cổng chợ Cựu Đôi là của gia đình cụ Phạm Ngọc Oánh rồi mà sao UBND huyện Tiên Lãng vẫn không xem xét giải quyết trả lại cho gia đình các con cháu cụ Oánh mà lại chia ra làm 25 lô để bán đấu giá quyền sử dụng đất ở. Thấy sự việc UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 326/QĐ - UBND là bất hợp lý, gia đình các con cháu cụ Oánh lại bức xúc gửi đơn kêu cứu khẩn cấp khắp nơi. Thiết nghĩ: Khu hồ Hương Sen đang được bán hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất nhưng cũng cần phải giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý về những khiếu nại của con cháu cụ Oánh chứ cứ để tình trạng đơn thư vượt cấp, tranh chấp kéo dài thì e rằng phiên đấu giá tới đây sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia đấu giá tại khu đất này.

Nhật Thăng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục