Dự án nằm trên “giấy”: Luật sư nói gì việc nhà đầu tư bị chiếm giữ “trái phép” hơn chục tỷ đồng?

(KDPL) - Trong số báo trước báo Kinh doanh và pháp luật đã chuyển tải nội dung trong lá đơn kiến nghị của bà Đặng Thị Minh Hiền đề cập về việc hai dự án trên “giấy” của bà Nguyễn Thị Thảo, đã khiến cho nhiều bạn đọc báo Kinh doanh và pháp luật vô cùng bức xúc. Nhiều câu hỏi nghi vấn liên quan đến tính pháp lý xung quanh vụ việc này được đặt ra. Để rộng đường dư luận, PV báo Kinh doanh và pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, về những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

PV: Thưa ông, việc hợp tác góp vốn đầu tư giữa bà Hiền và bà Thảo được thể hiện thông qua hợp đồng góp vốn số 01/HDGV. Ông nghĩ sao về hợp đồng này ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua xem xét hợp đồng số 01/HDGV, tôi thấy ngày tháng năm ở phần đầu của hợp đồng 01 không đề cụ thể nhưng điều 4 của hợp đồng lại quy định: “Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký”. Tại Điều 405 của Bộ luật dân sự 2005 có quy định: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Căn cứ theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa hai bên thì hợp đồng số 01 không thể xác định được thời điểm hai bên đã ký kết.

Tuy nhiên, khi chuyển tiền cho bà Thảo, bà Hiền đều ghi rõ nội dung “trả theo hợp đồng góp vốn” trên các giấy ủy nhiệm chi. Tức là hợp đồng đã được ký kết trước thời điểm bà Hiền thực hiện chuyển tiền. Thời điểm chuyển tiền sớm nhất của bà Hiền cho bà Thảo là ngày 12-5-2010. Khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng có thể xem xét và xác định được hợp đồng số 01 có hiệu lực kể từ ngày 12-5-2010.

Dự án nằm trên “giấy”: Luật sư nói gì việc nhà đầu tư bị chiếm giữ “trái phép” hơn chục tỷ đồng? - Ảnh 1
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội

PV- Đó là những thiếu xót về mặt hình thức nhưng về mặt nội dung thì sao?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nội dung của hợp đồng góp vốn đầu tư số 01 khá sơ sài và có nhiều vấn đề không được các bên quy định rõ ràng, cụ thể. Thứ nhất, hợp đồng không quy định cụ thể về số tiền mà bà Hiền và bà Thảo phải góp cũng như tỷ lệ góp vốn. Điều 1 của hợp đồng 01 chỉ quy định các bên cùng thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư với tỷ lệ bằng nhau (1/3 hoặc 1/2 tổng số vốn đầu tư) chứ không nói rõ tỷ lệ góp vốn và số vốn góp của từng người. Kể cả tổng số vốn phải góp là bao nhiêu cũng không được thể hiện cụ thể.

Thứ hai, hợp đồng không quy định về phương thức góp vốn cũng như quản lý góp vốn. Chẳng hạn như các bên phải chuyển tiền vào một tài khoản chung nào hay chuyển tiền cho ai ?  Một bên hay cả hai bên cùng quản lý  và sử dụng tiền góp vốn (?).

Thứ ba, hợp đồng cũng không quy định rõ ràng về tiến độ góp vốn của các bên. Điều 3 của hợp đồng chỉ quy định: Mỗi bên (góp 1/3 hoặc 1/2 số vốn) nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích từ các hộ dân tại số nhà 35 Nhà Chung ngay sau khi ký hợp đồng sẽ phải đóng trước 50% vốn. Câu hỏi đặt ra ở đây là các bên sẽ góp 50% vốn sau khi ký hợp đồng 01 hay là sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng với các hộ dân ?

Thứ tư, quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đàm phán nhận chuyển nhượng diện tích nhà tại 35 Nhà Chung từ các hộ dân không được quy định cụ thể trong hợp đồng. Điều 2 của hợp đồng chỉ ghi chung chung là các bên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Vậy ai sẽ là người đại diện cho các bên tiến hành đàm phán, thương thảo về giá chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền thuê đất với các hộ dân? Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền thuê đất trước khi ký kết có cần sự đồng ý của cả hai bên hay chỉ cần một bên đồng ý là được (?).

PV. Sự thiếu chặt chẽ về mặt hình thức lẫn nội dung như vậy, hợp đồng số 01 có được coi là hợp đồng hợp tác kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hay không ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo khoản 3 Điều 9 Nghị Định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22-9-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và khoản 1 Điều 23 Luật Đầu Tư thì hợp đồng phải ghi rõ đối tượng, nội dung hợp tác, thời hạn kinh doanh, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên, quan hệ hợp tác giữa các bên và tổ chức quản lý do các bên thỏa thuận. Khoản 1 Điều 402 Bộ luật dân sự cũng quy định về nội dung của hợp đồng dân sự như sau: Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm. Đối chiếu hợp đồng 01, tôi thấy hợp đồng này hết sức sơ sài. Cụ thể, các bên đã chưa thỏa thuận về cơ chế góp vốn, tỷ lệ góp vốn, góp vốn như thế nào, ai là người quản lý vốn và vốn góp sẽ được sử dụng thế nào.

PV- Như vậy, việc bà Thảo đang giữ khoản tiền mà bà Hiền chuyển khoản trong suốt thời gian qua có vi phạm quy định pháp luật  hay không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khoản 1 Điều 599 Bộ luật dân sự quy đinh người chiếm hữu là: Người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó. Trong dự án 35 Nhà Chung, bà Thảo không chứng minh được bà Hiền đã đồng ý hoặc ủy quyền cho bà Thảo giữ tiền góp vốn để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền thuê đất. Do đó bà Thảo sẽ phải hoàn trả lại tiền cho bà Hiền.

PV- Đối với dự án Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 1137/UBND.ĐT về việc chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án của Cty TNHH tư vấn xây dựng Hồng Thái tại Cửa Lò, đơn vị ký hợp đồng đặt cọc với bên đặt cọc là Cty CP đầu tư và phát triển Hồng Thành. Ông đánh giá sao về tính pháp lý của sự hợp tác giữa bà Hiền và bà Thảo trong dự án này ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bà Hiền và bà Thảo chưa ký kết bất kỳ thỏa thuận nào bằng văn bản về việc góp vốn để triển khai Dự án Cửa Lò. Các thông tin về việc góp vốn này chỉ được thể hiện bằng lời nói giữa Bà Hiền và Bà Thảo. Bởi vậy, tôi thấy chưa đủ cơ sở đánh giá về giá trị và hiệu lực của thỏa thuận này. Còn dự án 35 Nhà Chung, bà Thảo không chứng minh được bà Hiền đã đồng ý hoặc ủy quyền cho bà Thảo giữ tiền góp vốn để hợp tác thực hiện dự án Cửa Lò thì xem như việc chuyển tiền của Bà Hiền cho Bà Thảo là không có căn cứ. Hơn nữa, những phiếu thu tiền mà bà Thảo nộp vào Cty TNHH tư vấn xây dựng Hồng Thái chỉ xác định được số tiền bà Thảo nộp vào Cty đó chứ không chứng minh được nguồn tiền này xuất phát từ bà Hiền. Nói cách khác, không có cơ sở để xác định được bà Thảo đã nộp hộ tiền cho bà Hiền vào dự án Cửa Lò. Vì vậy bà Thảo sẽ phải hoàn trả lại tiền cho bà Hiền theo quy định tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật dân sự.

PV- Nếu như cơ sở pháp lý để bà Thảo giữ tiền của bà Hiền là không có, vậy việc bà Thảo cố tình không trả lại tiền cho bà Hiền có dấu hiệu vi phạm hình sự hay không ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đối chiếu với các tài liệu hiện có trong hồ sơ, bà Thảo chưa có đủ cơ sở để chứng minh được việc bà Thảo đã và đang thực hiện dự án 35 Nhà Chung và dự án Cửa Lò như đã thỏa thuận. Về dự án Nhà Chung, các giấy bán nhà của một số hộ dân cho bà Thảo đều không có công chứng nên không đủ cơ sở chứng minh bà Thảo hiện đang sở hữu các căn nhà tại 35 Nhà Chung. Trong khi, một hợp đồng đặt cọc khác về việc cam kết chuyển nhượng nhà tại số 35 Nhà Chung có công chứng đầy đủ lại mang tên một công dân khác, là bà Nguyễn Thị Tú Oanh, chứ không phải bà Thảo. Tại dự án Cửa Lò, bà Hiền chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của bà Thảo chứ không phải Cty nào thuộc dự án. Các giấy nộp tiền vào Cty Hồng Thái đều mang tên cá nhân bà Thảo. Bản thân bà Thảo cũng chưa có giấy tờ nào chứng minh việc bà Hiền góp vốn hay mua lại phần góp vốn của bà Thảo hoặc của các Cty thuộc dự án. Đến nay dự án đã bị chấm dứt nhưng bà Thảo vẫn cố tình không hoàn trả lại tiền cho bà Hiền. Theo tôi, có dấu hiệu cho thấy bà Thảo gian dối để chiếm đoạt khoản tiền của bà Hiền bởi bà Thảo chưa có bất kỳ căn cứ nào thể hiện số tiền bà Hiền chuyển cho bà Thảo được dùng để góp vốn tại các dự án trên.

Xin cảm ơn ông !

Hải Đăng

Điều 139 Bộ luật hình sự có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

Trường hợp cố tình né tránh hoặc bỏ trốn việc hoàn trả số tiền trên, bà Thảo sẽ có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự. Cụ thể, điểm a khoản 1 có quy định: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó. 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục