Ly kỳ chuyện cổ phần hóa ACV (Tiếp theo & hết) Kỳ 2: Kế hoạch hoàn hảo

(Kinhdoanhnet) - Đó là kế hoạch thâu tóm các dịch vụ hàng không tại Sân bay Nội Bài và một số sân bay khác đang thuộc quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Những “người lạ” mới là… ông chủ thật sự

Trở lại câu chuyện về Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS). Doanh nghiệp (DN) này hiện đang cung cấp và nắm khoảng 30% thị phần dịch vụ mặt đất tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài, với khoảng 350 – 400 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Số doanh thu này không phản ánh nhiều về tiềm lực thật sự của HGS, vì DN này nắm trong tay các hợp đồng cung cấp dịch vụ với các hãng hàng không hàng đầu thế giới như: Emirates, Turkish Airlines, Malindo Airlines, Hainam Airlines… Thông tin cần lưu ý nữa, là trước đó, ACV đã đề nghị được bán số cổ phần (CP) nắm giữ tại HGS cho Công ty CP Mặt đất Sài Gòn, một DN đang do ACV nắm 48% vốn điều lệ theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. 

Về các cổ đông (CĐ) sáng lập của HGS, đầu tiên là Công ty CP Cung cấp thiết bị và dịch vụ bảo dưỡng hàng không là CĐ lớn nhất, nắm 30% vốn điều lệ HGS. DN này do Công ty TNHH Danh Minh và ông Nguyễn Tuấn Anh nắm 80% vốn điều lệ. Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của HGS. Nói cách khác, Chủ tịch HĐQT của HGS chính là người sẽ được mua CP của HGS với số lượng lớn nhất, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

CĐ thứ 2 tại HGS là Công ty TNHH TM và DV ATS Việt Nam, DN thành lập vào tháng 3-2011, đã thay đổi đăng ký kinh doanh 5 lần, với sự xuất hiện của các CĐ chính với hai cái tên đáng chú ý. Bao gồm: ông Vũ Thanh Sơn và ông Bùi Huy Đức. Hai cá nhân này, sau đó, sẽ xuất hiện thêm trong một số DN CP có quan hệ chặt chẽ với ACV. 

CĐ thứ 3 tại HGS là Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ hàng không Thủ Đô, là DN có liên quan CĐ tới Xí nghiệp Xăng dầu hàng không miền Bắc do ông Nguyễn Văn Hữu làm Giám đốc. 

Sự lạ lùng đầu tiên từ đề xuất thoái vốn tại HGS có thể thấy, là ngay từ khi thành lập DN, ACV đã chủ động chỉ nắm 20% vốn điều lệ của HGS. Và lập tức sau khi được thành lập, HGS đã được ACV tạo điều kiện để hiện nắm được tới 30% thị phần dịch vụ tại Sân bay Nội Bài. Chưa đầy hai năm sau đó, ACV rút vốn khỏi HGS, hoàn thành thương vụ hỗ trợ HGS “thò chân” vào thị trường dịch vụ hàng không tại Sân bay Nội Bài. Nói cách khác, việc tham gia và sau đó là thoái vốn tại HGS của ACV dường như chỉ nhằm mục đích hỗ trợ các CĐ của HGS tiến vào và nắm được thị phần dịch vụ lớn nhất tại Sân bay Nội Bài. Quan hệ hỗ trợ ấy, dường như chỉ có những mối quan hệ rất thâm tình, mới có thể khiến các công chức lãnh đạo một TCT Nhà nước lớn như ACV có thể “động lòng” hỗ trợ.

Cơ cấu CĐ kiểu này cũng không chỉ xuất hiện tại HGS, mà còn xuất hiện Công ty CP Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài (ACSV), DN cũng mới thành lập năm 2011 và hiện nắm khoảng 40-45% thị phần dịch vụ tại Sân bay Nội Bài. Cũng như tại Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn, DN hiện nắm thị phần dịch vụ khá lớn tại Sân bay Tân Sơn Nhất… và nhiều DN khác. Đáng lưu ý, một cách tình cờ, những CĐ tại các DN góp vốn vào công ty liên kết với ACV đều có liên quan tới một số lãnh đạo của chính ACV.

Theo thông tin trong lời giới thiệu của ACSV, DN này được thành lập từ tháng 4-2009 với tên Công ty Dịch vụ hàng hóa hàng không (ACS), trực thuộc TCT cảng hàng không Miền Bắc. Thời điểm này, ACS là DN 100% vốn Nhà nước với chức năng chính cung cấp các dịch vụ liên quan vận tải hàng hóa cho các hãng hàng không đi và đến tại CHK quốc tế Nội Bài. Đến năm 2012, ACS chuyển đổi mô hình từ công ty phụ thuộc sang thành Trung tâm dịch vụ ga hàng hóa Nội Bài, trực thuộc CHK quốc tế Nội Bài (thuộc ACV). 

Tháng 6-2015, trung tâm được CPH với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, và chính thức mang tên ACSV cho đến nay. Trong lời giới thiệu, ACSV khẳng định công ty “được chọn là đại diện tiên phong của CKH quốc tế Nội Bài thực hiện chuyển đổi vốn chủ sở hữu từ nhà nước sang tư nhân thông qua quá trình cổ phần hóa (CPH)”. Đây cũng là nỗ lực nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu DN nhà nước của Bộ GTVT và ACV.

Oái oăm là, lợi ích từ màn tái cơ cấu bằng CPH này hóa ra lại không hề “lọt” tới người lao động (NLĐ) tại ACSV thời điểm đó. Có đến năm pháp nhân chia nhau 100% CP của ACSV thời điểm thành lập DN. Đương nhiên, điều đó có nghĩa, NLĐ đã đứng ngoài quá trình CPH tại ACSV (?). Chưa hết, trong số năm CĐ pháp nhân sáng lập, có đến bốn pháp nhân chia nhau góp 80% vốn điều lệ của ACSV đều là DN tư nhân. ACV, công ty mẹ trước kia, chỉ còn nắm vỏn vẹn 20% vốn điều lệ. Một tỷ lệ cho thấy ACV không còn nhiều chi phối tại ACVS, hay nói cách khác là về bản chất đã bán đứt ACSV, dưới “mác” CPH. Điều đó cho thấy, việc NLĐ không tham gia CPH ACSV là một bí ẩn lạ lùng, đặc biệt khi đây là DN đang nắm giữ thị phần dịch vụ lớn nhất tại sân bay Nội Bài, và từ ngày vẫn còn là DNNN cho đến nay luôn làm ăn lãi lớn, với tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm. NLĐ tại ACSV cho đến giờ vẫn nhớ cuộc họp lãnh đạo ACSV vào một ngày đầu tháng 6-2015 có sự tham gia của một số “người lạ”. Những người này tự giới thiệu là chủ mới của ACSV, điều đó làm những cán bộ, nhân viên tại ACSV ngỡ ngàng, họ không biết ACSV đã CPH khi nào (?).

Miếng ngon phần... người ngoài

Như đã nói, trong số 5 CĐ pháp nhân sáng lập ACSV, có bốn pháp nhân nắm 80% vốn điều lệ của ACSV là các DN tư nhân. Bao gồm, Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long nắm 20% vốn điều lệ (tương đương 50 tỷ đồng), Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam nắm 30% (tương đương 75 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Lanmak nắm 20% vốn điều lệ (tương đương 50 tỷ đồng), cuối cùng là Công ty CP Chứng khoán IB nắm 10% vốn điều lệ (tương đương 25 tỷ đồng).

Trong đó, các Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long và Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam cùng các CĐ của DN này tiếp tục tham gia sở hữu CP tại nhiều DN khác đang nắm giữ những phần việc dịch vụ béo bở nhất liên quan hàng không tại Sân bay Nội Bài. Thậm chí, Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam còn là CĐ pháp nhân trong một công ty liên kết của ACV tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chủ sở hữu Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam cũng đồng thời là CĐ cá nhân lớn nhất tại DN liên kết này của ACV. “Mô hình” ACV chỉ nắm giữ tỷ lệ không quá 50% được xem là “tiêu chuẩn” trong CPH các DN trực thuộc. Tại sân bay Nội Bài, ACV cũng chỉ nắm giữ 20% vốn điều lệ (tương đương 30 tỷ đồng) trong Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS). Đây là công ty hiện nắm thị phần dịch vụ lớn hàng đầu tại sân bay Nội Bài. 80% vốn điều lệ của DN này do 3 CĐ pháp nhân đều là DN ngoài nhà nước nắm giữ. Và cũng tương tự, hoàn toàn không có hình bóng của người lao động nắm giữ CP, dù chỉ là tỷ lệ nhỏ, trong cơ cấu CP của HGS. Vì sao NLĐ tại sân bay Nội Bài, hay Tân Sơn Nhất không tham gia quá trình CPH các DN kinh doanh dịch vụ tốt nhất của ACV hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải ?

Trong khi đó, kết luận thanh tra gần nhất của Thanh tra Chính phủ tại ACV có nội dung về công tác CPH tại TCT này, nhưng lại không có dòng nào nói về CPH tại ACSV và HGS, hai DN hiện nắm thị phần dịch vụ lớn nhất tại Sân bay Nội Bài. Và đồng thời có nhiều hợp đồng dịch vụ hàng không với nhiều hãng hàng không thế giới nhất. Ngược lại, số hợp đồng này cũng lại là điều kiện tiên quyết để ACSV mặc định được sử dụng cơ sở vật chất tại sân bay Nội Bài, được đầu tư bằng vốn Nhà nước và vốn vay nước ngoài, để kinh doanh, tạo lợi nhuận cho một nhóm các cá nhân chủ các DN nắm giữ phần lớn nhất vốn điều lệ tại ACSV, hay HGS. Đồng thời triệt tiêu luôn tính cạnh tranh dịch vụ trong khai thác sân bay. Vì rõ ràng, cực hiếm DN có thể kiếm được hợp đồng với hãng hàng không nước ngoài để làm cơ sở “thò chân” được vào sân bay Nội Bài. “Công thức” nhà nước đầu tư hạ tầng sân bay để tư nhân khai thác đang là một sự thật oái ăm tại Sân bay Nội Bài. Và đó là kết quả rõ ràng đi ngược lại chính sách CPH các DNNN, đi ngược lại chủ trương xã hội hóa đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông.

Nhóm PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục